Trong nước

Quốc hội thông qua hợp nhất các bộ ngành, Chính phủ có 7 phó thủ tướng

Với các nghị quyết của Quốc hội vừa được thông qua, cơ cấu tổ chức Chính phủ thay đổi trên cơ sở hợp nhất nhiều bộ ngành.

Ngày 18-2, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Chính phủ có 25 thành viên

Trước đó, chiều 17-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình Quốc hội về cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Theo kết quả biểu quyết Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV: có 467 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 97,70%); có 465 đại biểu tán thành (bằng 97,28%); có 2 đại biểu không tán thành (bằng 0,42%).

Đối với nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV: có 445 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,10%); có 444 đại biểu tán thành (bằng 92,89%); có 1 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,21%).

Như vậy cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ khóa XV, gồm 25 thành viên là Thủ tướng Chính phủ, 7 phó thủ tướng, 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ.

So với trước khi sắp xếp, Chính phủ có 27 thành viên với 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ, nay đã giảm xuống còn 24 thành viên. Trong đó, Chính phủ thành lập 6 bộ mới trên cơ sở hợp nhất.

Cụ thể, Quốc hội nhất trí thành lập Bộ Tài chính trên cơ sở hợp nhất Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính, cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ đang giao cho hai bộ này.

Tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với 18 tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện giao cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý.

Thành lập Bộ Xây dựng trên cơ sở hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải, cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ đang giao cho hai bộ này; chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ từ Bộ Giao thông vận tải về Bộ Công an.

Thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ trên cơ sở hợp nhất Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ đang giao cho hai bộ này.

Chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý về báo chí, xuất bản từ Bộ Thông tin và Truyền thông sang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Một số bộ hợp nhất đổi tên gọi

Thành lập Bộ Nội vụ trên cơ sở hợp nhất Bộ Nội vụ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ hiện nay và chức năng quản lý nhà nước về lao động, tiền lương, việc làm, người có công, an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sang Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội (riêng nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy chuyển sang Bộ Công an) từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sang Bộ Y tế...

Thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ đang giao cho hai bộ này; tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về giảm nghèo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ủy ban Dân tộc, tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ và bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về dân tộc.

Ngoài 6 bộ trên, Quốc hội thông qua việc duy trì 11 bộ ngành hiện nay gồm Bộ Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ngoại giao, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tác giả: Ngọc An - Thành Chung

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP