Hàng xóm nỗ lực dập lửa, phá dây sắt đưa anh Trai đi cấp cứu trong tình trạng bỏng toàn thân. Lúc này anh Trai cho biết bị vợ là chị Nguyễn Thị Thanh (39 tuổi) tưới xăng đốt.
Sau khi vụ việc xảy ra, chị Thanh bỏ đi khỏi hiện trường. Sáng hôm sau người dân phát hiện xác chị nổi lên tại đoạn kênh thủy lợi trên địa bàn huyện Mộ Đức. Về phần anh Trai cũng qua đời sau 4 ngày được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.
Nửa tháng sau thảm kịch, ngôi nhà nhỏ của vợ chồng anh Trai vẫn bao trùm một màu tang tóc. Trong căn nhà Đại đoàn kết cũ kỹ, bà Trần Thị Hường (81 tuổi) lặng lẽ đốt nén nhang lên bàn thờ con trai rồi mếu máo kể: anh Trai có 2 con riêng là Trần Minh Nghĩa (15 tuổi), Trần Gia Tuệ (8 tuổi), riêng cháu Trần Minh Việt (4 tuổi) là con chung của anh Trai và chị Thanh. Rồi chỉ sau một đêm kinh hoàng ấy, những đứa trẻ thơ phải chịu cảnh mất cha, mất mẹ.
Bà Hường lo rồi tụi nhỏ rồi sẽ khổ cả đời. "Vợ chồng nó mất rồi, người ở lại rất đau. Nhất là mấy đứa nhỏ đâu có tội tình gì, giờ không biết tính sao! Lúc trước còn ba mẹ cũng đã thiếu thốn vì hai vợ chồng anh Trai đều làm nông, thu nhập bấp bênh. Vậy nên đã học đến lớp 9 nhưng Gia Nghĩa phải đi nhờ bạn đến trường vì không có tiền mua xe đạp. Gia Tuệ năm nào cũng phải xin sách cũ của hàng xóm để học. Những khi ấy, dù có khó khăn đến mấy vẫn còn ba mẹ yêu thương, còn chỗ dựa, tụi nhỏ vẫn còn hạnh phúc. Bây giờ ba mẹ mất rồi, không ai lo cho tụi nó cả, khổ càng khổ thêm. Bà thì già rồi không làm gì có tiền, các cô của tụi nó cũng khổ nên đâu giúp được gì nhiều" - bà Hường ngân ngấn nước mắt nói.
Bà Hường cho biết, 2 đứa em còn nhỏ quá nên chưa biết gì, khi thấy vắng ba mẹ thì hỏi rồi lại quên ngay. Còn Gia Nghĩa lớn rồi nên đau buồn lắm. Bình thường đã ít nói giờ cháu càng trầm lặng hơn, không cười đùa. Tan học về là Gia Nghĩa đi thẳng vào phòng không dám nhìn vào bức tường nơi bố bị đốt cháy. Cứ đến đêm Nghĩa lại quấn chăn trùm kín cả đầu nằm đến sáng.
Thấy bà khóc, đôi mắt của những đứa trẻ cũng đỏ hoe. "Em tận mắt thấy ba cháy, lăn lộn dưới đất đau đớn lắm. Mỗi lần nghĩ đến cảnh đó, em rất sợ. Ba mẹ mất rồi ai lo cho tụi em, ai đưa các em đi học!" - Nghĩa đau đớn nói. Ánh mắt của đứa trẻ mới 15 tuổi nặng những buồn đau sau thảm kịch gia đình.
Tính chuyện tương lai cho mấy đứa cháu mồ côi, bà Hường nói: "Muốn giữ chúng nó ở bên nhưng bà già rồi không lo được nên đã đồng ý cho làng trẻ em SOS Đà Nẵng nhận nuôi 2 đứa nhỏ. Thằng Nghĩa quá tuổi họ không nhận nhưng bà năn nỉ cho nó theo để chăm sóc các em".
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Tấn Bảy - Chủ tịch UBND xã Hành Thịnh - cho biết, sau khi vụ việc đau lòng xảy ra, xã đã tiến hành làm thủ tục liên quan để các cháu được nhận hỗ trợ diện trẻ em mồ côi. Tuy nhiên, đại diện làng trẻ em SOS Đà Nẵng đã đến làm việc với gia đình và địa phương xin nhận nuôi các cháu.
Ông Bảy nói: "Hiện các cháu đã mất ba mẹ, bà nội già yếu lại thuộc diện hộ nghèo nên các cháu được làng trẻ em SOS Đà Nẵng nhận nuôi sẽ tốt hơn. Nếu gia đình đồng ý chúng tôi sẽ hỗ trợ hoàn tất các thủ tục liên quan".
Rời ngôi nhà nhỏ với những vết khói đen đầy ám ảnh, nhìn bà cụ và lũ trẻ đứng tựa vào nhau, chúng tôi tự hỏi rồi đây cuộc đời của các em sẽ ra sao khi mất đi tình yêu thương của cha mẹ, xa rời vòng tay của người thân cùng với những ám ảnh đau đớn trong lòng? Có thể một vài ngày nữa, các em sẽ được những người mẹ mới ở làng trẻ em SOS Đà Nẵng chăm sóc, yêu thương nhưng biết đến bao giờ những ký ức đau thương trong tâm hồn trẻ thơ mới được xoa dịu!
Tác giả bài viết: Hà Xuyên
Nguồn tin: