Giáo dục

Lo thí sinh trúng tuyển không nhập học

Nhiều năm qua, lượng thí sinh trúng tuyển đến làm thủ tục xác nhận nhập học ở các trường ĐH chỉ trên dưới 74%. Thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học đang là nỗi ám ảnh của các trường ĐH

Sau khi các trường ĐH công bố điểm chuẩn trúng tuyển, thí sinh trúng tuyển đã đến trường làm thủ tục xác nhận nhập học. Ở nhiều trường ĐH, số đến làm thủ tục xác nhận nhập học từ vài trăm đến cả ngàn thí sinh trong ngày 10 và 11-8.

Hồi hộp chờ thí sinh

Dù là 2 ngày cuối tuần nhưng nhiều trường ĐH vẫn mở cửa tổ chức các bàn làm thủ tục xác nhận nhập học.

Đến ngày 10-8, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM mới gửi thư thông báo trúng tuyển đến thí sinh nhưng từ sáng sớm cùng ngày, nhiều thí sinh đã đến trường làm thủ tục xác nhận nhập học. TS Phan Ngọc Minh, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết thông thường, khi nhận được giấy báo trúng tuyển, thí sinh mới làm thủ tục xác nhận nhập học bằng cách nộp cho trường giấy báo kết quả thi. Trong ngày 10 và buổi sáng 11-8 đã có 500 thí sinh làm thủ tục xác nhận nhập học.

Tại Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, số thí sinh đến làm thủ tục xác nhận nhập học tính đến 9 giờ ngày 11-8 đạt 1.000 em. Đại diện phòng đào tạo cho biết năm nào cũng vậy, khi trường thông báo điểm chuẩn trúng tuyển là thí sinh bắt đầu đến làm thủ tục bằng cách nộp giấy báo kết quả thi.

Tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, trong buổi chiều 10 và sáng 11-8 đã có 700 thí sinh đến trường làm thủ tục xác nhận nhập học. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM và Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương thí sinh cũng bắt đầu đến trường làm thủ tục từ sáng 11-8.

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho rằng ở thời điểm này, các trường đang hồi hộp chờ thí sinh trúng tuyển đến làm thủ tục xác nhận nhập học. Nếu thí sinh đến làm thủ tục đạt tỉ lệ cao thì trường sẽ không tuyển bổ sung, ngược lại, nếu thấp thì phải tuyển bổ sung trong khi nguồn tuyển có thể đã cạn.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh trúng tuyển phải làm thủ tục xác nhận nhập học trước 17 giờ ngày 15-8, sau thời gian này, nếu thí sinh không làm thủ tục, sẽ bị hủy kết quả.

Thí sinh nhập học tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TP HCM). Ảnh: TẤN THẠNH

"Ảo" ở nhiều ngành kém hấp dẫn

Phương thức lọc ảo chung chỉ giải quyết được một phần khi thí sinh trúng cùng lúc nhiều nguyện vọng hoặc đã trúng tuyển ở phương thức xét tuyển khác trước khi chạy lọc "ảo". Hằng năm, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển không làm thủ tục xác nhận nhập học vẫn cao là nỗi lo của nhiều trường.

Trường ĐH Bách khoa TP HCM năm nay có hơn 4.500 chỉ tiêu tuyển sinh. Ở đợt xét tuyển thẳng, xét tuyển từ kết quả thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức, trường đã tuyển được 1.000 nên ở đợt xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia 2019 trường còn hơn 3.500 chỉ tiêu. PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cho biết tỉ lệ thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học ở trường hằng năm dao động từ 90%-95%.

Nhiều thí sinh trúng tuyển vào ngành có điểm chuẩn cao vẫn không nhập học vì các em đã có học bổng du học, những thí sinh trúng tuyển vào ngành không ưng ý cũng không nhập học nên trường nào cũng có thí sinh "ảo", vấn đề là ít hay nhiều. Theo ông Thắng, hằng năm có khoảng 250 thí sinh trúng tuyển không nhập học là không nhiều so với 4.500 chỉ tiêu nhưng số này chỉ rơi vào vài ngành lại là mối lo vì có ngành chỉ tiêu chỉ vài chục.

Theo ThS Phạm Thái Sơn, ở Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển làm thủ tục xác nhận nhập học từ 70%-75%. Những ngành có điểm trúng tuyển cao thì tỉ lệ thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học cao và ngược lại. Tương tự, tại Trường ĐH Nha Trang, tỉ lệ thí sinh xác nhận nhập học hằng năm cũng khoảng 74%, hơn 1/4 chỉ tiêu vẫn còn trống sau khi chốt thời gian nhập học. PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM, nhìn nhận tỉ lệ nhập học qua các năm thường ở mức 85%-90%. Những ngành có tỉ lệ cạnh tranh cao thì tỉ lệ nhập học cao, ngành có ít thí sinh đăng ký thì tỉ lệ nhập học thấp…

Đại diện nhiều trường ĐH nhận định những ngành học kém hấp dẫn, không có sự cạnh tranh cao thì tỉ lệ "ảo" rất lớn. Bởi vì, ngay cả khi trúng tuyển, thí sinh vẫn không nhập học mà có thể chờ cơ hội ở đợt xét tuyển bổ sung hay xét học bạ vào các trường tuyển bổ sung có ngành ưng ý. Thậm chí, trúng tuyển ĐH nhưng thí sinh bỏ để đi học CĐ, trung cấp.

Nhiều trường tư "chơi chiêu"?

Giải mã hiện tượng nhiều trường tư có điểm chuẩn trúng tuyển cao và khá đều giữa các ngành trong khi điểm chuẩn của nhiều trường ĐH công lập thấp hơn, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng các trường ĐH ngoài công lập đang "chơi chiêu" nhằm đánh lừa xã hội. Thực tế, chất lượng đào tạo của trường tốt mới thu hút được thí sinh có điểm thi cao nhưng trường hợp các trường ĐH ngoài công lập có điểm chuẩn cao lại chưa hẳn là do chất lượng đào tạo tốt. Ông Dũng cho biết các trường ĐH ngoài công lập xét tuyển học bạ nhiều đợt nên chỉ tiêu cũng đã gần đủ. Do chỉ tiêu còn lại ít nên các trường đẩy điểm chuẩn lên nhằm gây chú ý.

Tác giả: Huy Lân

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP