Cô giáo Hồ Thị Tâm, Hiệu trưởng, cho biết, mặc dù trường nằm ở trung tâm huyện, có đủ điều kiện thuận lợi về ăn ở, học tập, song từ đầu năm học đến nay, đã có đến 19 học sinh chưa ra lớp, hoặc đi học “giã gạo”, bữa đi, bữa không, hoặc đi một vài buổi học rồi nghỉ. Các em học sinh này chủ yếu ở các xã Dang, Lăng và Nông.
Theo cô Tâm, năm học này, trường sáp nhập toàn bộ học sinh THCS từ Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS & Tiểu học xã Dang nên có tổng 408 em học sinh. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, như các em nghỉ học nhiều nên kết quả học tập của các em còn yếu, lưu ban, chán nản; hoặc thấy các anh chị lớn ra trường không có việc làm nên đã nghỉ học để đi làm, kiếm tiền.
Các thầy cô giáo Trường THPT Tây Giang nỗ lực đưa học sinh đến lớp. |
Cũng có nguyên nhân chủ quan từ gia đình, như gia đình còn khó khăn, bố mẹ chưa quan tâm được nhiều do họ còn phải lo cái ăn, cái mặc, con cái đôi lúc cũng tự do trong quá trình đi lại, trong việc học... “Nhà trường phân công các giáo viên kết hợp với chính quyền địa phương đến tận nhà các em để vận động các em ra lớp, nhưng công tác vận động gặp nhiều khó khăn do giáo viên vừa dạy trên lớp vừa tranh thủ thời gian đi vận động; người dân bản địa làm rẫy nên các em theo cha mẹ lên rẫy… Giáo viên nhà trường, các xã, thôn vẫn đang quyết liệt vận động với nhiều hình thức khác nhau để có kết quả.”, cô Tâm nói.
Tại Trường THPT Tây Giang, từ đầu năm học đến nay đã có 36 trường hợp học sinh chưa ra lớp. Phần lớn các em này có nhà ở các xã A Vương, Bha Lêê, Lăng. Thầy Đinh Văn Tư, Hiệu trưởng, cũng cho hay, nhà trường đã phối hợp cùng các thôn đến tận nhà học sinh vận động nhưng không đạt kết quả. Ngay cả cha mẹ học sinh cũng không mặn mà với việc cho con em đi học, vì cho rằng học nhiều, tốn tiền của mà ra trường thất nghiệp, không xin được việc làm.
Qua trao đổi, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Phó Phòng GD-ĐT huyện Tây Giang xác nhận, trong năm học 2019 - 2020, trên địa bàn huyện có 84 học sinh trung học bỏ học, học “giã gạo”, trong đó bậc THPT 54 học sinh, THCS 30 học sinh. Trước sự việc trên, ngành Giáo dục và các cấp, ngành, mặt trận, đoàn thể từ huyện đến xã, thôn vẫn đang tích cực vận động học sinh ra lớp; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc quản lý, chăm sóc con cái, nhất là quan tâm đến việc học của con em mình.
Đồng thời phối hợp với hội, đoàn tổ chức nhiều phong trào, hoạt động tạo môi trường học tập tích cực, thân thiện cho các em học sinh trên địa bàn.
Tác giả: Hà Vy
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân