Tiến Linh là cầu thủ duy nhất được HLV Park Hang-seo chọn từ đội tuyển sang Trung Quốc, và anh ghi một cú đúp. Ảnh: VFF. |
Trận hòa với Thái Lan ở vòng loại World Cup 2022 hút hết mọi góc nhìn bởi tính chất và những câu chuyện giàu kịch tính xung quanh nó, nhưng đó chưa phải là đỉnh cao về mặt kết quả. Một điểm ở bảng G không phải là điều quá lý tưởng với Việt Nam, khi xung quanh còn có UAE, Indonesia và Malaysia. Ngược lại, chiến thắng tại Hồ Bắc lại rất đặc biệt dù chỉ là giao hữu.
Trung Quốc chưa vươn đến tầm Big Four của châu Á, tức là nhóm thường xuyên giành vé dự World Cup, nhưng thường xuyên có mặt ở nhóm 8 đội hàng đầu. Với bóng đá Việt Nam, những lần đối đầu Trung Quốc, đa phần đem lại kết quả tiêu cực. Đó là lý do mà ấn tượng về chiến thắng 3-2 ở giải U16 châu Á năm 2000 của thế hệ Phạm Văn Quyến vẫn được truyền tụng như cột mốc đáng nhớ nhất trong những lần đối đầu với "gã hàng xóm" này. Gần nhất, năm 2016, đội U22 Việt Nam hòa 1-1 tại giải giao hữu ở Vũ Hán. Trước đó hai năm, lứa Công Phượng, Xuân Trường... cũng hòa 1-1 tại vòng chung kết U19 châu Á và hai năm trước đó nữa, đội tuyển quốc gia do HLV Phan Thanh Hùng dẫn dắt thua 0-3, vẫn tại Vũ Hán. Kể cả thời điểm rất thăng hoa của đội tuyển sau chức vô địch AFF Cup 2008, thầy trò HLV Henrique Calisto vẫn thảm bại 1-6 tại Hàng Châu trong chuyến làm khách ở vòng loại Asian Cup vào tháng 1/2009.
Vậy mà cái khoảng cách đó hiện tại là 2-0, nghiêng về Việt Nam. Dù đây là một trận giao hữu, chắc chắn Trung Quốc cũng không muốn thua. Thỏa thuận cho phép thay 11 cầu thủ, trong khi Việt Nam thay chín, đội chủ nhà chỉ sử dụng năm. Họ đã bị đặt vào tình thế phải xem đây là một trận đấu chính thức nên duy trì đội hình chính để tìm bàn gỡ. Việc khán giả bỏ về sớm và cái cách truyền thông Trung Quốc phản ứng sau đó cũng phần nào cho thấy mong muốn chiến thắng của họ.
Trái lại, đó là cột mốc đáng nhớ trên hành trình mà bóng đá Việt Nam hy vọng sẽ còn rất dài với HLV Park Hang-seo. Bởi đó là màn trình diễn "gần như hoàn hảo", thậm chí là trận đầu tiên Việt Nam cầm giữ toàn bộ thế trận trước một đội bóng mạnh hơn, và hầu như không cho đối thủ một cơ hội nào. Từng đánh bại Olympic Nhật Bản, U23 Australia và nhiều đội bóng Tây Á, nhưng chưa trận nào Việt Nam khiến đối thủ thua trận theo kiểu cúi đầu như tại Hồ Bắc, xét trên mọi thông số thống kê.
Trong đội hình thi đấu, chỉ còn bảy cầu thủ từng dự vòng chung kết U20 World Cup 2017 và cũng chỉ chừng bảy người từng có mặt trong trận thắng U23 Thái Lan 4-0 hồi tháng 3/2019. Đội hình đó chưa có Quang Hải, Đình Trọng, Đức Chinh, Văn Hậu hay Thành Chung. Vậy mà họ đánh bại Trung Quốc hai bàn không gỡ, tạo ra chiến thắng có ý nghĩa nhất trước đối thủ này sau gần 20 năm.
Nếu như chiến tích á quân tại U23 châu Á 2018 có lúc "bị" xem là may mắn. Nếu những thành tích ở Asiad, AFF Cup hay Asian Cup vẫn được nói là sự tiếp nối của một "thế hệ kim cương", và ít nhiều vẫn được xem là thành quả của những người như bầu Đức, bầu Hiển. Thì với U22 Việt Nam và trận thắng trên đất Trung Quốc, HLV Park Hang-seo đã khẳng định tầm vóc của một kiến trúc sư trưởng. Bởi ông không phải chỉ tạo ra một đội bóng, mà đến hai đội như vậy.
Đội bóng đầu tiên mà Park tự tạo dựng, không phải là đội tuyển quốc gia, mà là U23 chuẩn bị cho vòng chung kết U23 châu Á 2018. Thành công trên đất Thường Châu như thế nào đã rõ. Bây giờ, cũng trước giải đấu châu lục vào đầu năm sau, ông xây dựng một đội U23 mới, có cầu thủ đến từ 12 CLB khác nhau thay vì chỉ HAGL hay Hà Nội. Trong những cầu thủ thi đấu vừa qua, có Hồng Phước đến từ An Giang, Văn Trung đến từ Bình Phước. Đó đều là những đội bóng đang chơi tại giải hạng Nhất. Và đội U22 mà ông Park đưa đến Trung Quốc khác rất nhiều so với khi còn trong tay HLV Nguyễn Quốc Tuấn thi đấu tại giải U22 Đông Nam Á hồi đầu năm.
Chỉ một trận thắng, HLV Park đã cho thấy tiềm năng của bóng đá Việt Nam như thế nào. Và nó cũng cho thấy ông đã thay đổi bóng đá Việt Nam mạnh mẽ đến mức nào, kể cả khi cùng lúc phải nắm hai đội tuyển.
Những ngày này, cách đây đúng hai năm, lời từ chối tế nhị của HLV Sekizuka Takashi vô tình trở thành bước ngoặt cho bóng đá Việt Nam. Takashi là ứng cử viên số một khi VFF tìm kiếm người thay thế HLV Nguyễn Hữu Thắng từ chức sau thất bại ở SEA Games 2017. Họ sau đó phải chuyển sang ứng viên số hai, chính là Park Hang-seo. Sau khoảng hơn 10 ngày trao đổi qua email, bầu Đức và ông Trần Quốc Tuấn - phó Chủ tịch chuyên môn - bay sang Hàn Quốc. Cuộc thương thảo rồi ký ghi nhớ diễn ra chỉ trong một ngày, đó là ngày 29/9.
Khi đó, như Park thừa nhận, những gì ông biết về bóng đá Việt Nam chủ yếu đến từ đội bóng vừa thi đấu ở U20 World Cup tổ chức ngay tại Hàn Quốc. Những ngày đầu làm việc với U23 Việt Nam, ông hầu như phải làm lại mọi thứ, do sự khác biệt về trình độ giữa hai nền bóng đá. Nhưng chính thành công của bóng đá trẻ Việt Nam khi đó đã cho ông một công việc nhiều tham vọng.
Với U22 Việt Nam hiện nay, một lần nữa ông lại đúng.
Tác giả: Song Việt
Nguồn tin: Báo VnExpress