Gần 5 giờ chiều, chị Đào Thị Giang ở Linh Đàm (Hà Nội) lại chất đầy thịt lợn vào chiếc thùng xốp rồi đặt lên xe đẩy kéo đi khắp các tầng của tòa nhà trong khu chung cư mà gia đình chị đang sinh sống để giao thịt cho khách đã đặt trước đó.
Chỉ vào thùng xốp chứa đầy thịt lợn, chị khoe: “Chỗ này đủ giao cho khách đặt ở một tòa, còn những tòa khác thì phải đi chuyến nữa mới hết".
Chị Giang tâm sự, chị là giáo viên mầm non một trường tư thục gần nhà. Ngày trước, để có thêm thu nhập chị thường rao bán thịt lợn trên chợ online của khu chung cư mà nhà mình. Theo đó, mỗi tuần chị trả hàng một lần vì đằng nào cũng tiện công bố mẹ chị gửi thịt từ quê xuống cho gia đình chị ăn dần.
Việc buôn bán này với chị không quá phức tạp bởi bố mẹ chị ở quê vẫn giết mổ lợn bán ở chợ làng. Thế nên, chị chỉ cần báo số lượng là ông bà chủ động đi bắt lợn về giết mổ, pha lóc thành các loại, đóng thùng xốp chuyển xuống dưới Hà Nội để chị tiện cắt chia ra theo từng đơn hàng.
Thất nghiệp vì dịch Covid-19, một số người tranh thủ ở nhà bán thịt lợn online trong khu chung cư kiếm thêm thu nhập |
Dịp này, học sinh được nghỉ học tránh dịch Covid-19, giáo viên mầm non như chị cũng nghỉ theo nên chỉ được trả 1/2 lương. Trong lúc có quyết định cho học sinh đi học trở lại, chị tập trung vào việc bán thịt lợn online trên chợ chung cư vì nghỉ ở nhà thời gian rảnh khá nhiều.
Do vậy, giờ chị gom đơn theo ngày thay vì theo tuần. Cuối ngày chị chốt đơn, điện báo về quê để bố mẹ tới trang trại bắt rồi tự giết mổ, sáng hôm sau là chị nhận được thịt. “Tôi chỉ bán cho dân ở trong khu chung cư vì thuận tiện giao hàng, chứ bán ra ngoài phải thuê ship vất vả, mất thời gian”, chị chia sẻ.
Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân hạn chế ra ngoài và tới những nơi đông người nên chợ online khu chung cư nhà chị cũng nhộn nhịp hơn. Thịt lợn chị bán luôn được mọi người ủng hộ nhờ giá bán rẻ hơn ngoài chợ, chỉ khoảng 130.000-150.000 đồng/kg, do không phải qua nhiều khâu trung gian. Thế nên, mỗi ngày chị bán hết một con lợn móc hàm nặng khoảng 1 tạ.
Theo chị Giang, bán hết một con lợn không phải chuyện đơn giản, chị phải ngồi cắt, cân thịt, đóng túi theo đúng số lượng khách đặt... hết vài tiếng đồng hồ do không phải dân chuyên nghiệp. Chưa kể, việc kéo xe đẩy đi mấy chục tầng tòa nhà cũng mất công mất sức.
Song đổi lại, chị lãi khoảng 1 triệu đồng/ngày sau khi trừ đi chi phí. Số tiền kiếm được chị chia đôi, ông bà ngoại hưởng một nửa, một nửa của chị. Tính ra, từ sau Tết đến nay, trung bình mỗi tháng chị đút túi khoảng 12-15 triệu đồng, cao gấp đôi lương đi dạy mầm non.
Hai ngày một lần, chị Lương bán được khoảng 30-50 con gà ta thả vườn |
Tương tự, dịp này chị Bùi Thị Lương ở một khu đô thị trên đường Nguyễn Xiển (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng chuyên tâm hơn cho việc bán gà ta thả vườn trên chợ online khu chung cư nhà mình.
Từng làm nhân viên thu ngân một nhà hàng nên khi có dịch, nhà hàng tạm đóng cửa, chị Lương tự dưng thất nghiệp. Trong khi đó, tiền nợ ngân hàng vay mua nhà vẫn phải trả đều đặn mỗi tháng. Để cuộc sống không bị ảnh hưởng, chị đành xoay sang bán hàng online bù đắp vào khoản lương hàng tháng bị cắt.
Thực ra, ban đầu cũng tính xin làm thêm công việc gì đó, nhưng mùa dịch này, người thất nghiệp nhiều, kiếm việc làm thêm không dễ. Theo dõi thấy chợ online tấp nập khách mua bán, quê lại ở Lạc Thủy (Hòa Bình), nơi người dân nuôi gà thả vườn rất nhiều, giá mua gà tại chuồng cũng rẻ hơn nơi khác nên chị Lương quyết định đầu tư thời gian vào việc bán gà online.
Trước kia, chị chỉ gom đơn khách đặt mỗi tháng 2 lần vì tiện công bố mẹ chị gửi gà, trứng, rau nhà trồng được xuống cho nhà chị. Đợt này, nhu cầu mua gà của dân trong khu chung cư tăng mạnh, chị gom đơn 2 ngày trả một lần.
“Trong lúc thất nghiệp thì ở nhà cứ túc tắc bán online mỗi lần 30-50 con gà mổ sẵn. Tuần gom 3 lần như thế này tiền lời thu được cũng đủ trang trải cuộc sống”. Chị nói và cho biết, dịch chưa biết khi nào mới hết, tạm thời cứ buôn bán online như hiện nay, khi nào nhà hàng mở cửa trở lại thì chị sẽ quay về công việc thu ngân của mình.
Tác giả: Lưu Minh
Nguồn tin: Báo Việt Nam Net