Thế giới

Cảnh báo sắc lạnh của ông Trump gửi Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ "hủy hoại" hoàn toàn nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ, nếu ông nghĩ Ankara "làm điều gì đó vượt giới hạn" ở Syria.

Ông Trump đưa ra lời đe dọa thẳng thừng trên với Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong một thông điệp đăng tải trên Twitter ngày 7/10.

Lãnh đạo Nhà Trắng cũng kêu gọi Thổ Nhì Kỳ cùng với "châu Âu và những bên khác theo dõi việc bắt giữ các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và gia đình họ" chỉ vài giờ sau khi ông tuyên bố Mỹ cuối cùng sẽ bắt đầu rút quân khỏi miền bắc Syria từ 7/10.

Thông báo của Tổng thống Trump đã ngay lập tức gây ra phản ứng giận dữ từ những nhân vật hiếu chiến trong Quốc hội Mỹ và truyền thông. Một số chuyên gia về chính trị Trung Đông than phiền, Mỹ rút khỏi Syria sẽ đồng nghĩa với việc bỏ mặc người Kurd cho Thổ Nhĩ Kỳ nghiền nát.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ sau đó ra tuyên bố giải thích rằng, họ không phê chuẩn hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria. Cụ thể, các lực lượng vũ trang Mỹ "sẽ không ủng hộ hay tham gia vào bất kỳ hoạt động nào như vậy".

Lầu Năm góc khuyến cáo hành động đơn phương sẽ tạo ra những rủi ro đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời khuyên Ankara nên bắt tay hợp tác với các đồng minh NATO để tránh gây bất ổn trong khu vực.

Theo báo RT, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ coi nhóm vũ trang người Kurd YPG là một nhánh của tổ chức khủng bố bị cấm hoạt động PKK, nhưng Mỹ đã vũ trang và bảo vệ người Kurd suốt nhiều năm qua. Trong một thông điệp Twitter trước đó, ông Trump nêu rõ Washington đã chi một lượng lớn tiền và trang thiết bị cho người Kurd chiến đấu chống IS trong 3 năm qua. Vì vậy, ông tin đã đến lúc Mỹ nên rút khỏi cuộc chiến tốn kém và không có hồi kết này bằng cách rút binh sĩ về nước.

Người Kurd đã khẩn cầu Washington ra tay bảo vệ trước nguy cơ "xâm lược và chiếm đóng" của Thổ Nhĩ Kỳ, vì lo ngại các kế hoạch của Ankara nhằm tái định cư khoảng 3,6 triệu người tị nạn Syria hiện đang sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ tới một "khu vực an toàn" ở phía đông bắc.

Mặc dù chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu đã đàm phán với Mỹ về việc tạo ra vùng an toàn, nhưng tháng trước Ankara cảnh báo nếu Washington tiếp tục trì hoãn quá trình, họ sẽ thành lập khu vực này một mình. Trong khi đó, Damascus lên án cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là những kẻ chiếm đóng bất hợp pháp.

Mỹ đã nhiều lần đụng độ với Thổ Nhĩ Kỳ vì Ankara từ chối quay lưng với các đối thủ của Washington.

Hồi tháng 9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, ông không có ý định ngừng mua dầu và khí đốt tự nhiên từ Iran bất chấp các lệnh cấm vận ngày càng hà khắc do Washington áp đặt. Ankara cũng từ chối hủy mua các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga bất chấp đe dọa trừng phạt của Mỹ và việc Washington loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình tiêm kích F-35.

Tác giả: Tuấn Anh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP