Thế giới

800.000 người biểu tình đổ ra đường phản đối kế hoạch cải cách lương hưu khiến nước Pháp tê liệt

Hơn 800.000 người, từ nhân viên đường sắt cho đến giáo viên, nhân viên y tế, xuống đường trong cuộc bãi công lớn nhất tại Pháp trong nhiều thập kỷ qua.

Người biểu tình đổ ra đường vào ngày 5/12. Ảnh: Guardian

Ngày 5/12, các nghiệp đoàn tại Pháp đã tổ chức đình công trên toàn quốc, phản đối Tổng thống Emmanuel Macron, yêu cầu hủy kế hoạch cải cách hệ thống lương hưu.

Đây được cho là một trong các cuộc đình công quy mô lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua tại quốc gia này. Các nghiệp đoàn giao thông không đặt ra ngày kết thúc kế hoạch đình công.

Ông Thierry Babec, chủ tịch UNSA - một trong 3 nghiệp đoàn lớn nhất nước Pháp, cảnh báo mạng lưới giao thông "sẽ thực sự tê liệt" nếu chính phủ không thay đổi quyết định.

Các trạm tàu hỏa và tàu điện tại thủ đô Paris gần như trống trơn do người dân chủ động chuyển đổi phương tiện đi lại hoặc quyết định làm việc tại nhà.

Hơn 50% giáo viên tiểu học và trung học sẽ tham gia kế hoạch biểu tình lần này, trong khi các phòng cấp cứu tại các bệnh viện trên cả nước sẽ hoạt động với lực lượng mỏng.

Khoảng 6.000 cảnh sát đã được triển khai, trong đó có hàng chục thành viên lực lượng phản ứng nhanh tuần tra bằng xe mô tô trong bối cảnh lo ngại bạo loạn bởi những người biểu tình chống chính phủ "áo vàng" cực đoan, những người đã ủng hộ hành động do liên minh lãnh đạo.

Cuộc đình công cũng khiến cho khách du lịch thất vọng. Tháp Eiffel và bảo tàng Orsay đóng cửa vì sự thiếu hụt nhân viên. Bảo tàng Louvre và Trung tâm Pompidou cũng đóng cửa.

Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình diễn ra sau khi một số người mặc đồ đen, đeo mặt nạ tiếp tục bắt đầu đập phá trên đường phố và ném pháo hoa vào cảnh sát.

Một số người biểu tình giận dữ đã đốt xe, đập vỡ cửa sổ và phá hủy các trạm chờ xe buýt. Lực lượng cứu hỏa phải theo sau dập lửa.

“Hệ thống xã hội Pháp đang bị Tổng thống Macron phá hủy. Đất nước đang bị đưa trở lại khoảng thời gian trước năm 1945. Chúng tôi có nguy cơ mất trợ cấp xã hội. Các quỹ hưu trí tư nhân đang chờ đợi để được hưởng lợi", ông Isabelle Jarrivet (52 tuổi), người từng làm nhân viên tòa thị chính phía bắc Paris trong 20 năm.

Chương trình cải cách hưu trí là một trong những cam kết quan trọng trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Macron. Mục tiêu của chương trình này là hợp nhất 42 chế độ lương hưu khác nhau thành một chế độ chung dựa trên thang điểm nhằm đem lại những lợi ích lương hưu như nhau mà không phụ thuộc vào ngành, nghề của người lao động.

Chính phủ Pháp cho rằng cải cách chế độ hưu trí là cần thiết để đảm bảo hệ thống tài chính phát triển trong bối cảnh dân số già hóa.

Chương trình này chỉ áp dụng đối với những người sinh sau năm 1963 và được thực hiện bắt đầu từ năm 2025 nhằm đảm bảo sự cân bằng về chế độ lương hưu.

Một khảo sát gần đây cho thấy 56% số người Pháp ủng hộ cuộc đình công phản đối cải cách lương hưu.

Trước đó, chính phủ Pháp đã từng thất bại trong việc thực hiện chương trình cải cách lương hưu do tính chất gai góc và nhạy cảm của vấn đề.

Người biểu tình đốt phá. Ảnh: The Guardian

Ảnh: New York Times

Ảnh: New York Times

Ảnh: New York Times

Tháp Eiffel đóng cửa. Ảnh: New York Times

Tác giả: Mộc Miên

Nguồn tin: Báo Đời sống & Pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP