Cuộc sống

Phút xao lòng của nữ nhà báo trẻ

Có những ngày, sau khi kết thúc rất nhiều công việc mệt mỏi, cô vẫn không muốn về nhà. Cô sợ phải nghe tiếng cằn nhằn của mẹ, than thở của bố, cô sợ cảm giác cô đơn dù đang ở giữa gia đình. Và hơn hết, cô sợ phải đối mặt với những cảm xúc thật của mình.

Anh xuất hiện trong cuộc đời cô đơn giản, nhẹ nhàng và thời gian đầu, cô còn cảm thấy anh thật khó gần. Một người đồng nghiệp, cùng cơ quan, cùng phòng làm việc, ra đụng vào chạm hàng ngày. Tuy nói là cùng phòng nhưng anh xuất hiện tại cơ quan không đều đặn. Công việc cho phép anh đi làm ngẫu hứng còn cô cũng chẳng quan tâm. Một dịp cùng hợp tác trong chùm phóng sự, cô và anh mới có dịp hiểu thêm về nhau.

Anh là phóng viên ảnh của tạp chí, cô là phóng viên viết. Khi làm việc cùng, cô dần nhận thấy anh không khó gần như mình thường nghĩ, khá vui tính và biết thông cảm. Những bức ảnh anh chụp đã bắt được cái thần của nhân vật, nó tôn thêm giá trị bài viết của cô rất nhiều.

Ảnh minh họa

“Cà phê không em? Quán cũ nhé!”. Cô không nhớ, họ đã bắt đầu nhắn tin cho nhau từ lúc nào. Buổi sáng của cô hứng khởi hơn nhiều với một ly cà phê trong cái quán vỉa hè gần cơ quan. Vài câu chuyện linh tinh không đầu cuối, một chút về công việc, một chút về cuộc sống, một chút về sự đời. Cái thói quen chưa bao giờ có trong cô là uống cà phê vào buổi sáng bỗng dưng thôi thúc hàng ngày. Mặc dù, lời mời của anh chỉ đến 1 - 2 lần trong tháng. Mặc dù cảm thấy gần gũi hơn, cô vẫn tự tạo cho mình khoảng cách với anh, cô chỉ thật sự thân thiện khi đối diện với những dòng tin nhắn. Cô vừa thích chạm mặt anh ở cơ quan, vừa muốn anh không đến. Để cô có thể nhắn tin hỏi han hay chỉ đơn giản là buôn chuyện.

Cô không biết là mình đã mong những cuộc nói chuyện qua tin nhắn ấy đến thế. “Em về nhà chưa? Đang làm gì đấy?”. Sự nhiệt tình của anh đôi khi làm cô xao lòng, rồi lại tự nhủ mình chỉ đang ảo tưởng. Cô bắt đầu khó chịu khi những cô gái cùng cơ quan trò chuyện hơi thân mật với anh, hoặc rủ anh đi chơi, đi ăn uống. Đó chỉ là suy nghĩ của trái tim, còn lý trí cô không cho phép mình thể hiện điều đó ra.

“Ở đây buồn thật đấy. Anh đang ở phòng một mình”. Đêm, những ngày anh đi công tác xa, anh và cô nói chuyện thật cởi mở. Cô cảm thấy mình đã đem tất cả sự chân thành để trò chuyện với anh, bởi đó chỉ là những tin nhắn, vô hại và không có thực. Cô tự cho phép mình thả lỏng trái tim trên những dòng chữ, đôi khi khen ngợi anh, có những lúc tỏ ra ngưỡng mộ…

“Em đang tán tỉnh anh đấy à?”

“Có thể, nếu anh chưa có vợ”.

Điều này thì cô nói thật. Bi kịch của cô chính là ở chỗ, anh là người đàn ông của gia đình, một người vợ và một đứa con. Khi anh không đi công tác, thì buổi tối anh là của gia đình. Và, cô luôn cố gắng kìm nén để mình không phải là người nhắn tin cho anh trước, nhất là vào buổi tối và những lúc anh ở nhà. Cô biết lúc đó, mình không nên chen chân vào cuộc đời anh. Nhưng mặt khác cô đã phụ thuộc vào những dòng tin nhắn ấy quá nhiều, đến mức bản thân cô cũng không tự cân bằng được. Thật là nghịch lý, có ngày cô nhắn tin qua lại với anh cả buổi tối, nhưng lại không nhắn cho “người yêu” tin nào.

Ảnh minh họa

“Hôm qua em không nhắn cho anh câu nào, nhớ em quá!”. Người yêu trách nhẹ. Cô vô cảm, lạnh nhạt nhưng vẫn cố dùng một câu tỏ ra quan tâm và ấm áp để trấn an người yêu “Hôm qua em bận quá anh ạ!”. Chưa bao giờ, cô nói dối người yêu của mình.

Cô đã bắt đầu nhận ra trái tim cô dành quá nhiều chỗ cho anh, một người lạ. Đấu tranh giữa lý trí và tình cảm, mệt mỏi vì không thể chia sẻ khiến cô đôi lúc như người mất hồn. Gần đây anh ở nhà thường xuyên, nên câu chuyện qua tin nhắn có phần gián đoạn. Cô biết, điều này chắc chắn sẽ xảy ra, và nó là thực tế. Cô đã chứng kiến, đã nghe, đã viết hàng trăm câu chuyện tình éo le, nhưng đứng trước trái tim mình, cô gần như bất lực.

Anh là người đàn ông khá thực tế, rất yêu gia đình mình, cái gì sẽ khiến anh hiểu những suy nghĩ của cô? Cô tự nhủ, nếu một ngày anh tình cờ đọc được một vài suy nghĩ của cô, chắc anh sẽ cười thầm một con bé ngốc nghếch và thiếu bản lĩnh. Gần đây, cô thấy thiếu vắng, hụt hẫng khi một ngày không được gặp anh, càng trống trải nếu một ngày không được đọc một tin nhắn của anh.

Hôm nay, vì tâm trạng bất an nên cô đã vô tình làm sai một việc. Không quá nghiêm trọng nhưng cũng gây ra chút ít hậu quả mà cô phải tự mình giải quyết. Cô tức phát khóc, nhưng chỉ dám khóc một mình. Định nhắn tin cho anh, cuối cùng lại nhắn tin cho người yêu “Hôm nay em viết sai 1 chi tiết phải đính chính anh ạ. Chán quá!”. Im lặng, đáp lại cô chỉ có sự im lặng. Người yêu cô là thế, ít nói và không thích những điều ủy mị. Cô biết, khi cần một người an ủi thì người yêu cô không phải là lựa chọn. Nếu là anh, anh sẽ nói gì nhỉ? Một câu an ủi xã giao, hay một câu nói đùa nhẹ nhàng khiến cô bật cười. Dù sao thì cũng là một cách an ủi. Cô thấy mình bị tổn thương. Rồi cô lại tự trách mình: khi vui thì không nhớ đến người yêu, khi buồn coi đó là nơi trút tức giận, cô thật ích kỷ.

Ngày mai anh lại đi công tác xa, có thể là một tuần cô không gặp mặt anh. Cô đang cố học cách chấp nhận, để sáng mai gặp anh cô sẽ không thể hiện sự yếu đuối của mình, để vui vẻ nói một câu bông đùa “Hy vọng không gặp lại anh!”. Dù cô biết, lòng mình sẽ đau như xát muối.

Cô lặng lẽ gấp những trang bản thảo. Đây là lần đầu tiên cô viết về cuộc đời mình, về những bi kịch của chính mình. Một giọt nước mắt nóng bỏng rơi nhẹ trên trang giấy, làm nhòe ướt mấy con chữ. Câu chuyện của cô cũng như những trang bản thảo này, có thể được đăng báo, lấy được của người đọc chút cảm thông, rồi đi vào quên lãng. Những công việc bộn bề khác sẽ khỏa lấp trí nhớ của độc giả, để đến lúc nào đó, khi tình cờ đọc lại tờ báo cũ, họ vẫn sẽ chép miệng: tội nghiệp cô gái trẻ ngây thơ.

Ngày mai anh sẽ đi. Cô sẽ tìm đến quán cà phê ven đường, một mình uống trọn ly cà phê đen đắng ngắt.

Tác giả: Bình An

Nguồn tin: Báo Gia đình Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP