Kinh tế

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Chưa cấp phép cho sàn đầu tư Forex

“Những cá nhân nào tham gia đầu tư vào đây đang tiếp tay cho các hoạt động vi phạm pháp luật”, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết tại buổi họp báo Chính phủ chiều 2/12.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú.

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 2/12, một số câu hỏi đã được đưa ra cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) như lãi suất ngân hàng rất thấp, có tình trạng rút tiền gửi tiết kiệm để đưa ra các kênh đầu tư khác như chứng khoán, trái phiếu… Vậy NHNN có biết tình trạng này không và đã đo lường được sự sụt giảm như thế nào, ảnh hưởng đến tín dụng cuối năm cũng như vốn dài hạn ra sao?

Mặt khác, có hàng chục nghìn người dân bỏ tiền tỷ vào các sàn đầu tư chứng khoán đến từ nước ngoài. Những sàn này còn tổ chức thường xuyên hội nghị công khai lôi kéo người dân, trả lãi suất cao, thực hiện theo mô hình đa cấp. Người dân có được tham gia vào các sàn Forex này hay không? Tại Việt Nam những sàn này có tư cách hoạt động không, có cơ chế khuyến cáo, quản lý các sàn này như thế nào?

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, do lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm, nhiều người gửi tiền đã rút tiền ra mua trái phiếu doanh nghiệp. Về phía NHNN cũng đã biết và việc rút tiền của người gửi tiền ra đầu tư cái gì là do quyền của người gửi tiền. Việc đầu tư mua trái phiếu bao nhiêu cũng là do các nhà đầu tư.

Hiện nay, việc tăng trưởng tiền gửi 10 tháng đầu năm vẫn là 10,65%, tăng nhanh hơn cả chỉ số tín dụng của nền kinh tế. Những tháng gần đây, tiền gửi huy động của các ngân hàng thương mại vẫn tăng, nên việc rút ra vẫn ít hơn so với người gửi vào.

Việc nhà đầu tư là người dân rút tiền ra để cho vào trái phiếu doanh nghiệp, Nghị định cũng như các văn bản hướng dẫn đều theo tinh thần là hạn chế nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu riêng lẻ, làm sao để việc mua trái phiếu đó đảm bảo an toàn cho cả doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu của mình.

Còn với sàn đầu tư chứng khoán Forex, ông Đào Minh Tú cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ các tổ chức tín dụng kinh doanh ngoại hối mới được phép mua bán và cung ứng các dịch vụ mua bán ngoại tệ, thực hiện những dịch vụ phái sinh trên thị trường trong nước và quốc tế…

Hiện nay, chưa cấp phép bất kỳ sàn đầu tư chứng khoán Forex nào, tất cả các sàn đang hoạt động không đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.

“Những cá nhân nào tham gia đầu tư vào đây đang tiếp tay cho các hoạt động vi phạm pháp luật. Người dân khi đầu tư các lĩnh vực này phải quan tâm đến những lời mời chào có phù hợp với thực tế hay không, phải quan tâm đến tính chất pháp lý của các tổ chức này”, ông Tú nói.

Nghị định 24, vàng không còn “nhảy múa”

Trước câu hỏi về việc Hiệp hội Vàng đã gửi kiến nghị sửa đổi Nghị định 24 về quản lý vàng sau 8 năm có hiệu lực, ông Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đưa ra quan điểm là kiên định với những chính sách, cơ chế và những kết quả đã được chứng minh là có hiệu quả và phù hợp trong thời gian qua, đó là Nghị định 24 về quản lý vàng.

Trong đó có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ nhiều nội dung mà Hiệp hội Vàng đề xuất và cũng phân tích đánh giá những mặt thiệt hơn trong câu chuyện này.

“Vì sao phải đặt ra quan điểm kiên định đó? Trong thời gian từ năm 2012 đến nay, Nghị định 24 đi vào cuốc sống thì thấy rằng lợi ích đem lại rất lớn cho nền kinh tế, kể cả cấp độ vĩ mô và vi mô. Đó là giá vàng không còn “nhảy múa” như trước khi có Nghị định 24 và không ảnh hưởng chung tới tất cả các giá cả hàng hóa, không ảnh hưởng đến tỷ giá ngoại tệ, tạo điều kiện cho sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

Nếu như giá vàng lên xuống thất thường sẽ tạo ra những biến động về yếu tố tâm lý cũng như kéo theo ảnh hưởng giá cả hàng hóa, vì dù sao, vàng miếng, vàng nguyên liệu không phải là hàng hóa bình thường như những loại hàng hóa khác, mà vẫn là đối tượng được quản lý ngoại hối một cách chặt chẽ. Chính vì thế, nên mới có cơ chế theo Nghị định 24 cho vàng”, ông Tú đánh giá.

Còn về việc thành lập sàn vàng hay tạo điều kiện thêm cho kinh doanh vàng miếng, vàng nguyên liệu, Phó Thống đốc NHNN cho rằng, câu chuyện này đã được đặt ra chứ không phải mới lần này.

“Chúng tôi cũng ghi nhận ý kiến đó và sẽ tiếp tục có những nghiên cứu một cách thấu đáo, nhưng trước hết phải mang lại lợi ích chung cho sự ổn định vĩ mô, mang lại lợi ích chung cho cộng đồng, mọi người dân và sau đó mới tính đến lợi ích của đối tượng, thành phần tham gia kinh doanh vàng. Chúng ta phải vì lợi ích chung trước.

Việc thành lập sàn vàng cũng như sở giao dịch vàng cũng đã có đề xuất trước đây, có hoạt động rồi và nhìn thấy rủi ro cũng như tính phức tạp của nó bởi vì đó là việc kinh doanh rất tự do trên sàn, liên quan rất nhiều đến vấn đề ngoại tệ, cơ chế quản lý ngoại tệ rồi vấn đề “vàng hóa” trong nền kinh tế… Những vấn đề này khi xây dựng Nghị định 24 cũng đã được phân tích, mổ xẻ, đánh giá một cách rất chi tiết”, ông Tú cho biết thêm.

Tác giả: Đỗ Mến

Nguồn tin: tinnhanhchungkhoan.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP