Phenol ở dạng rắn. Ảnh: chemistryclass.
Bảng dữ liệu an toàn phát hành bởi Viện Vệ sinh Y tế Công cộng TP HCM định nghĩa phenol (C6H5OH) là chất rắn không màu đến hồng nhạt, mùi riêng biệt, thơm, chát, gây bỏng. Chất này dễ dàng hòa tan trong metanol, dietyl eter, acetone lạnh, nước, benzen, chloroform, glycerol, dầu khí, carbon disulfide, dầu dễ bay hơi và cố định, dung dịch nước kiềm hydroxit, carbon tetrachloride, acetic axit, chất lỏng sulfur dioxide, đặc biệt là rượu. Phenol hầu như không tan trong eter dầu hỏa.
Phenol rất độc hại cho da, đường hô hấp, hệ tiêu hóa và mắt. Đặc biệt nguy hiểm nếu nuốt, hít hoặc tiếp xúc qua da. Chất này gây đột biến tế bào soma ở động vật có vú. Liều lượng 630 mg/kg gây chết 50% động vật khi tiếp xúc qua da. Con người nhiễm độc phenol có thể bị ảnh hưởng mạn tính dẫn đến ung thư, hư hại các cơ quan như thận, hệ thần kinh trung ương, gan.
Tiến sĩ Phan Thế Đồng, giảng viên Khoa Khoa học và Công nghệ, Đại học Hoa Sen, TP HCM, khẳng định phenol là hóa chất dùng trong công nghiệp, có nhiều độc tính nguy hại đến sức khỏe con người nên không được phép hiện diện trong thực phẩm. Do vậy hoàn toàn không có tiêu chuẩn quy định mức độ hay hàm lượng phenol trong thực phẩm.
Theo sách Dược lực học do Đại học Y Dược TP HCM phát hành, xyanua (hay cyanide) là tên gọi các hóa chất cực độc có ion [C≡N], gồm một nguyên tử cacbon và nitơ. Chỉ cần một lượng nhỏ từ 0,15 đến 0,2 g cũng có thể gây chết người.
Xyanua có thể được sản sinh bởi vi khuẩn, nấm và tìm thấy trong một số thực phẩm thực vật như măng tre, rễ sắn, rau chân vịt. Chất này tồn tại trong nước, đất là nguồn thải của quá trình khai thác mỏ, công nghiệp hóa dầu, sản xuất thép. Một số nguồn xyanua khác từ khói xe và động cơ sử dụng xăng dầu.
Khi đi vào cơ thể sinh vật, xyanua tác động lên men ôxy daza (có chức năng chuyển oxy từ máu đến các mô). Từ đó ngăn cản quá trình hấp thụ ôxy của tế bào làm cho tế bào chết đi. Sinh vật nhiễm độc chất này ở mức độ nặng có thể dẫn đến ngạt thở và tử vong nhanh chóng.
Nghiên cứu lâm sàng ghi nhận nếu chỉ nhiễm một lượng xyanua rất nhỏ thì sẽ không gây ngộ độc bởi chất này khi đi vào cơ thể sinh vật sẽ bị biến đổi thành CO2 và được đào thải ra ngoài trong vòng 24 giờ. Trường hợp nhiễm độc xyanua lượng lớn hơn một mg/l có thể dẫn đến tử vong.
Triệu chứng điển hình của ngộ độc xyanua gồm ngộ độc cấp do sốc và nhiễm toan. Bệnh nhân thường bị chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi, co giật có thể dẫn tới tử vong. Báo cáo hàng năm trên thế giới có hàng nghìn người chết do nhiễm độc xyanua. Tại Việt Nam cũng xảy ra rất nhiều vụ ngộ độc trong những vụ án sử dụng chất này để đầu độc người khác, công nhân làm việc trong môi trường có nồng độ xyanua cao mà không trang bị phương tiện bảo hộ. Mới đây nhất là vụ nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh xả thải lượng lớn phenol, xyanua và sắt II hydroxit ra môi trường biển khiến hàng loạt cá và các sinh vật chết ngạt do thiếu dưỡng khí.
Tác giả bài viết: Anh Tuấn - Trần Ngoan