Kinh tế

Phế liệu kẹt ở cảng, ngành nhựa điêu đứng

Hơn 4.000 tấn nhựa phế liệu trong tổng số hơn 12.000 container phế liệu tồn ở các cảng đang gây áp lực rất lớn lên cơ quan chức năng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu nhựa tái chế

Sáng 14-8, tại buổi họp chủ đề "Tái chế nhựa phế liệu, cơ hội cho ngành nhựa Việt Nam", nhiều doanh nghiệp (DN) ngành này bức xúc cho biết nếu nhà nước không sớm có giải pháp tháo gỡ hàng ngàn container nhựa phế liệu đang tồn ở cảng, nhiều DN sẽ thua lỗ, thậm chí phá sản.

Thiếu nguyên liệu sản xuất

Ông Trần Vũ Lê, Giám đốc Công ty TNHH Nhựa Lê Trần (1 trong 10 nhà nhập khẩu nhựa phế liệu lớn nhất nước), cho biết đang bị ảnh hưởng nặng bởi quy định cấm nhập khẩu nhựa phế liệu. Công ty của ông đã ký hợp đồng cung ứng cho cả năm 2018 nhưng hiện không có hàng giao do thiếu nguyên liệu sản xuất, nguồn nhựa tái chế trong nước không sử dụng được do chất lượng kém. "Khả năng chúng tôi sẽ phải đền hợp đồng vì không có hàng giao cho đối tác, nếu muốn giao hàng thì phải dùng nhựa nguyên sinh và chấp nhận lỗ 10% thay vì lãi 10% nếu sử dụng nhựa tái chế" - ông Lê tính toán.

Đại diện 1 doanh nghiệp nhựa bức xúc cho biết bao tải Jumbo (trong ảnh) cũng nằm trong danh mục cấm nhập khẩu

Chưa thống kê được con số thiệt hại cụ thể nhưng Hiệp hội Nhựa Việt Nam (PVA) thừa nhận thiệt hại hữu hình và vô hình từ chính sách siết nhập khẩu nhựa phế liệu là rất lớn, không chỉ tác động đến các DN ngành nhựa mà cả nền kinh tế. Với khoảng 5.000 container hàng đang kẹt ở cảng, mỗi container trị giá ít nhất 10.000 USD, chi phí lưu container phải trả cho hãng tàu khoảng 50-100 USD/ngày, cộng với thiệt hại do sản xuất ngưng trệ, không giao đủ và đúng tiến độ…, nhiều DN đang điêu đứng, thậm chí nguy cơ phá sản nếu tình hình này kéo dài. Điều đáng nói là chi phí lưu container đang lớn hơn nhiều so với giá trị hàng hóa trong container nên các DN rất lúng túng trong việc nhận hay bỏ hàng vì nếu nhận hàng về thì phải trả thêm khoản phí lưu container quá lớn.

Giảm sức cạnh tranh

Theo PVA, hiện có khoảng 50 DN thuộc PVA và hơn 10 DN nhập khẩu hàng đã qua sử dụng đang bị tồn hàng ở cảng.

Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch VPA, thông tin nhiều công ty ngành nhựa đã đầu tư 100 - 200 tỉ đồng xây nhà máy sản xuất nguyên liệu nhựa sử dụng nhựa tái chế nhập khẩu. Tuy nhiên, do bị siết nhập khẩu nguyên liệu nên các nhà máy này "khóc ròng" vì không có nguyên liệu để sản xuất, trong khi phải trả lãi ngân hàng và bị ngân hàng siết chặt các khoản vay. Cũng theo ông Lam, việc hạn chế cấp phép nhập khẩu nguyên liệu từ phế thải là do gần đây nhiều container nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam bị phát hiện chứa loại phế thải không đúng quy định đăng ký nhập khẩu. Chủ trương của nhà nước là không đánh đổi kinh tế lấy hủy hoại môi trường, tuy nhiên nhà nước cần có giải pháp cho những DN có giấy phép nhập khẩu phế liệu. "Trong gần 5.000 container nhựa phế liệu đang nằm cảng chắc chắn có những container không đạt chất lượng. Cơ quan nhà nước cần xem xét kỹ nhưng không nên đánh đồng gây khó khăn cho những DN làm ăn đàng hoàng" - ông Lam kiến nghị.

Cũng theo ông Lam, nhà nước phải đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, xác định lượng container đang tồn ở cảng có thuộc danh mục được nhập khẩu không. Với những container được nhập, ngoài việc tạo điều kiện cho DN làm tờ khai nhập khẩu, cơ quan quản lý cần có trách nhiệm hỗ trợ chủ hàng lấy hàng về bởi nếu buộc nhận hàng và phải trả phí lưu kho bãi quá cao cho các công ty giao nhận thì rất khó cho DN.

Theo PVA, ngành nhựa là một trong những ngành năng động và tăng trưởng cao nhất Việt Nam. 10 năm qua, ngành nhựa tăng trưởng 15%-20%/năm nhưng phải nhập khẩu đến 80% nguyên liệu. Năm 2017 ngành này nhập 4,9 triệu tấn hạt nhựa cùng một lượng lớn nhựa phế liệu và nhu cầu nguyên liệu nhựa tăng 13% mỗi năm. Sáu tháng đầu năm 2018, nhựa phế liệu nhập vào Việt Nam tăng gấp đôi so với năm 2017. Việc không chủ động được nguồn nguyên liệu là trở ngại lớn cho các DN, đặc biệt nếu không có nguồn nguyên liệu từ nhựa phế liệu pha trộn với hạt nhựa nguyên sinh để giảm giá thành sản phẩm thì không thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

Nhiều nguyên nhân khiến hàng tồn ở cảng

Theo phân tích của PVA, lượng lớn nhựa phế liệu đang tồn ở cảng là do thay đổi quản lý cấp phép nhập khẩu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, không đáp ứng được quy định tiêu chuẩn nhập khẩu do bộ này ban hành. Theo các DN, nhựa phế liệu là hàng phi tiêu chuẩn, DN có cố gắng đến đâu cũng khó đạt được quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chỉ cần 2 tiêu chí là nhựa phế liệu phải sạch và tạp chất không quá 2% đã làm khổ DN bởi khó đo đếm thế nào là sạch và tỉ lệ 2% là con số đánh đố vì khó có thể tách tạp chất trong lô hàng ra để cân đo 1% hay 2%. Bên cạnh đó, văn bản quản lý mới của Tổng cục Hải quan nhằm siết chặt kiểm soát hàng phế liệu dẫn đến DN không làm được thủ tục thông quan mặt hàng nhựa đã qua sử dụng như trước đây…

Tác giả: Thanh Nhân

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP