Trong tỉnh

Phận đời lênh đênh của người dân vạn chài trên dòng Lam và khát khao được “lên bờ”

Đối lập với nhịp sống sôi nổi thường ngày, cuộc sống người dân vạn chài tại huyện Thanh Chương bao năm nay vẫn đang loay hoay tìm kế mưu sinh trên con thuyền cũ nát và ấp ủ cho mình ước mơ “An cư - Lạc nghiệp”

Thuyền đậu nơi nào thì nhà nơi đó!

Có mặt tại dòng sông Lam, đoạn qua địa bàn huyên Thanh Chương, chúng tôi không khỏi xót xa trước các hộ gia đình có hoàn cảnh éo le, dù đã ở độ tuổi xế chiều nhưng mãi vẫn chưa thể cập được "bến an cư" của cuộc đời.

Cuộc sống tại xóm Vạn chài thật khác xa với sự xô bồ, náo nhiệt đầy sắc màu chốn phồn hoa đô thị. Xuôi theo dòng sông Lam tới xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương (Nghệ An), không một mảnh đất cắm dùi, họ xem thuyền là nhà, nằm chơi vơi trên sông chính là nơi trú ngụ bao đời nay của người dân vạn chài.

Chiếc thuyền đã cũ nát, xuống cấp nghiêm trọng của người dân nơi đây xem là nhà.

Hầu hết các gia đình sống ven sông Lam, đoạn qua huyện Thanh Chương đều là những hộ nghèo, cuộc sống khó khăn và làm nghề chài lưới kiếm kế mưu sinh qua ngày. Họ ở đây quanh năm, nắng mặc nắng, mưa mặc mưa, quần quật từ sáng sớm tới đêm khuya, đối mặt với không ít những hiểm nguy rình rập nhưng họ vẫn bám bờ, chẳng di tản đi đâu được.

Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm về chiếc thuyền đã cũ nát, chỉ vọn vẹn hơn 10m2, neo đậu tại bờ sông thuộc xã Ngọc Sơn, mà gia đình bà Ngũ Thị Hoàn đang sinh sống.

Gia đình và Ngũ Thị Hoàn cùng con trai sống trên con thuyền xập xệ, đổ đạc trong nhà chẳng có gì đáng giá.

Bước lên con thuyền, tại đây tài sản chẳng có gì quý giá ngoài ít vật dụng cần thiết cùng chiếc tivi đã cũ xin được, mấy bộ quần áo cũ vắt tứ tung, bốn bề được thưng bằng ván và bạt để chắn mưa, che nắng.

Bà Hoàn chia sẻ, sau đợt mưa tối qua, nước tạt vào thuyền bị ướt hết đồ đạc giờ phải đưa ra phơi. Kể về cuộc sống nơi đây, bà kể trong buồn tủi: “Từ nhỏ tôi đã sinh sống và lớn lên trên dòng sông Lam này, chồng mất sớm nên bản thân gồng gánh nuôi hai con nhưng không thể cho chúng được học hành đầy đủ. Vì muốn phụ giúp mẹ, hai anh em đã quyết định bỏ học giữa chừng để cùng mẹ chài lưới bắt cá. Bữa nào nhiều thì đi bán, bữa có ít lại tằn tiện qua ngày”.

Những năm gần đây, nguồn tôm cá trên sông dần cạn kiệt, việc mưu sinh của người dân cũng lận đận hơn. Lao động chính trong gia đình dần dịch chuyển lên bờ, tìm việc làm và cơ hội đổi đời. Tuy nhiên, khi cầm hồ sơ tuyển dụng của công ty, người dân vạn chài chỉ đáp ứng được yêu cầu về sức khỏe, còn lại kỹ năng, kinh nghiệm và bằng cấp thì không thể.

Cuộc sống của người dân xóm vạn chài cứ lênh đênh trên mặt nước như cuộc đời lang bạt của họ. Khó khăn lại chồng chất khó khăn khi con trai đầu của bà lập gia đình, chẳng được bao lâu, không chịu được cảnh trôi nổi trên sông cùng cái nghèo đeo bám để rồi hôn nhân của con trai bà lại bị đổ vỡ. Sau đó, con trai bà chấp nhận xa phương cầu thực, ra tận Bắc Ninh để xin làm công nhân.

Bà đau đáu với giấc mơ về đất liền, nuôi con gà, trồng rau qua bữa.

Nói về cuộc sống nơi đây, bà Hoàn thẫn thờ với những nỗi lo “bốn năm nay, chân tôi đau, đi lại khó khăn hơn, không còn ai thuê mướn gì, cũng không đủ sức khỏe nên con trai thứ hai (15 tuổi) phải nghỉ học giữa chừng để kiếm tiền về nuôi mẹ. Cháu đang làm ở mỏ cát gần đây, chủ mỏ thương tình họ cho kéo điện ra thuyền, cho nước sạch để sinh hoạt, mẹ con chúng tôi biết ơn vô cùng”.

Khát khao được lên bờ của những phận đời lênh đênh…

Ngay bờ sông bên kia, thấp thoáng có một chiếc thuyền đang thả lưới bắt cá, chúng tôi găp được ông Ngũ Văn Cương một ngư dân của xóm vạn chài Vận Tải. Trên mỏm thuyền, ông Cương đang ngồi miệt mài gỡ những mắt lưới rối rắm sau đợt đánh bắt buổi sáng sớm và ông ngâm nga câu thơ cửa miệng:

“Kẻ sớm khuya chài lưới trên sông

Kiếm kế sinh nhai cuộc đời vẫn phải chịu

Tần tạo nuôi con kiếm cái chữ nên người”

Sau khi xin phép được tìm hiểu về cuộc sống vạn chài nơi sông nước, ban đầu ông còn tỏ ra ái ngại, sau đó ông liên tục giãi bày tâm sự và nguyện vọng của bản thân mình.

Ông Ngũ Văn Cương sống hơn nửa đời trên sông nước.

Dáng vẻ gầy gò, nhỏ bé cùng nước da rám nắng khiến ông Cương già đi rất nhiều so với tuổi thực.

Gia đình ông có 7 người con, tất cả đều sinh hoạt trên con thuyền rộng chừng 15m2 được neo đậu tạm bở bên bờ, cuộc sống mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá từ hàng chục năm nay. Nhà có cái nốc nhỏ, vợ chồng, con cái thay nhau thả cá trên sông, bữa nhiều thì được khoảng 200-300.000, bữa ít thì chỉ đủ ăn uống trong gia đình.

Công việc vất vả, thu nhập bấp bênh nhưng những người dân làng vạn vẫn miệt mài, cần mẫn bám sông nước để mưu sinh. Sâu thẳm trong lòng họ vẫn mong muốn có một ngày nào đó được lên bờ để ổn định cuộc sống.

Niềm vui mỗi ngày của ông là chài lưới bắt được tôm cá để trang trải cuộc sống.

Khi được hỏi về việc sao không lên bờ để làm công việc khác thì ông phân trần: Sống trong cảnh bấp bênh nơi sóng nước, nhiều lúc chúng tôi cũng muốn lên bờ, xây nhà dựng cửa, sinh sống ổn định, nhưng thành thực là điều kiện chẳng cho phép, các cô chú thấy đấy, làm bây giờ chỉ đủ ăn, no đói qua ngày còn phải lo, nói chi đến việc dành dụm để thuê đất thuê nhà”.

Theo lời kể của ông Cương, cuộc sống vạn chài từ thời ông cha, gia đình làm nghề chài lưới, sống và di chuyển lênh đênh trên sông nước. Từ năm 2010, dự án xây dựng khu tái định cư kiểu mẫu cho người dân vạn chài ở Khe Mừ (xã Thanh Thủy) được khởi động với tổng vốn đầu tư hơn 80 tỷ đồng, do Chi cục Phát triển nông thôn- Sở NN&PTNT Nghệ An làm chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án nhằm đưa hàng trăm người dân xóm Vận Tải lên đất liền. Khi dự án được khởi công, người dân vui mừng, ngày đêm mong ngóng được thoát khỏi những con thuyền chật hẹp chỉ vọn vẻn hơn 10m2.

Ngậm ngùi câu nói “ Sống không có đất ở, chết không có nơi chôn”

Cũng theo ông Cường, việc gọi là công dân của xóm Vận Tải thực chất là cho có gốc gác, địa chỉ chứ trên thực tế những hộ dân thuộc xóm vạn chài như ông bao đời nay không một tấc đất cắm dùi.

Đôi mắt thẫn thờ với những nỗi lo của tuổi già ập tới, nước mắt ông lại lã chã rơi.

Những hộ dân vạn chài thuộc xóm Vận Tải – xã Võ Liệt có tổng 36 hộ, trên toàn huyện Thanh Chương khoảng 40 hộ sống rải rác trên các khu vực Nam Đàn, Đô Lương và Anh Sơn để chài lướt bắt cá qua ngày.

Ông Cương chua xót nói: “các hộ dân nơi đây đa số làm nghề chài lưới, đánh bắt cá mưu sinh từ bao đời nay, giờ tuổi cao sức yếu với hơn nửa đời phiêu dạt chồng chềnh trên sông Lam. Tôi chỉ ước nguyện có được mảnh đất để ở, rồi mai này chết chóc còn có chỗ mà chôn….”

Dường như ước mơ bình dị đó cũng khiến khóe mắt chúng tôi cay lên vì phận đời bạc bẽo. Mong ước duy nhất là được lên bờ và có thể tìm được một công việc khác ổn định hơn, con cái được học hành đàng hoàng và có giấy tờ tùy thân. Thế nhưng, ước mong của họ bao đời nay vẫn chưa thành hiện thực.

Ông Cương ngậm ngùi nói “ Sống không có đất ở, chết không có nơi chôn”

Ông Bùi Xuân Lĩnh – Chủ tịch UBND xã Võ Liệt chia sẻ thêm: “Hiện trên địa bàn xã còn 36 hộ dân Vạn Chài chưa có đất ở, trước đây đề xuất 98 hộ, nhưng họ chờ lâu quá, một số nhà đã xa quê để đi làm ăn, có nhà có điều kiện hơn thì vay mượn thêm mua đất để ở. Trước đây gọi là Hợp tác xã Vận Tải thống nhất, sau khi sát nhập 3 xóm thành xóm Minh Đức. Một số hộ thì lênh đênh trên dòng sông Lam, có hộ thì đi làm thuê trên đất liền nên việc sinh hoạt tại địa phương là điều rất khó".

"Ngôi nhà di động" của các hộ dân nơi đây đã xuống cấp trầm trọng, không đủ sức để che mưa, chắn nắng....

Khi niềm vui “ngắn chẳng tày gang” thì người dân vẫn mòn mỏi đợi chờ một khu tái định cư để tương lai thế hệ con cháu của những hộ dân chưa có đất tại xóm Vận Tải cũ đặt gửi niềm tin, mong chúng khá khẩm hơn, được học hành tử tế, tạo dựng một cuộc sống mới tốt đẹp hơn thì dự án cho người dân vạn chài ở Khe Mừ (xã Thanh Thủy) vẫn chỉ là dự án “treo”?

Tác giả: Nguyễn Thưởng - Phương Thảo

Nguồn tin: moitruongvadothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP