Xã hội

Phải hoàn tất bồi thường sự cố môi trường biển ở miền Trung trước 30/6

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình khi chủ trì cuộc họp về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh cho 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, tại Trụ sở Chính phủ, chiều qua (7/6).


Khoảng 8.300 tỷ đồng bồi thường thiệt hại

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 31/5/2017, 4 tỉnh miền Trung đã giải ngân được gần 4.600 tỷ đồng; tiêu huỷ hoàn toàn 1.125 tấn hàng hải sản lưu kho không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, báo cáo của Bộ Tài chính cho hay, đến nay tổng kinh phí bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khẩn cấp là 7.321 tỷ đồng, trong đó bồi thường thiệt hại 7.014 tỷ đồng, hỗ trợ khẩn cấp theo Quyết định 772 và Quyết định 1138 của Thủ tướng Chính phủ là 281,36 tỷ đồng, hỗ trợ chênh lệch giá hải sản thu mua cho tỉnh Quảng Bình là gần 26 tỷ đồng. Dự kiến kinh phí phát sinh để mở rộng phạm vi, đối tượng bồi thường thiệt hại và hỗ trợ kinh phí đội ngũ cán bộ, thôn xóm khoảng 1.000 tỷ đồng. Như vậy dự kiến tổng kinh phí bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khẩn cấp khoảng 8.300 tỷ đồng.

Tại cuộc họp đại diện lãnh đạo 4 tỉnh miền Trung cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, hoạt động kinh doanh buôn bán thuỷ sản đã hoạt động trở lại, người tiêu dùng đã yên tâm tiêu thụ các sản phẩm hải sản biển, giá hải sản đã trở lại bình thường theo mặt bằng giá chung toàn quốc.

Đối với hoạt động du lịch, các tỉnh đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, liên kết, xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát triển các sản phẩm du lịch mới, đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, tăng cường cải thiện nâng cấp cơ sở lưu trú để cho mùa du lịch 2017. Đến nay, người dân đã quay lại với du lịch biển, các hoạt động du lịch biển đã có chuyển biến mạnh, lượng du khách tăng nhanh.

Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp cơ sở sản xuất, chế biến thuỷ sản vẫn còn một số khó khăn; chưa có chính sách hỗ trợ, bồi thường đối với các hoạt động trong ngành du lịch như khách sạn, dịch vụ du lịch. Ngoài ra, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 6/1/2017 phê duyệt Đề án xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường, nhưng đến nay, do có nhiều nội dung chưa có hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành Trung ương nên địa phương chưa thể triển khai thực hiện được.

“Hà Tĩnh rất băn khoăn về việc một số hàng bị hỏng, bị thối và tỉnh đã chỉ đạo tự tiêu huỷ trên 100 tấn, ngoài con số 306 tấn đã tiêu huỷ. Trên thực tế hiện nay bà con có một số hàng bị hỏng nhưng Hà Tĩnh chưa dám đụng vào đây, bởi hàng tồn kho của tỉnh là tương đối lớn, mà đụng vào đây chủ trương không rõ, tỉnh rất lo bà con phản ứng trái chiều.”- ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phản ánh.

Giải quyết những bất cập trên, các địa phương đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cho chủ trương cụ thể đối với các nhóm đối tượng bổ sung theo Kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình tại Thông báo số 219 ngày 12/5/2017, trên cơ sở đó rà soát đề xuất định mức và dự trù kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho từng đối tượng cụ thể.

Chưa khai thác hải sản tầng đáy

Biểu dương các bộ, ngành, địa phương vẫn đang tập trung triển khai các công việc được giao, nhất là công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho nhân dân; tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cho rằng vẫn còn một số nơi tiến độ chi trả chưa đạt yêu cầu. Bởi vậy Phó Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tiến độ bồi thường thiệt hại cho nhân dân theo các Quyết định của Chính phủ, dứt khoát phải hoàn thành trước ngày 30/6/2017; không để người dân nào trong diện được bồi thường mà không được kê khai bồi thường. Sau khi chi trả xong, nếu còn đối tượng thực sự bị thiệt hại bởi sự cố môi trường biển sẽ tiếp tục xem xét giải quyết.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người dân 4 tỉnh miền Trung, rà soát xác định đối tượng để không trùng lắp với các chương trình khác đã triển khai trước đó, đồng thời xử lý nghiêm những đối tượng kê khai không đúng.

Về công bố chất lượng an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục theo dõi cập nhật kết quả giám sát chất lượng hải sản tầng đáy ở 4 tỉnh miền Trung, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và công bố trong thời gian tới; nếu chưa an toàn thì không để dân khai thác tầng đáy, chờ kết luận chính thức của Bộ Y tế.

Đối với dự án phục hồi, tái tạo các hệ sinh thái thuỷ sinh và nguồn lợi thuỷ sản, Phó Thủ tướng Thường trực giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, nghiên cứu phạm vi thực hiện, tập trung vào khu vực có môi trường sinh thái biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự cố môi trường biển. Bên cạnh đó, “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá nghiên cứu về mặt khoa học, xác định xem ở nơi nào hệ sinh thái đã phục hồi thì thôi, chỗ nào chưa phục hồi hoặc phục hồi chậm, cần thiết sẽ triển khai dự án khắc phục ở đây”- Phó Thủ tướng lưu ý.

Tác giả bài viết: Vân Thanh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP