Bất chấp nguy hiểm:
Bằng nhiều hình thức khác nhau, từ câu móc trực tiếp trên trụ hạ thế xuống, hoặc đấu nối phần dây điện trước khi đi qua đồng hồ, nhiều đối tượng đã trộm cắp khá tinh vi hàng triệu đồng tiền điện mỗi tháng.
Kỹ sư Nguyễn Thành Long - Tổ trưởng Tổ kiểm tra, giám sát mua bán điện - Điện lực Nghi Lộc cho biết: Việc câu móc trực tiếp trên lưới điện như gọt vỏ đấu trực tiếp vào lưới điện 0,4 kV, can thiệp mạch đo bằng hình thức đảo dây pha và dây trung tính vào công tơ, đồng thời lấy nguội vào việc câu móc trực tiếp dây từ hệ thống điện ngoài đường vào thẳng nhà dân là hành vi rất nguy hiểm, dẫn đến cháy nổ.
Để qua mặt ngành chức năng, những đối tượng trộm điện thường thực hiện vào buổi tối, lúc gần sáng để bơm tưới cho các đồng rau vùng bãi ngang ven biển. Điều này hết sức liều lĩnh vì quá trình thao tác câu dây, coi như đã tự đưa mình vào hoàn cảnh rất có thể phải trả giá bằng mạng sống.
Chưa kể lúc trời mưa, khi đầu tiếp xúc của dây điện lỏng lẻo, không được bịt kín rất dễ xảy ra tình trạng chập điện, nhiễm điện ra khu vực xung quanh.
Trong khi đó, những đối tượng ăn cắp kiểu này lại thường chọn trụ điện có nhiều dây đan xen nhau để dễ bề che giấu đường dây điện. Chính vì thế khi xảy ra mưa gió, dây điện câu móc tạm bợ sẽ là nguyên nhân lớn gây ra hỏa hoạn, chập mạch điện. Nguy hiểm hơn, dòng điện theo nước mưa trên sợi dây sẽ truyền vào cây cối, mái nhà, nếu ai không may đụng đến rất dễ xảy ra sự cố, mất an toàn lưới điện.
Triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn ngừa nạn ăn trộm điện:
Trước tình trạng ăn cắp điện khá tinh vi diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa bàn trên toàn tỉnh, lãnh đạo, phòng chuyên môn PC Nghệ An đã đề ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, phối hợp với chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên lĩnh vực điện lực.
Theo đó, điện lực các huyện in ấn phát tờ rơi về sử dụng điện tiết kiệm, đảm bảo an toàn lưới điện. Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra đường dây điện. Kiên quyết xử lý mọi trường hợp trộm điện dưới mọi hình thức.
Theo PC Nghệ An, mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, kiểm tra, tuy nhiên, hành vi câu móc ăn trộm trên lưới điện tại một số địa phương vẫn lặp đi, lặp lại, bởi khi nhân viên điện lực đi khỏi thì đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi ăn cắp điện, bất chấp những cảnh báo mất an toàn và sự nguy hiểm.
Lực lượng chức năng xử lý vi phạm ăn trộm điện. |
Trải rộng trên địa bàn 40 xã, thị trấn, lượng khách hàng khá lớn, huyện Thanh Chương là địa bàn hay xảy ra tình trạng ăn cắp điện. Nói về vấn đề này, Phó Giám đốc Điện lực Thanh Chương - Nguyễn Quốc Khánh cho hay: Năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn Điện lực Thanh Chương quản lý đã phát hiện xử lý 11 vụ ăn cắp điện, điện năng truy thu hơn 63.000 kWh, với số tiền hơn 200 triệu đồng.
Theo ông Khánh: Khâu quan trọng trong việc xử lý tình trạng ăn cắp điện chính là việc tuyên truyền cho bà con hiểu được việc làm này là hoàn toàn vi phạm pháp luật. Hình thức ăn cắp điện là can thiệp vào hệ thống đo đếm, tháo cầu điện áp, hoặc câu móc trực tiếp vào hệ thống đường điện 0,4 kV. Để từng bước khắc phục, hạn chế thực trạng trộm điện, thời gian tới, chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra đột xuất, xử phạt thật nặng những trường hợp cố tình vi phạm, tái phạm. Đây là điều không thể nương nhẹ, vì hành động ăn cắp điện vừa gây thất thoát tiền nhà nước, đồng thời đe dọa đến an toàn cho khách hàng sử dụng điện trong khu vực.
Ông Hoa Xuân Thắng - Trưởng phòng kiểm tra giám sát mua bán điện Công ty Điện lực Nghệ An cho biết: Năm 2022, Giám đốc Công ty đã chỉ đạo tập trung kiểm tra hệ thống đo đếm phát hiện nhiều sai lệch và đã xử lý truy thu. Có những vụ lượng điện năng khách hàng trộm cắp rất lớn, với giá trị lên đến hàng chục triệu đồng khách hàng phải bồi thường cho ngành điện.
Ngoài việc kểm tra, giám sát, Công ty đã tập trung thực hiện thay thế dây cầu, cầu chia tiếp xúc và cháy hỏng, thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử (100.242 công tơ). Hiện nay, tổng số công tơ điện tử của toàn Công ty đạt trên 70%, nên sai lệch và hư hỏng đo đếm giảm. Năm 2022, điện năng truy thu, bồi thường do trộm cắp điện là 974.638 kWh, bằng 113% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 113% kế hoạch của Tổng công ty giao.
NĐ số 17/2022NĐ-CP của Chính phủ về sử đổi, bổ sung một số điều của Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Điện lực: Phạt tiền đối với hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức như sau:
a) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp dưới 1.000.000 đồng.
b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp từ 1.000.000 đồng đến dưới 2.000.000 đồng.
Khi phát hiện hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp từ 2.000.000 đồng trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng hình sự ra một trong các quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo bản án nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 62, Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính để xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt tiền quy định./.
Tác giả: Huy Cung
Nguồn tin: nangluongvietnam.vn