Nhà lãnh đạo Kim Jong-un dự cuộc họp với ban chấp hành trung ương đảng Lao động Triều Tiên ngày 1/12 (Ảnh: Reuters). |
"Điều đáng khích lệ là công việc chung của đất nước có những chuyển biến tích cực, bao gồm về chính trị, kinh tế, văn hóa và quốc phòng, bằng chứng là kinh tế nhà nước được quản lý ổn định và những thành công lớn đạt được trong các lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng", nhà lãnh đạo Kim Jong-un phát biểu tại cuộc họp của ban chấp hành trung ương đảng Lao động Triều Tiên hôm 1/12.
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) cho biết, mặc dù đất nước vẫn gặp khó khăn về kinh tế, đảng đã thành công trong việc thúc đẩy đạt được các mục tiêu chính sách và thực hiện kế hoạch kinh tế 5 năm mà ông Kim Jong-un đã công bố vào đầu năm nay.
"Năm tới sẽ là một năm quan trọng vì chúng ta phải tiến hành một cuộc đấu tranh rất lớn như chúng ta đã làm trong năm nay", ông Kim Jong-un nhấn mạnh.
Theo Reuters, ông Kim Jong-un đã tìm cách thúc đẩy nền kinh tế và cung cấp điện cho Triều Tiên thông qua các kế hoạch của mình. Tuy nhiên, các cơ quan của Liên Hợp Quốc cho biết tình trạng thiếu lương thực và điện vẫn còn, thậm chí tình trạng này còn trầm trọng hơn do các lệnh trừng phạt vì các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, đại dịch Covid-19 và thiên tai.
Triều Tiên chưa xác nhận bất kỳ trường hợp mắc Covid-19 nào, nhưng đã đóng cửa biên giới, áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại trong nước và các biện pháp khác để kiểm soát hoặc ngăn chặn dịch bùng phát. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết Triều Tiên đã làm xét nghiệm Covid-19 cho 45.564 người, nhưng không phát hiện ca nhiễm nào cho đến nay.
Vào giữa tháng 6, nhà lãnh đạo Triều Tiên lần đầu tiên thừa nhận đất nước đang trải qua tình trạng "căng thẳng" về lương thực, chủ yếu do thiệt hại của cơn bão vào năm ngoái. Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc cho biết Triều Tiên đang thiếu khoảng 860.000 tấn lương thực trong năm nay, đồng thời cảnh báo nước này có thể trải qua một "thời kỳ khắc nghiệt".
Hồi tháng 7, ông Kim Jong-un cho biết Triều Tiên đang đối mặt với khó khăn trong đại dịch Covid-19 giống như "thời chiến tranh". Ngân hàng trung ương Hàn Quốc ước tính nền kinh tế của Triều Tiên năm 2020 bị suy giảm mạnh nhất trong 23 năm.
Việc Triều Tiên đóng cửa biên giới để đối phó với sự lây lan của virus khiến hoạt động thương mại giữa Bình Nhưỡng với Trung Quốc - huyết mạch kinh tế của Triều Tiên - bị đóng băng. Cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết việc đóng cửa biên giới đã làm gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu quan trọng, bao gồm thuốc men thiết yếu, từ đó cản trở hoạt động sản xuất và lưu thông tiền tệ của Triều Tiên.
Theo cơ quan tình báo Hàn Quốc, Triều Tiên muốn nới lỏng các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và đình chỉ các cuộc tập trận quân sự giữa Hàn Quốc và Mỹ để làm tiền đề cho các cuộc đàm phán về tuyên bố kết thúc chiến tranh. Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng muốn các lệnh trừng phạt về dầu mỏ tinh chế, khoáng sản, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác phải được dỡ bỏ.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: Báo Dân trí