Thế giới

Ông Kim Jong Un chuẩn bị bất ngờ gì cho tân tổng thống Mỹ?

Triều Tiên có thể không nằm ở vị trí quan trọng trong ưu tiên chính sách một khi ông Joe Biden nhậm chức, nhưng ông Kim Jong Un nhiều khả năng vẫn tìm cách giành lại sự quan tâm.

Tổng thống đắc cử Joe Biden chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là chính thức tuyên bố nhậm chức. Trước viễn cảnh này, theo giới quan sát, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nhiều khả năng đang lên kế hoạch cho bước đi tiếp theo.

Có nhiều yếu tố khiến không ít người nghi ngờ quan hệ Washington - Bình Nhưỡng xấu đi trong thời gian tới.

Trong cuộc tranh luận ứng viên tổng thống vào tháng 10, ông Joe Biden từng chỉ trích Tổng thống Donald Trump quá nhượng bộ Triều Tiên. Ứng viên đảng Dân chủ còn dành những lời căng thẳng nói về ông Kim Jong Un, khiến Bình Nhưỡng phẫn nộ.

Kế hoạch của ông Kim có thể cần thêm thời gian để lộ rõ hình hài. Tuy nhiên, thời gian qua, không ít dấu hiệu đã xuất hiện cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên chắc chắn sẽ khuấy động tình hình trên bán đảo.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vẫn chưa có bình luận gì về kết quả bầu cử Mỹ và viễn cảnh đối thoại với ông Joe Biden trong tương lai. Ảnh: Reuters.

Người chơi mới, tình thế mới

Theo Nikkei Asia, ông Joe Biden chú trọng các vấn đề nhân quyền, mạng lưới đồng minh của Mỹ và ưu tiên những bước tiến thực chất trong thỏa thuận quốc tế.

Những điều này không tương thích với các ưu tiên đã được thể hiện trong quá trình đàm phán giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Trong nhiệm kỳ sắp đến, vấn đề Triều Tiên có thể cũng không còn tính ưu tiên trong chính sách của ông Biden. Người kế nhiệm ông Trump sẽ đối mặt với hàng loạt thách thức đối nội, trong đó bao gồm khống chế đại dịch Covid-19 và nhiệm vụ hồi phục kinh tế.

Dù vậy, theo các nguồn tin ngoại giao của Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc, một số trợ lý của ông Joe Biden và các chuyên gia chính sách đối ngoại vẫn tìm cách thúc đẩy tái khởi động đàm phán hạt nhân Washington - Bình Nhưỡng.

Ẩn sau lời kêu gọi nối lại đàm phán là sự nuối tiếc về chính sách "kiên nhẫn chiến lược" dưới thời Tổng thống Barack Obama trong vấn đề Triều Tiên. Chính sách của cựu tổng thống Mỹ đã khiến Washington vô tình làm ngơ trước các diễn biến tại Triều Tiên, tạo điều kiện cho Bình Nhưỡng nhanh chóng cải thiện công nghệ hạt nhân và tên lửa.

Triều Tiên có thể đang nắm trong tay 20-60 đầu đạn hạt nhân. Nước này còn phát triển được tên lửa đạn đạo với đường bay khó bị truy dấu và đánh chặn. Trong nửa cuối năm 2017, Triều Tiên đã nhiều lần bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng đặt Bắc Mỹ vào tầm ngắm.

Theo nhóm ủng hộ đẩy mạnh tiếp cận Triều Tiên, mục tiêu của Mỹ hiện nay là ngăn chặn tình hình trên bán đảo Triều Tiên xấu đi, đồng thời giảm mối đe dọa trực tiếp nhắm đến lãnh thổ Mỹ.

Nhóm này cho rằng Mỹ nên tạm chuyển sự tập trung khỏi các vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên đã phát triển xong. Hướng tiếp cận mới cho đàm phán có thể là đóng băng chương trình hạt nhân Triều Tiên. Đây cũng là phương diện mà các bên đã đàm phán trong quá khứ.

Chính phủ của ông Biden có thể theo đuổi lộ trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên theo từng giai đoạn. Đây cũng là hướng đàm phán mà Bình Nhưỡng đã bày tỏ mong muốn trong thời gian qua, theo nhận định của một cựu quan chức cấp cao Hàn Quốc.

Trả lời Nikkei Asia, một quan chức chính phủ Triều Tiên từng tự tin khẳng định nước này đã đủ khả năng "gây thiệt hại cho thủ đô nước Mỹ".

"Triều Tiên và Mỹ sẽ ngửa bài dần, tiếp tục đàm phán với vị thế ngang hàng là những quốc gia hạt nhân về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế và thiết lập hòa bình", người này nhận định.

Triều Tiên vẫn còn những ưu tiên khác ngoài đàm phán hạt nhân, trong đó có ứng phó đại dịch Covid-19. Ảnh: KCNA.

Lựa chọn cho ông Biden

Theo Chon Yong U, cựu cố vấn hàng đầu cho tổng thống Hàn Quốc về an ninh quốc gia, phi hạt nhân hóa từng giai đoạn là một phương án đáng quan tâm. Đội ngũ chuyên gia của ông Biden đều nhận thấy mục tiêu phi hạt nhân hóa toàn diện và ngay lập tức cho bán đảo rất khó thực hiện.

"Họ sẽ tìm cách ngăn Triều Tiên cải thiện năng lực phát triển hạt nhân, và sau đó thuyết phục cắt giảm vũ khí hạt nhân bắt đầu với những vũ khí đủ đe dọa lãnh thổ đất liền của Mỹ", ông chia sẻ.

Dù nhiều người lo sợ vấn đề Triều Tiên rơi vào bế tắc trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo, ông Chon lưu ý rằng tổng thống đắc cử Joe Biden có phong cách ngoại giao hơn Tổng thống Trump. Trong khi tổng thống đương nhiệm có xuất thân là thương gia và thích những thỏa thuận to lớn, ông Biden có thể chấp nhận các bước tiến nhỏ hơn.

Một thỏa thuận thực chất, tiến triển từ nhỏ đến lớn, có thể nhận được sự ủng hộ từ Trung Quốc và nhóm ủng hộ hòa hợp bán đảo của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Tuy nhiên, cách tiếp cận từng bước có thể khiến Nhật Bản và phe bảo thủ tại Hàn Quốc lo ngại vì kiểu thỏa thuận sơ bộ sẽ cho phép Triều Tiên giữ lại vũ khí hạt nhân tầm ngắn và tầm trung.

Vấn đề được đặt ra là yếu tố nào sẽ khiến Washington và Bình Nhưỡng nối lại đàm phán. Các nỗ lực đàm phán đã thất bại trong hơn một năm qua. Bình Nhưỡng vẫn dõi theo ông Biden với thái độ hoài nghi, và bản thân họ cũng đặt ra điều kiện rất cao để trở lại bàn đối thoại.

Ông Kim muốn Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt, chấm dứt tập trận với Hàn Quốc và cũng từng đề cập đến "đảm bảo chính trị" cho chế độ. Trong cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa gần nhất vào tháng 10/2019, Bình Nhưỡng nhấn mạnh họ có quyền phát triển và tồn tại, đồng thời cảnh báo sẽ không nối lại trao đổi nếu Washington không chấm dứt chính sách thù địch.

Triều Tiên trình làng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lớn chưa từng thấy trong cuộc duyệt binh, đánh dấu kỷ niệm 75 năm ngày thành lập đảng Lao động. Ảnh: KCTV.

Khi nào ông Kim lên tiếng?

Đã hơn 1 tháng kể từ khi ông Biden được tuyên bố là người đắc cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng, truyền thông Triều Tiên lẫn cá nhân ông Kim Jong Un vẫn chưa bình luận về kết quả bầu cử Mỹ.

Theo các chuyên gia, Bình Nhưỡng một mặt không muốn dính vào rắc rối chính trị khi ông Trump còn đương chức. Mặt khác, Triều Tiên có khả năng đang tập hợp những lá bài mặc cả của mình trước khi bắt đầu đối thoại với Mỹ. Ông Kim Jong Un có thể sẽ tìm cách lôi kéo sự chú ý của tân tổng thống Mỹ bằng một đề xuất táo bạo nào đó, chẳng hạn viễn cảnh đóng băng chương trình hạt nhân Triều Tiên.

Giới phân tích đang cố giải mã ý định của nhà lãnh đạo Triều Tiên và khi nào ông sẽ lên tiếng.

Một kịch bản có khả năng xảy ra là Bình Nhưỡng công khai đề nghị chính phủ Mỹ kế nhiệm tôn trọng các cam kết đã đạt được trong tuyên bố chung năm 2018, tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên ở Singapore. Lãnh đạo các bên đã thống nhất xây dựng quan hệ song phương và củng cố niềm tin từ hai phía.

Tùy vào cách phản hồi của ông Biden, Bình Nhưỡng có thể có những hướng đi khác nhau. Nếu tân tổng thống Mỹ không có thiện chí, ông Kim Jong Un có thể trở lại với những hành động khiêu khích như bắn thử tên lửa đạn đạo. Biện pháp này còn giúp Triều Tiên cải thiện công nghệ vũ khí và thúc đẩy các cố vấn của ông Biden thuyết phục tân tổng thống khởi động lại đàm phán.

Ông Kim Jong Un có thể sẽ gửi thông điệp cho Mỹ trong bài phát biểu đầu năm 2021, như cách ông tuyên bố mở cánh cửa ngoại giao với Hàn Quốc và Mỹ vào đầu năm 2018. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng có thể hé lộ những mong muốn của mình trong bài phát biểu ở đại hội đảng Lao động Triều Tiên vào đầu năm sau.

Tuy nhiên, Triều Tiên cũng có những ưu tiên khác trước mắt, bao gồm tình hình kinh tế dưới áp lực của lệnh trừng phạt quốc tế, ứng phó đại dịch Covid-19 và khắc phục hậu quả lũ lụt.

Nếu ông Kim Jong Un muốn tập trung giải quyết những bài toán này trước, động thái khiêu khích từ Triều Tiên có thể đến tháng 3/2021 mới diễn ra, sau khi Mỹ và Hàn Quốc tổ chức tập trận chung.

Tác giả: Thanh Danh

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP