Pháp luật

Ông Hồ Công Kỳ có vai trò gì trong vụ ông Đinh La Thăng?

Với tư cách chánh văn phòng, người xử lý toàn bộ văn bản gửi tới PVN, ông Hồ Công Kỳ sẽ giúp HĐXX làm rõ nhiều nội dung quan trọng nhằm xác định vai trò, tính chất, mức độ vi phạm của các bị cáo quan trọng trong vụ án.

Bị cáo Đinh La Thăng tại tòa - Ảnh: TT

Ông Hồ Công Kỳ - hiện là chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower), công ty con của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).

Ông Kỳ, nguyên là chánh văn phòng PVN vào thời điểm vụ án cố ý làm trái diễn ra tại tập đoàn này (2011), đã được mời tới phiên toà để làm rõ nhiều nội dung quan trọng.

Vậy, vai trò của ông như thế nào, sự có mặt của ông Kỳ ở toà sẽ làm rõ những nội cụ thể nào?

Ông Hồ Công Kỳ - Ảnh: Trang web Công đoàn dầu khí

Văn bản báo cáo hợp đồng 1,2 tỉ USD vi phạm đi đâu?

Trong phiên xử sáng nay 9-5, bị cáo Đinh La Thăng phủ nhận hàng loạt lời khai của các bị cáo nguyên là lãnh đạo của PVN và PVPower, trong đó đặc biệt là việc có nhận được hay không 4 văn bản báo cáo, phản đối của PVPower về hợp đồng tổng thầu thi công nhà máy Nhiệt Điện Thái Bình 2 (hợp đồng số 33), trị giá 1,2 tỉ USD.

Trước đó, trong các phiên xử ngày 7 và 8-5, bị cáo Vũ Hồng Chương - nguyên trưởng ban quản lý Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 - đã rất bức xúc khi được Hội đồng xét xử (HĐXX) gọi, hỏi về những vấn đề liên quan tới hợp đồng số 33 và vai trò của bị cáo này trong vụ án.

Ông Chương khẳng định: "Bị cáo đã có công văn gửi cho tất cả các thành viên trong Hội đồng thành viên (HĐTV), Ban Tổng giám đốc báo cáo về vướng mắc trong hợp đồng số 33, phản đối chuyển tiền khi thấy tình hình phức tạp. Trước khi có văn bản này, bị cáo đã gửi nhiều văn bản khác báo cáo về những vấn đề bất thường, không thể thực hiện trong hợp đồng mà không có hồi âm".

Bị cáo Chương cho hay sau những lần gửi văn bản phản đối như vậy không có phản hồi, ông đã phải gửi văn bản đóng dấu mật tới đích danh tổng giám đốc PVN Phùng Định Thực để trình bày.

Hơn một tháng sau khi văn bản mật được gửi đi, ông Phùng Đình Thực mới trao đổi lại và có những động thái chỉ đạo phải xử lý lại cho đúng pháp luật.

Các bị cáo nguyên là cựu lãnh đạo PVN tại tòa

Theo bị cáo Chương, ông còn gặp trực tiếp ông Thăng cùng các lãnh đạo tại phòng làm việc để trình bày. Tuy nhiên, bị cáo Đinh La Thăng và bị cáo Phùng Đình Thực đều một mực khẳng định không hề nhận được văn bản nào như vậy.

Khi có văn bản mật, cũng chỉ báo cáo là chưa đủ điều kiện thì cần hoàn thiện. Đây là việc làm bình thường của tập đoàn chứ không phải báo cáo việc hợp đồng vi phạm pháp luật.

Điểm mấu chốt xác định trách nhiệm, mức độ vi phạm của các bị cáo Phùng Đình Thực, Đinh La Thăng là việc có nhận được văn bản báo cáo, phản đối hay không, và văn bản đó thể hiện nội dung gì mà vẫn thúc ép việc triển khai dự án, buộc chuyển tiền tạm ứng.

Các văn bản đều phải qua tay chánh văn phòng PVN xử lý, do đó vai trò của ông Kỳ là làm rõ có văn bản này hay không, nếu có thì nó đi đâu để các bị cáo khẳng định không nhận được.

Chỉ đạo, thúc ép gì?

Lời khai tại toà của bị cáo Chương khẳng định bị cáo Đinh La Thăng nhận được văn bản phản đối nhưng vẫn chủ động thúc ép chuyển tiền.

Bị cáo Chương khai: "Khi đó bị cáo lên Hà Nội họp, sau cuộc họp thì chủ tịch Thăng gọi tới phòng làm việc hỏi tại sao anh gửi công văn phản đối, không chuyển tiền tạm ứng tiền cho PVC (Tổng công ty Xây lắp dầu khí). Lúc đó bị cáo vẫn giữ nguyên quan điểm như vậy. Bị cáo nói đề nghị chủ tịch xem lại. Ban gửi công văn này lên, xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn việc chuyển tiền vì nó không phù hợp quy định pháp luật".

Theo lời khai thì khi ông Chương vào phòng của ông Thăng, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh - nguyên phó tổng giám đốc PVN, người được giao trực tiếp phụ trách dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 - có mặt ở đó.

"Tiếp sau, chủ tịch Thăng lại mời anh Sơn (Nguyễn Xuân Sơn, nguyên phó tổng giám đốc PVN, phụ trách tài chính), hỏi tại sao không chuyển tiền, anh Sơn nói anh Khánh mới ký hợp đồng chuyển chủ thể (chuyển chủ đầu tư từ PVPwer sang PVN - PV) hôm kia, nhưng chỉ có hai trang, không có ban nào ký nháy thì tôi chuyển làm sao được. Lúc này, bị cáo Thăng nói 'Tôi không biết. Các anh làm thế nào phải chuyển tiền cho bên kia để triển khai dự án'" - ông Chương khai.

Củng cố cho lời khai của bị cáo Chương là lời của bị cáo Trần Văn Nguyên, nguyên kế toán trưởng Ban quản lý Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.

Ông Nguyên khai: "Trước khi chuyển tiền, bị cáo đã tham mưu anh Chương có công văn báo cáo Tập đoàn về việc hợp đồng chưa đủ điều kiện, xin được hướng dẫn song sau đó tập đoàn vẫn ra quyết định cấp vốn (văn bản số 448) và quyết định chuyển tiền ngay trong ngày (449). Khi đó kế toán bắt buộc phải thực hiện".

Bị cáo Phùng Đình Thực - Ảnh chụp màn hình

Bị cáo Thực và Thăng thì phủ nhận toàn bộ việc thúc ép này, khẳng định không bao giờ cấp dưới dám báo cáo hợp đồng vi phạm pháp luật như vậy. Các bị cáo chỉ chỉ đạo trên tinh thần chung, phải ép tiến độ và luôn chỉ đạo phải thực hiện đúng pháp luật chứ không chỉ đạo làm sai.

Với tư cách là chánh văn phòng PVN vào giai đoạn này, ông Hồ Công Kỳ được chờ đợi sẽ cung cấp những thông tin liên quan tới các nội dung chỉ đạo cụ thể của các bị cáo trong vụ án.

Tác giả: Gia Minh

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP