Xe

Ô tô để gần cạn bình xăng mới đổ sẽ tiềm ẩn điều gì?

Nhiều tài xế thường có thói quen lái xe cho đến khi gần cạn bình xăng mới đổ mà không biết điều đó sẽ gây ra những hư hỏng nghiêm trọng cho xe.

Khi di chuyển trên phố đông, việc hết xăng dẫn tới chết máy đột ngột và có thể gây những tai nạn đáng tiếc

Chết máy đột ngột có thể gây tai nạn

Thói quen xấu của nhiều tài xế là lười đổ xăng và để cho bình xăng cạn kiệt mới tiếp thêm nhiên liệu. Nếu vận hành xe liên tục trong khi để bình xăng ô tô ở mức thấp có thể xảy ra hiện tượng đóng lại cặn ở dưới đáy bình.

Đặc biệt, nếu di chuyển trên những đoạn đường đông đúc với nhiều xe cộ, bình xăng cạn có thể gây chết máy đột ngột, do đó có thể xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Việc sử dụng xe đến khi hết xăng khiến tình trạng bơm nhiên liệu bị nhanh nóng và mòn

Hỏng bơm nhiên liệu

Hỏng bơm nhiên liệu là sự cố thường gặp khi bình nhiên liệu bị cạn kiệt. Bơm nhiên liệu có chức năng chính là hút nhiên liệu vào buồng đốt, lúc này xăng cũng đóng vai trò là chất làm mát cho chính bơm nhiên liệu. Nếu không có đủ xăng trong bình, bơm nhiên liệu sẽ hút không khí và khi điều này xảy ra thường xuyên sẽ gây hỏng.

Ngoài ra, thiếu xăng còn làm tăng nguy cơ xe bị bỏ máy vì xăng không đến được tất cả các xi-lanh. Khi động cơ hoạt động trong điều kiện cưỡng bức liên tục, khi tỷ lệ không khí và nhiên liệu không thích hợp, sẽ làm cho động cơ nóng lên bất thường.

Đồng hồ đo nhiên liệu báo rằng xe còn khoảng 60 km cho đến khi hết xăng hoàn toàn, điều đó không chính xác tuyệt đối. Trên thực tế, độ chính xác của cảnh báo nhiên liệu còn phụ thuộc vào mức độ tiết kiệm của xe và phong cách lái xe của chủ sở hữu.

Nếu tin 100% vào chỉ số trên đồng hồ đo nhiên liệu, lái xe có thể bị hết xăng mà chưa đến được trạm tiếp nhiên liệu. Nguy hiểm hơn, tài xế có thể gặp phải tình trạng xe đang chạy bị chết máy khi di chuyển cao tốc hay dừng đột ngột ở giữa đường.

Việc lái ô tô trong tình trạng xăng gần cạn kiệt gây ảnh hưởng xấu đến động cơ xe

Hỏng động cơ

Không những vậy, khi di chuyển với bình xăng bị cạn sẽ dẫn đến các chất cặn trong bình xăng bị hút vào trong đường ống. Thành bên trong của bình xăng khi tiếp xúc với không khí (thay vì xăng như lúc đầy) có thể gây ô-xy hóa, tạo cặn.

Cặn bám vào bộ lọc sẽ khiến bộ lọc bị tắc nghẽn, dẫn đến nhiên liệu không thể tới buồng đốt. Bên cạnh đó, nó làm tăng nguy cơ chất bẩn xâm nhập vào đường ống dẫn nhiên liệu cũng như động cơ xe. Cuối cùng gây ra sự cố trong ống xả và làm dừng động cơ.

Đó là lý do tại sao việc chạy xe với bình xăng cạn kiệt là vô cùng nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới động cơ mà còn nhiều bộ phận khác trên xe. Việc thay thế bơm nhiên liệu cũng rất đắt đỏ.

Chạy xe tới cạn xăng còn gây hại đến động cơ và bộ phận cơ khí của xe, đặc biệt là xe dùng động cơ diesel. Nguyên nhân là do các bộ phận cơ khí của ô tô được thiết kế để hoạt động hiệu quả và bền bỉ trong trường hợp chứa đầy nhiên liệu, chứ không chịu được sự bào mòn từ những yếu tố bên ngoài. Ngoài ra, việc chết máy giữa đường, đặc biệt là lúc xe đang chạy với tốc độ cao và gây ra ảnh hưởng xấu, hư hại cho hệ thống trợ lực, phanh... lâu dần còn gây ra những hư hỏng khác không thể kiểm soát hết được.

Do vậy, các bác tài hãy chú ý hơn tới đồng hồ nhiên liệu và nạp thêm nhiên liệu ở mức cần thiết để giúp xe vận hành trơn tru và kéo dài tuổi thọ của động cơ, đồng thời nên thay lọc nhiên liệu định kỳ đều đặn.

Xe hết nhiên liệu gây mệt mỏi, ảnh hưởng tới công việc và các hoạt động khác

Ảnh hưởng tới những công việc, hoạt động khác

Thói quen này còn khiến lái xe không thể chắc chắn được lượng xăng còn tồn lại trong xe có thể giúp bạn đi tới được trạm xăng tiếp theo trên đường. Và chắc chắn rằng việc để xe hết xăng khi bạn đang đi đường cũng sẽ tạo ra thiệt hại rất lớn tới công việc, hoạt động của bạn, tiêu tốn nhiều thời gian.

Vì thế, phải luôn đảm bảo được lượng nhiên liệu ở mức cao trong bình, đặc biệt là trong những chuyến hành trình xa hay đi đường đèo dốc liên tục để tránh tình trạng xe phải dừng lại giữa đường chờ tiếp viện nhiên liệu và đảm bảo an toàn cho hệ thống bơm nhiên liệu của xe.

Tác giả: Bá Nam

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP