Những kim loại nặng là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, về lâu về dài sẽ nguy cơ gây bệnh ung thư.
Hiện nay, trên địa bàn thị trấn Quỳ Hợp có khoảng 10 nghìn người dân với 2.300 hộ dân sử dụng nước sinh hoạt từ Trạm cấp nước Quỳ Hợp. Nguồn nước thô đầu vào của Trạm cấp nước Quỳ Hợp được lấy từ Thượng nguồn suối Nậm Huống.
Nguồn nước các dòng suối ở Quỳ Hợp quanh năm đỏ quạch do nước thải từ khai thác quặng thiếc |
Được biết, trong quá trình chế biến làm giàu quặng, Báo cáo đánh giá tác động môi trường của các doanh nghiệp không có công nghệ để tách các kim loại nặng ra khỏi chất thải. Vì vậy các kim loại nặng được thải ra theo các chất thải với khối lượng lớn, sau đó các kim loại nặng hòa tan vào dòng nước của suối Nậm Huống, đến cửa lấy nước đầu vào của Trạm cấp nước Quỳ Hợp.
Khi các kim loại nặng vào nhà máy xử lý nước, tại đây cũng không có công nghệ tách kim loại nặng ra khỏi nước sinh hoạt cung cấp cho các hộ dân. Vì vậy, nguồn nước sinh hoạt nhà máy cung cấp cho người dân vẫn còn kim loại nặng.
Theo kết luận mới nhất (17/7/2019) của Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An thì nguồn nước thô đầu vào của Trạm cấp nước Quỳ Hợp có thông số TSS, Asen và Crom vượt tiêu chuẩn cho phép. Đặc biệt có một thông số kim loại nặng là Asen vượt 1,3 lần so với quy chuẩn QCVN08MT:2015/BTNMTG cột A2…
Trong văn bản đề nghị di dời vị trí lấy nước đầu vào Trạm cấp nước Quỳ Hợp của UBND huyện Quỳ Hợp ngày 07/8/2019 có đưa ra kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo Công ty CP cấp nước Nghệ An di dời cửa lấy nước đầu vào của Trạm cấp nước Quỳ Hợp tại vị trí hạ nguồn dòng suối Nậm Choọng chảy từ các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Châu Lý, Châu Thái, thượng nguồn không có khai thác, chế biến khoáng sản (quặng thiếc). Vị trí này đã được UBND huyện, Sở TN&MT và các Sở, ngành liên quan xác định.
Các doanh nghiệp khai thác quặng thiếc gây ô nhiễm kim loại nặng cho các khe suối ở Quỳ Hợp nhưng không bị xử lý |
Có thể khẳng định, việc thay đổi vị trí lấy nước thô đảm bảo an toàn, không bị nhiễm kim loại nặng của Trạm cấp nước Quỳ Hợp là cần thiết và được người dân ủng hộ. Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây lại là trách nhiệm của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản ở thượng nguồn suối Nậm Huống và đặc biệt là của các ngành chức năng tỉnh Nghệ An.
Có thể khẳng định rằng, cơ quan chức năng đã xác định rõ nguồn gốc gây ô nhiễm kim loại nặng ở suối Nậm Huống là do các doanh nghiệp khai thác quặng thiếc ở phía thượng nguồn gây ra nhưng tại sao cơ quan chức năng lại không tìm cách để xử lý, giải quyết nguồn cơn của sự việc mà lại khăng khăng xử lý “phần ngọn” là bắt Trạm cấp nước Quỳ Hợp di dời nguồn lấy nước thô để cấp nước sinh hoạt liệu có thuyết phục? Đó là chưa kể đến việc nguồn nước tại suối Nậm Huống phục vụ sản xuất nông nghiệp của bà con ở một số xã hạ nguồn như Châu Cường, Châu Quang nhưng bị ô nhiễm nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến năng suất, chất lượng trong hoạt động sản xuất hàng ngày của người dân.
Trong thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường tại các khu vực khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp nói riêng cũng như tỉnh Nghệ An nói chung chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn diễn ra tình trạng đổ thải chất rắn bừa bãi ở một số nơi. Đối với hoạt động khai thác, chế biến quặng thiếc, việc xả nước thải trực tiếp vào môi trường gây ảnh hưởng đến các sông, suối gây bức xúc cho người dân, nhất là vào thời điểm mưa lũ, lụt diễn ra thường xuyên và phổ biến. Thế nhưng các cơ quan chức năng dường như đang quá xem nhẹ vấn đề này.
Lợi nhuận từ khai thác, chế biến khoáng sản đương nhiên doanh nghiệp hưởng; nhưng hàng loạt những hệ lụy, nhất là về vấn đề môi trường thì người dân địa phương lại phải gồng gánh. Và, không biết đến khi nào người dân mới thoát khỏi cảnh “quýt làm, cam chịu”?
Cần làm rõ đơn tố cáo của bị hại trong hồ sơ của cơ quan CSĐT, công an huyện Hưng Nguyên
Tác giả: Phạm Tuân
Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường