Trong nước

Nửa thế kỷ đợi chờ xây hồ Kẻ Gỗ

Cách đây hơn 40 năm, ngày 26-3-1976, hàng vạn thanh niên tỉnh Nghệ Tĩnh từ miền ngược đến miền xuôi, vai gánh tay gồng có mặt tại nơi rừng hoang núi thẳm để xây dựng công trình thủy nông kỳ vĩ nhất sau giải phóng.

678c57f4
Lễ khởi công xây dựng hồ Kẻ Gỗ ngày 26-3-1976 - Ảnh tư liệu

"Mặc dù lúc đó cuộc chiến tranh chống Mỹ vô cùng khốc liệt. Song quyết định của Chính phủ về xây dựng hồ Kẻ Gỗ đã tạo nên sự vui mừng khôn xiết, cả tập thể thường vụ khi nghe tin này đã xúc động đến mức không cầm được nước mắt, lòng dạ cứ bâng khuâng sung sướng vô cùng, tưởng như cuộc đời mình trẻ lại hàng chục tuổi". Ông Nguyễn Tiến Chương (nguyên bí thư Hà Tĩnh)

Công trình đại thủy nông hồ Kẻ Gỗ, với sức chứa 345 triệu mét khối nước, đã thay đổi hoàn toàn đời sống vùng đất Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh.

Hơn nửa thế kỷ đợi chờ, từ tài liệu cũ của người Pháp, đại công trình thủy nông này mới chính thức được khởi công.

Dự án từ thời Pháp thuộc

“Mấy ngày nay trở trời, bác mệt lắm! Nhưng bác sẽ cùng các cháu lên lại thăm hồ. Mấy tháng rồi bác chưa lên đó. Trước đây tháng nào bác cũng lên. Lên đó bác như được trở lại quãng đời trai trẻ đầy ắp kỷ niệm của mình” - ông Đào Văn Tinh, nguyên giám đốc Sở Thủy lợi (Hà Tĩnh), nói trong một ngày mưa rét.

Ông Tinh bảo rằng hồ Kẻ Gỗ không những là kỷ niệm của ông mà là quá khứ hào hùng một thời của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Kẻ Gỗ được người Pháp thiết kế và chuẩn bị xây dựng vào những năm đầu của thập niên 1930.

Trước đó ở Nghệ Tĩnh nhiều công trình mang đậm dấu ấn của người Pháp như bara Đô Lương ngăn sông Rào Cái, bara Nam Đàn, bara Lệ Thủy, bara Cẩm Trang...

ho ke go 1486553180
Công trình đại thủy nông hồ Kẻ Gỗ - Ảnh: Tấn Vũ

Ông Tinh bảo rằng sở dĩ người Pháp quyết tâm làm Kẻ Gỗ vì sự thất bại của bara Cẩm Trang. Khi xây dựng bara Cẩm Trang đã dẫn đến một hệ lụy là hồ chứa này gây ngập nặng trên diện rộng, lợi ích mang lại không như mong muốn nên lòng dân không yên.

“Chỉ vì muốn yên dân nên người Pháp quyết làm Kẻ Gỗ ngay. Họ đã làm 3km kênh mương rồi, nhưng sự việc không thành và đến năm 1939 thì mọi thứ dừng lại do Thế chiến thứ hai nổ ra.

Muốn lấy được lòng dân Cẩm Xuyên, Thạch Hà thì cái cần là cuộc sống được an yên và người dân thấy được lợi ích của mình” - ông Tinh nói.

Theo tài liệu của người Pháp để lại thì ban đầu hồ Kẻ Gỗ chỉ thiết kế với sức chứa 85 triệu mét khối.

“Sau này chúng ta thiết kế lại lên đến 345 triệu mét khối nước, nhưng cho dù 85 triệu mét khối nước mà nếu lúc đó hồ được xây dựng thì người dân Hà Tĩnh đã khấm khá lắm rồi. Ít ra lúa thóc cũng được như người dân vùng Thanh Hóa, Nghệ An...” - ông Tinh tiếc nuối.

Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, câu chuyện hồ Kẻ Gỗ chìm vào quên lãng hơn 10 năm trường cho đến lúc Bác Hồ về thăm quê hương lần thứ nhất vào ngày 15-6-1957.

Trong buổi nói chuyện với người dân Nghệ Tĩnh, thấu hiểu được lòng dân mong chờ, Bác nhấn mạnh: “Phải lục hồ sơ hồ Kẻ Gỗ mà nghiên cứu trước để khi có thời cơ mà xây dựng”.

Trong đoàn đi công tác tại Nghệ Tĩnh cùng Bác lần đó có Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Trần Đăng Khoa. Sau câu nói của Bác, ông Khoa đã thu thập toàn bộ tài liệu về Kẻ Gỗ tại Vinh, Hà Tĩnh và các bảo tàng lưu trữ ở Hà Nội.

Năm 1958, Viện Thiết kế thủy lợi chính thức đặt vấn đề nghiên cứu vấn đề này.

“Đây là sự tiên đoán rất tài tình. Bác vẫn tôn trọng và kế thừa cái người Pháp có. Tôi nghĩ không có câu này của Bác thì năm 1976 chúng ta vẫn chưa thể khởi công Kẻ Gỗ được” - ông Tinh nói.

Khát vọng ngàn đời

Ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Công ty TNHH-MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành, khai thác hồ Kẻ Gỗ, kể rằng sau giải phóng nguyện vọng thiết thực nhất của người dân Hà Tĩnh là áo cơm.

Hạnh phúc nhất của người nông dân khi cầm cuốc, cầm cày là thửa ruộng của mình có nước.

ke go 3 1486553123
Một góc hồ Kẻ Gỗ - Ảnh: Tấn Vũ

Năm 1971, trong một lần đi Hà Nội làm việc với trung ương về việc chuẩn bị cho đại hội đảng bộ lần thứ 8, ông Nguyễn Xuân Linh, bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Hà Kế Tấn, hai bên có văn bản thống nhất trình lên Ban bí thư và Hội đồng Chính phủ về việc xây dựng hồ Kẻ Gỗ.

Sau khi Ban bí thư và Hội đồng Chính phủ đồng ý, không lâu sau đó tại kỳ họp Quốc hội khóa V năm 1971, công trình trọng điểm quốc gia này chính thức được biểu quyết nhất trí thông qua.

Công trình được thông qua nhưng nhiệm vụ trước mắt là vô cùng khó khăn, cả nước đang tập trung sức người, sức của cho giai đoạn cuối cùng của cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam.

Các cơ sở vật chất kỹ thuật lại thô sơ, trong khi khối lượng công việc rất đồ sộ, nặng nề. Chính quyền Hà Tĩnh cùng Bộ Thủy lợi đã huy động chuyên gia, các cán bộ đầu ngành của Viện thiết kế, Viện nghiên cứu và Trường đại học Thủy lợi tập trung, nghiên cứu, tính toán thiết kế, dự toán.

Tỉnh Hà Tĩnh chuẩn bị giải phóng mặt bằng, huy động lực lượng lao động thủ công, chăm lo hậu cần lương thực, thuốc men cho hàng chục vạn người trong thời gian dự kiến thi công công trình là sáu năm.

Ngay tháng 6-1974, Hà Tĩnh đã thành lập hai công ty xây dựng thủy lợi trên 2.600 cán bộ, đội viên, thanh niên xung phong hành quân vào Cẩm Xuyên, Thạch Hà để làm công tác cải tạo lòng hồ, khai thác vật liệu xây dựng, làm đường giao thông, kho tàng, bến bãi.

Ông Tinh nhớ lại rằng khi đó chỉ mới bước đầu chuẩn bị nhưng đã có 6.000 nam, nữ thanh niên của tỉnh lao động không kể ngày đêm.

Chỉ trong vòng sáu tháng, hơn 24.000m2 kho tàng, bến bãi, 20km đường giao thông được xây dựng phục vụ cho việc vận chuyển các thiết bị cơ giới.

“Gọi là cơ giới nhưng cũng chỉ có mấy cái xe ủi, máy đào loại nhỏ mà xăng cũng không có để chạy. Rồi tất cả phải dùng sức người. Hàng chục ngàn đôi quang gánh được sản xuất, hàng vạn mét khối đất, đá, cát, sỏi... được giải phóng khỏi lòng hồ. Tất cả chờ ngày quyết định khởi công” - ông Tinh kể lại.

Sáng 26-3-1976, sau tuyên bố khởi công công trình của ông Trương Kiện, chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh lúc bấy giờ, ba quả mìn nổ đanh tai tạo nên cột khói bốc cao hàng chục mét làm tín hiệu.

Hàng vạn công nhân thanh niên hô xung phong lao vào chiếm lĩnh các trận địa là các ngọn đồi, con suối. Họ lao động miệt mài suốt ngày đêm, nếm mật nằm gai gian nan với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ...

198696ae
Ông Đào Văn Tinh nhớ lại thời đi xây hồ Kẻ Gỗ - Ảnh: Tấn Vũ

Vì sao chính quyền chọn ngày 26-3-1976 để khởi công công trình hồ Kẻ Gỗ? Ông Tinh lý giải đó là ngày thành lập Đoàn thanh niên và chỉ có thanh niên mới làm nổi công việc này.

“Đất nước vừa giải phóng xong, khí thế còn hừng hực, tầng lớp thanh niên còn hăng say lắm nên để cho họ cống hiến tuổi thanh xuân xây dựng quê hương.

Điều thứ hai là tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An vừa sáp nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh (ngày 1-1-1976) nên công trình này là dấu ấn thiết thực để chào mừng sự kiện đó.

Điều thứ ba là cả nước cùng bước vào cuộc chiến chống đói nghèo. Vì vậy chúng tôi quyết định chọn thời điểm này để khởi công xây hồ Kẻ Gỗ” - ông Tinh nhớ lại.

Tác giả bài viết: TẤN VŨ - HỮU KHÁ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP