Bạn cần biết

“Nữ tướng” Mai Kiều Liên và hành trình dẫn dắt ngành sữa Việt

Trong suốt 50 năm sự nghiệp, bà Mai Kiều Liên không chỉ khởi xướng sự đổi mới trong ngành sữa Việt Nam mà còn đưa Vinamilk vươn mình trở thành nhà sản xuất sữa hàng đầu cả nước.

Mới đây, Tạp chí Fortune đã công bố danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất châu Á năm 2024, vinh danh những nhà lãnh đạo và doanh nhân đang tái định nghĩa khái niệm lãnh đạo. Họ là những người dẫn dắt sự chuyển đổi của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng vượt bậc, đổi mới công nghệ và truyền cảm hứng cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp.

Danh sách này được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí quan trọng: Quy mô và tốc độ phát triển của doanh nghiệp, tầm nhìn chiến lược, khả năng đổi mới sáng tạo, tầm ảnh hưởng kinh tế và danh tiếng, cùng với tác động xã hội. Trong số đó, có bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk; HoSE: VNM).

Nữ kỹ sư "nổi lửa" ngành sữa Việt

Bà Mai Kiều Liên, dù được biết đến nhiều với vai trò nữ doanh nhân, nhưng ít ai biết rằng xuất phát điểm của bà là một kỹ sư ngành sữa. Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1976 tại Nga, bà trở về Việt Nam và làm việc tại Công ty Sữa và Cà phê Việt Nam, tiền thân của Vinamilk.

Bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk; HoSE: VNM).

Từ năm 1976 - 1983, bà Liên trải qua nhiều vị trí khác nhau tại các nhà máy trước khi trở thành Phó Giám đốc Kỹ thuật của Nhà máy Sữa Thống Nhất năm 1982. Đến năm 1992, bà đảm nhận vai trò Tổng Giám đốc Vinamilk và tiếp tục dẫn dắt công ty cho đến nay.

Một trong những dấu mốc quan trọng dưới sự lãnh đạo của bà Mai Kiều Liên là quyết định phục hồi Nhà máy Sữa Bột Dielac vào năm 1988, đặt nền móng cho sự ra đời của sản phẩm sữa bột trẻ em đầu tiên do người Việt sản xuất.

Đến thập niên 1990, bà và đội ngũ đã thành công trong việc xây dựng vùng nguyên liệu nội địa và phát triển đàn bò sữa, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Năm 1998, sản phẩm sữa bột của Dielac xuất khẩu sang Iran, đánh dấu sự mở rộng ra thị trường quốc tế của Vinamilk.

Suốt quá trình đổi mới, Vinamilk đã thực hiện thành công chiến lược hướng tới nông nghiệp, nông thôn và nông dân thông qua "Cuộc cách mạng trắng". Công ty không chỉ tập trung vào việc hiện đại hóa máy móc thiết bị mà còn áp dụng công nghệ.

Trong hành trình gắn bó suốt 50 năm, bà Mai Kiều Liên không chỉ khởi xướng sự đổi mới trong ngành sữa Việt Nam mà còn đưa Vinamilk vươn mình trở thành nhà sản xuất sữa hàng đầu cả nước.

Năm 2015, Vinamilk có trang trại bò sữa đầu tiên đạt chuẩn GlobalGAP, và năm 2016, công ty tiếp tục ghi dấu ấn khi sở hữu trang trại hữu cơ đạt tiêu chuẩn châu Âu đầu tiên tại Việt Nam. Nhờ đó mà hiện nay, sản phẩm của Vinamilk không chỉ chiếm lĩnh được thị phần trong nước mà đã có mặt tại 57 quốc gia trên thế giới.

Vinamilk dưới sự điều hành của bà Mai Kiều Liên

Dưới sự dẫn dắt của bà Mai Kiều Liên, Vinamilk đã trải qua gần 50 năm thay "da đổi thịt", từ nhà máy sữa hư hỏng sau chiến tranh, Vinamilk hiện mang trong mình diện mạo mới, nâng vị thế sữa Việt trên bản đồ thế giới.

Cụ thể, trong giai đoạn từ 2016 - 2020, tình hình sản xuất kinh doanh của Vinamilk liên tục khởi sắc với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đều đặn qua các năm. Năm 2016, doanh thu của công ty đạt 46.800 tỷ đồng, và đến năm 2020, con số này đã cán mốc 59.600 tỷ đồng, tăng 27% sau 4 năm.

Lợi nhuận của Vinamilk cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Minh chứng rõ ràng là khoản lãi kỷ lục 11.235 tỷ đồng vào năm 2020, mức đỉnh lợi nhuận mà công ty vẫn chưa vượt qua được cho đến thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, sang giai đoạn 2021 - 2023, tình hình sản xuất kinh doanh của Vinamilk đã gặp phải nhiều khó khăn và biến động. Một phần nguyên nhân là do chuỗi cung ứng bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, dẫn đến việc giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Cùng với đó, chi phí vận chuyển và giá vốn hàng bán cũng leo thang, khiến các khoản chi phí của công ty tăng mạnh. Những yếu tố này đã kéo lợi nhuận của Vinamilk trong năm 2022 xuống còn 8.577 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2021.

Mặc dù vậy, ngay sau đó, Vinamilk đã có dấu hiệu hồi phục và trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Năm 2023, doanh thu của công ty đạt 60.368 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng cải thiện, đạt 9.019 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2022.

Nhà máy sữa của Vinamilk tại Bình Dương.

6 tháng đầu năm 2024, Vinamilk ghi nhận doanh thu đạt 30.790 tỷ đồng, tăng 5%. Trong đó, chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu đến từ việc bán thành phẩm với 38.993 tỷ đồng.

Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Vinamilk trong nửa đầu năm 2024 đạt 4.902 tỷ đồng tăng 19% so với cùng kỳ.

Năm 2024, Vinamilk lên kế hoạch tổng doanh thu dự kiến là 63.163 tỷ đồng, mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 11.516 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, công ty đã hoàn thành 48% chỉ tiêu doanh thu và 52% kế hoạch lợi nhuận.

Đáng chú ý, tính đến ngày 30/6/2024, Vinamilk có 23.168 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn đầu tư đến ngày đáo hạn, tăng 14% so với đầu năm. Trong đó bao gồm 23.030 tỷ đồng gửi ngắn hạn và và 138 tỷ đồng tiền gửi dài hạn.

Khoản tiền gửi trên đã đem lại cho công ty 675 tỷ đồng lãi tiền gửi trong nửa đầu năm 2024.

Tính đến cuối tháng 6/2024, nợ phải trả của Vinamilk ở mức 15.856 tỷ đồng, giảm 10%. Trong đó, giảm chủ yếu đến từ các khoản phải trả ngắn hạn giảm từ 1.193 tỷ đồng đầu năm xuống còn 103 tỷ đồng, tương đương giảm 91%.

Đồng thời, các khoản vay của công ty đều giảm so với đầu năm. Cụ thể Vinamilk ghi nhận vay ngắn hạn đạt 7.794 tỷ đồng, vay dài hạn đạt 183 tỷ đồng; giảm lần lượt 5% và 23% so với đầu kỳ. Đây đều là các khoản vay tại các ngân hàng.

Dưới sự dẫn dắt của bà Mai Kiều Liên, Vinamilk đã trải qua gần 50 năm thay "da đổi thịt", từ nhà máy sữa hư hỏng sau chiến tranh, Vinamilk hiện mang trong mình diện mạo mới, nâng vị thế sữa Việt trên bản đồ thế giới.

Chia sẻ với cán bộ nhân viên công ty, bà Mai Kiều Liên chia sẻ: "Chặng đường trước mắt sẽ còn nhiều thách thức, có bắt kịp đà phục hồi và tạo ra sự bứt phá hay không là do chính chúng ta quyết định - bằng chính tư duy, hành động, sự quyết tâm và đoàn kết và cũng không quên một yếu tố quan trọng nhất chính là sức khỏe và sự an toàn mỗi người".

Tác giả: Nguyễn Phương Anh

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP