Xã hội

Nữ tiếp viên dương tính nCoV sau 8 ngày âm tính: 'Mỗi lần ho ruột gan như bị lôi ra ngoài'

Cô gái 29 tuổi trải qua nhiều cảm xúc chưa từng có trong chưa đầy một tháng. Cô vẫn giữ được sự lạc quan và ý chí mạnh mẽ.

Tiếng còi cấp cứu inh ỏi không ngớt; hai bên đường, người dân dạt ra sợ hãi khi nhìn thấy chiếc xe có những người mặc đồ bảo hộ kín mít. Q. ngồi trong xe, nhìn ra cửa sổ.

Con đường đưa Q. từ Bệnh viện Gia Lâm (Hà Nội) tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh cũng là hành trình cô đi làm hàng ngày. Nhưng hôm nay, Q. cảm thấy mọi thứ thật khác.

Mới chỉ 1-2 hôm trước, nữ tiếp viên hàng không còn đang háo hức mong đến ngày kết thúc cách ly để trở về đoàn tụ cùng gia đình. Nhưng, khoảnh khắc này khiến Q. nhận ra, cô có lẽ phải chuẩn bị tinh thần để bước vào một cuộc chiến mới.

Nỗ lực để vượt qua khó khăn

L.T.Q. là bệnh nhân 59 mắc Covid-19 được ghi nhận ở Việt Nam. Cô gái 29 tuổi là tiếp viên của hãng hàng không Vietnam Airlines, lây nhiễm bệnh trong quá trình phục vụ trên chuyến bay VN0054 London (Anh) về Nội Bài sáng 2/3 với 14 hành khách dương tính với SARS-CoV-2.

Ngày 7/3, sau khi bị xác định là F1 (trường hợp tiếp xúc gần ca bệnh xác định), Q. và 8 thành viên khác trong phi hành đoàn ở Hà Nội được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh để cách ly và làm xét nghiệm Covid-19.

Các mẫu bệnh phẩm lấy nhiều lần đều cho kết quả âm tính nCoV. Nữ tiếp viên sau đó được chuyển tới Bệnh viện Gia Lâm để tiếp tục cách ly đủ thời gian quy định.

Nữ tiếp viên 29 tuổi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 2

Ngày 13/3, gần 1 tuần kể từ khi có kết quả âm tính, cô sốt nhẹ, có cảm giác hơi đau nhức người. Đến ngày 14/3, cơn sốt tăng dần, Q. uống thuốc hạ sốt cũng không thấy thuyên giảm. Cô bắt đầu ho, những cơn ho đến liên tục, không ngừng nghỉ.

Thấy những biểu hiện lạ, bác sĩ nhanh chóng đưa Q. sang một phòng riêng, tách biệt với những người khác. Đêm 14/3, cô một lần nữa được chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để lấy mẫu xét nghiệm. Q. nhận kết quả dương tính SARS-CoV-2 vào sáng hôm sau.

Sau khi chụp CT, bác sĩ chẩn đoán Q. mắc viêm phổi do sự tấn công của virus. Những đợt sốt, cơn ho vẫn tới lui không dứt, hành hạ cô gái trẻ từng giờ. Q. kể, mỗi lần ho, cô cảm tưởng như ruột gan bị lôi ra hết, cơ thể dần không còn chút sức lực.

Cô xuất hiện thêm triệu chứng đau đầu lan từ phần trước trán xuống hai hốc mắt. “Có lúc đau tới nỗi, tôi cảm thấy hai mắt như chuẩn bị rơi xuống”, Q. nhớ lại.

Tuy nhiên, cô gái 29 tuổi đã vượt qua tất thảy đau đớn, mệt mỏi đó một cách diệu kỳ. Q. bảo, vì cô luôn giữ cho mình sự lạc quan, luôn có niềm tin sẽ chiến thắng bệnh tật.

Mỗi ngày, nữ tiếp viên đều cố gắng tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, ăn thật nhiều để bổ sung năng lượng. Vị giác đã tạm mất đi do bệnh, nhưng Q. chưa hôm nào bỏ thừa phần cơm. Cô cũng thường xuyên lên mạng tìm kiếm các bài vận động tốt cho phổi để tập luyện mỗi khi có thể.

Sau một vài ngày, các triệu chứng của Q. thuyên giảm. Đến những ngày cuối tháng 3, cô nhận kết quả âm tính nCoV nhiều lần liên tiếp, cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh. Q. được Bộ Y tế công bố khỏi bệnh ngày 30/3, chuyển sang giai đoạn theo dõi sức khỏe.

Nữ tiếp viên luôn giữ cho mình sự lạc quan và có niềm tin sẽ chiến thắng bệnh tật.

Hôm đầu Q. nhập viện, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có khá động bệnh nhân chờ được kiểm tra. Dù là buổi đêm, các bác sĩ vẫn làm việc miệt mài, gần như không có thời gian nghỉ. Với mọi bệnh nhân, họ đều giải thích cặn kẽ, nhẹ nhàng. Ngoài sự kiên định của bản thân, nữ tiếp viên chia sẻ, liều thuốc tinh thần lớn nhất giúp cô vượt qua bệnh tật chính là đội ngũ nhân viên y tế.

“Hình ảnh họ ngồi nghỉ chưa được bao lâu lại vội vã bật dậy đón lượt bệnh nhân mới làm tôi rất xúc động. Họ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, lại vất vả như vậy. Chút khó khăn của tôi có lẽ chưa là bao”, Q. bảo.

Ở bệnh viện, bác sĩ luôn theo dõi sát sao các triệu chứng, thậm chí để ý tới từng bữa ăn, giấc ngủ của Q. và các bệnh nhân khác. Họ thường nói với cô rằng: “Em cứ coi như đây là một kỷ niệm quý giá trong cuộc đời. Hãy mạnh mẽ chiến đấu, sau này nhất định sẽ có nhiều điều để kể với con cháu”.

“Tôi cảm thấy họ gần gũi như gia đình mình vậy”, Q. nói.

Những ký ức không thể quên

Nữ tiếp viên gọi 1 tháng vừa trải qua là “những ngày không thể quên”. Không chỉ bởi khó khăn khi mắc bệnh, mà còn vì cô gái 29 tuổi đã phải trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc, từ hoảng sợ, đến nhẹ nhõm, rồi lại trống rỗng, hụt hẫng, thậm chí xót xa từ ngày biết tin mình là F1.

Nhớ lại đêm 6/3, Q. và cả tổ bay thức trắng vì quá lo lắng. Lo cho mình thì ít, Q. lo cho những người cô đã gặp rất nhiều. Sau chuyến bay ngày mùng 2, cô đã đi ăn với một vài người bạn, tham gia thêm một số chặng bay. Nếu như cô gặp chuyện, rất nhiều người sẽ bị ảnh hưởng.

Mất một lúc định thần, Q. nhanh chóng báo cáo với phường, lập một nhóm trên mạng xã hội gồm tất cả những người mình gặp gần đây, dặn họ tự cách ly tại nhà. Sau đó, cô khử khuẩn lại toàn bộ phòng ở và sắp xếp đồ đạc, chuẩn bị tinh thần đi cách ly tập trung.

2 đêm chờ đợi kết quả ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, cô gái 29 tuổi cũng bồn chồn tới nỗi không thể ngủ.

L.T.Q. (ngoài cùng bên phải) chụp hình kỷ niệm cùng phi hành đoàn trước 1 chặng bay

Đến khi có kết quả âm tính nCoV và được chuyển sang Bệnh viện Gia Lâm, Q. mới có thể chợp mắt. Q. bảo, cô thấy nhẹ nhõm và hạnh phúc vô cùng.

Những ngày tiếp theo, cô giữ tinh thần thoải mái, mong chờ hết cách ly để trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng dự cảm chẳng lành đến với Q. khi cô bắt đầu cảm thấy sự bất thường trong cơ thể.

Đêm 14/3, ngày Q. một lần nữa được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để làm xét nghiệm, cô gái 29 tuổi cảm thấy mình như bước chân xuống vực.

“Cảm giác hụt hẫng và trống rỗng vô cùng. Trên đường đi, người dân xung quanh dạt xa sang hai bên khi thấy xe cấp cứu. Tôi xót xa lắm, nhưng rồi lại tự động viên cho vui rằng, chắc mình đặc biệt, mọi người như vậy để chào đón thôi”, Q. xúc động kể.

Vì đã chuẩn bị trước tinh thần, khi có kết quả dương tính, nữ tiếp viên không sợ hãi mà chỉ buồn và lo cho những người xung quanh mình.

Bố mẹ Q. ở quê đang đếm từng ngày con gái hết hạn cách ly, bình an trở về. Những tiếp viên cùng phòng chỉ còn vài hôm nữa là “thoát” F1, lại sắp trở thành F1 lần 2. Rồi những người thậm chí cô còn chưa quen mặt ở cùng tòa nhà, cùng dãy phố cũng sẽ phải cách ly.

Ngày khỏi bệnh, Q. bảo, cô vui lắm, nhưng niềm vui lớn hơn cả là cô biết tin tất cả người tiếp xúc gần với mình đều có kết quả âm tính.

Q. theo nghề tiếp viên hàng không đã 5 năm nay. Cô chọn nghề này vì yêu cảm giác được bay lượn trên bầu trời và khám phá những miền đất lạ.

Ngày dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, cô và các đồng nghiệp thường xuyên gặp phải sự kỳ thị do tham gia các chặng bay nước ngoài. Có người vô cớ bị đồn rằng đã dương tính, bị cả khu phố xa lánh. Có người chỉ xuống sân đổ rác cũng bị hàng xóm báo lên phường.

Nhiều người thân khuyên cô, hay tạm xin nghỉ một thời gian cho tới khi dịch bớt phức tạp nhưng cô gái 29 tuổi chọn tiếp tục nhiệm vụ. Q. bảo, nếu ai cũng nghĩ như vậy, thì ai sẽ làm việc này?

Trong các chặng bay, Q. đều trang bị bảo hộ cẩn thận, thậm chí đeo 2 lớp găng tay để an toàn. Sơ suất xảy ra trong suốt chặng bay 13 tiếng giống như một tai nạn nghề nghiệp mà cô không may gặp phải.

“Dù đã trải qua khá nhiều khó khăn, nhưng nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn không thay đổi quyết định. Đã chọn theo nghề, tôi phải có trách nhiệm với nó”, Q. nói.

Tác giả: Nguyễn Liên – Ngọc Trang; Ảnh: Lê Anh Dũng

Nguồn tin: Báo Việt Nam Net

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP