Bạo lực học đường vẫn đang có xu hướng gia tăng |
Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mới đây, khoa Sức khoẻ Vị thành niên của bệnh viện tiếp nhận một trường hợp trẻ gái học cấp 2 vào điều trị trong tình trạng sang chấn tinh thần nặng nề, có ý định tự tử do bạo lực học đường.
Theo lời kể, cháu bé này có tính cách hoà đồng, học lực khá và trước đây không có biểu hiện bất thường tâm lý. Tuy nhiên, một sự cố xảy ra khi có một nhóm bạn cùng lớp cho rằng trẻ nói xấu các bạn. Vì thế, trẻ bị các bạn đánh ở trong và bên ngoài trường. Trẻ bị túm tóc, tát, đấm vào bụng, ngực và lưng, dùng chổi, ghế đánh vào người.
TS.BS Ngô Anh Vinh, Phó Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cháu bé này nhập viện trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, buồn chán, kinh hãi khi nghĩ lại cảnh bị bạn bè đánh đập. Trẻ lo sợ việc tiếp tục đi học sẽ bị bạn bè ở lớp đánh đập và từng có ý định tự tử.
Quá trình điều trị tại khoa Sức khoẻ Vị thành niên, trẻ suốt ngày trẻ chỉ nằm thu mình, cảm giác tự ti và không muốn tâm sự hay trò chuyện với bất kỳ ai. Sau khi thăm khám và làm các trắc nghiệm tâm lý, các bác sĩ và nhà tâm lý đánh giá trẻ bị những sang chấn về tinh thần nặng nề.
Sau một thời gian trị liệu tâm lý, tinh thần của trẻ đã cải thiện hơn. Ngoài ra, trẻ cũng ăn, ngủ tốt hơn nên được ra viện sau đó. Dù vậy, các bác sĩ vẫn lo lắng về những ảnh hưởng tâm lý lâu dài đối với trẻ, đặc biệt khi trẻ đi học trở lại.
Các bác sĩ khuyến cáo, việc phòng chống bạo lực học đường phải được xem là công việc của toàn xã hội, là trách nhiệm của các cơ quan chức năng đặc biệt là gia đình và nhà trường.
Tác giả: Duy Tiến
Nguồn tin: anninhthudo.vn