Trong đợt trao tặng danh hiệu NSND vừa qua, ca sĩ Phạm Phương Thảo thu hút sự chú ý khi là nữ nghệ sĩ trẻ nhất được tặng danh hiệu cao quý đợt 10.
Phạm Phương Thảo từng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Từ năm 2003, cô đầu quân cho Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam và gắn bó đến nay.
Mới đây, nữ ca sĩ đã có những tâm sự chân thành về giải thưởng NSND mà cô vừa được nhận.
Phạm Phương Thảo nhận bằng NSND. |
Ban đầu, tôi cứ bảo "không có em đâu, nhầm rồi"
- Khi nộp hồ sơ xét danh hiệu NSND chị có nghĩ ở tuổi 42 mình sẽ được nhận danh hiệu cao quý này không?
Không phải chỉ riêng mình tôi mà tất cả mọi người nộp hồ sơ đều không ai có thể chắc chắn ở tương lai hết. Cho nên dù mình có cống hiến, có đủ giải thưởng, đủ tiêu chí thì cũng vẫn phải qua rất nhiều vòng xét duyệt.
Khi qua vòng Bộ, tôi được mọi người thông báo là 15/15 phiếu cứ tưởng được rồi nên thông báo về với cha mẹ. Ông bà vui mừng, phấn khởi lắm nhưng sau đó mới biết còn một vòng nữa, lại gọi về cho cha mẹ báo lại (cười).
Thế nhưng khi danh sách phong tặng danh hiệu NSND lần thứ 10 đợt 1 được thông báo và không có tên, tôi bảo với bố mẹ "con trượt rồi". Bố mẹ động viên nói phấn đấu lần sau. Đến lần thông báo đợt 2, cách một khoảng thời gian khá dài và cũng là lúc bản thân không còn chờ đợi, hy vọng nhiều thì thấy bạn bè gọi điện chúc mừng. Ban đầu, tôi cứ bảo "không có em đâu, nhầm rồi".
Bố mẹ ở quê cũng gọi điện bảo: "Con ơi, mẹ thấy có bài báo nói là có nghệ sĩ trẻ nhất là Phạm Phương Thảo được thì có phải là con không?". Lúc đấy, tôi vẫn sợ không phải thì bố mẹ lại buồn nên mới nói là không rõ, sợ trùng tên.
Và phải đến lúc thông tin rộng rãi, bạn bè, báo chí gọi điện, nhắn tin, phải nói như một cuộc "tấn công" trên mạng thì tôi mới bắt đầu thấy hoang mang nhưng vẫn bảo không phải vì chưa nhận được quyết định. Đến khi mọi người chụp ảnh danh sách có mộc đỏ, đúng tên tuổi mình, đơn vị mình công tác thì mới dám tin "à đúng mình rồi".
Gia đình, người thân từ Nghệ An xuống Hà Nội chúc mừng Phạm Phương Thảo trong ngày cô chính thức thành NSND. |
- Với Phạm Phương Thảo thì danh hiệu NSND có ý nghĩa như thế nào?
Có ý nghĩa rất lớn. Đó là sự ghi nhận của Nhà nước đối với công việc của mình. Ý nghĩa thứ hai là cuộc đời của một người nghệ sĩ hay là bất cứ một công việc gì thì đều có định hướng phấn đấu nhất định
Tuy nhiên, khi theo con đường nghệ thuật tôi lại không quá nặng ở việc phấn đấu đạt danh hiệu. Tôi nhớ trong một lần xét danh hiệu NSƯT năm 2016, đơn vị nói tôi làm hồ sơ thú thật tôi không thích đâu bởi lúc đó mình còn trẻ và nghĩ danh hiệu ưu tú nghe nó rất già. Nhưng giám đốc nhà hát nơi tôi công tác bảo đó là quyền lợi và nghĩa vụ không chỉ là danh dự cho cá nhân mà còn là danh của của tập thể.
Đến lúc nhận được quyết định trở thành NSƯT, tôi thông báo cho cha mẹ và thấy họ rất vui mừng, hạnh phúc. Niềm hạnh phúc mà chưa bao giờ tôi nhìn thấy ở họ. Sau đó thì cả dòng họ, mọi người đều tự hào và hãnh diện về tôi. Thấy gia đình cứ loạn lên một thời gian rất dài thế là tôi thay đổi và tự nhủ mình sẽ phải phấn đấu để được NSND để cho cái niềm vui của những người mình yêu thương nhân lên nhiều hơn nữa.
Thế là bắt đầu từ đó, tôi tham gia thi tại các hội diễn, dàn dựng, sáng tác những tác phẩm chất lượng và đạt giải. Sau khi đủ năm cống hiến thì làm hồ sơ như yêu cầu của nhà hát và đến đượt thì tôi nộp hồ sơ.
NSND Phạm Phương Thảo. |
Tôi cực kỳ may mắn, may mắn ở một bậc cao hơn hẳn
- Có rất nhiều nghệ sĩ phải đến 60 tuổi hay gần 90 tuổi thậm chí là mất đi rồi mới được truy tặng NSND trong khi Phạm Phương Thảo năm nay mới 42 tuổi. Tò mò chút là sau khi được danh hiệu NSND rồi thì mục đích trong con đường sự nghiệp sắp tới của chị sẽ như thế nào? Chị còn đang muốn chinh phục điều gì nữa?
Từ trước đến giờ bản tính của tôi là một người rất tự trọng và đã làm thì phải làm cho đến nơi đến chốn thôi. Còn đã không làm thì tôi ngồi im.
Với danh hiệu NSND tôi không nghĩ và đặt áp lực cho mình quá nhiều đâu nhưng tôi cũng ý thức được rằng không phải mình nhận danh hiệu là để nghỉ hưu hay mang tấm bằng đó để khoe tôi là NSND. Tôi phải có tự trọng của một người nghệ sĩ và tự trọng của một con người thì nhất định sẽ phải làm cái gì tiếp theo trong tương lai.
Tuy nhiên có một điều làm cho tôi rất trăn trở đó chính là tình hình kinh thế đang rất thảm hại, làm nghệ thuật bây giờ không có tiền thì không làm được nên tôi không dám nói nhiều. Thật sự thì trong nhiều năm qua tôi cũng là người sống khá an phận, khá tự tại và không thích làm việc nhiều. Cho nên việc để khán giả lâu lâu mới nhìn thấy một bài hát của mình thì có vẻ cũng đã, đang lãng phí sức sống trong âm nhạc của mình.
Thực ra nó luôn luôn sống và luôn luôn mạnh mẽ, chỉ có điều tôi làm cái gì cũng muốn làm đến nơi đến chốn nên rất mất thời gian và tốn kém đâm ra là bây giờ không dám nói cái gì to tát. Tôi chỉ muốn có một đợt thu thanh để cho khán giả được nghe giọng hát của tôi ở hiện tại nhiều hơn.
- Chị là tuýp người không bon chen nhưng lại quá may mắn trong sự nghiệp. Cảm giác như con đường của chị trải quá nhiều hoa hồng?
Nếu để nhìn mình và nhìn những người xung quanh thì đúng là như vậy. Ngay từ ngày xưa đi học, tôi đã thấy có rất nhiều anh chị cùng lớp hát hay lắm, giọng rất hay nhưng họ thiếu cái duyên với nghề cho nên cứ thi cử thì tôi lại được giải cao hơn.
Hay khi tiếp cận với công chúng thì hình ảnh của tôi có vẻ cũng dễ dàng đến gần hơn. Nhiều khi còn tự nghĩ sao mình may mắn thế. So với nhiều người tôi cực kỳ may mắn, may mắn ở một bậc cao hơn hẳn (cười).
Có lẽ vì thế mà tôi không muốn bon chen nữa. Cuộc sống của tôi rất an nhiên, tự tại và điều này có từ ngày trẻ rồi.
Tác giả: Thu Văn
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn