Bỏ doanh nghiệp gắn bó với ngân hàng
Để đáp ứng quy định trong Luật các TCTD mới, nhiều đại gia đã quyết định “dứt áo ra đi” khỏi chính doanh nghiệp con cưng của mình để ở lại đảm nhiệm vai trò điều hành ngân hàng.
Ông Đỗ Minh Phú, nói lời tạm biệt vị trí đứng đầu Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji để nắm ghế Chủ tịch Ngân hàng TMCP Tiên phongBank.
|
Tương tự, ông Hồ Hùng Anh tạm biệt Masan, chọn làm Chủ tịch HĐQT của Techcombank. Bà Thái Hương từ nhiệm vị trí Chủ tịch của Tập đoàn TH để làm phó Chủ tịch của Ngân hàng Bắc Á.
Trong khi đó, ông Dương Công Minh chọn vị trí Chủ tịch HDDQT của Sacombank thay vì Chủ tịch của Him Lam.
Sếp lớn rời bỏ ngân hàng
Một số doanh nhân chọn doanh nghiệp thay vì đứng đầu các ngân hàng. Bà Nguyễn Thị Nga rời "ghế” Chủ tịch SeABank sau 11 năm ngồi “ghế nóng” SeABank trên cương vị Chủ tịch HĐQT. Bà Nga lui về giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực HĐQT của SeABank kể từ ngày 12/4.
Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng An Bình (ABBank), đã quyết định trao lại chiếc ghế chủ tịch. Đổi lại, ông Tiền sẽ tiếp tục làm chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco. Tên tuổi của ông Tiền đã gắn với Geleximco từ những năm tháng rất lâu trước khi ông “bén duyên” với An Bình.
Một người ra đi nữa nhưng không mấy để lại sự ồn ào đó là trường hợp của bầu Thắng tại ngân hàng Kiên LongBank.
Vợ đại gia cà phê bị đòi bồi thường 1.709 tỷ
Trung Nguyên IC, một thành viên của Tập đoàn Trung Nguyên đã khởi kiện bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang, buộc bà Thảo chấm dứt hành vi sử dụng trái phép chi nhánh Trung Nguyên IC tại Bắc Giang để sản xuất sản phẩm King's Coffee và đòi bà Thảo bồi thường 1.709 tỷ đồng.
|
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo, vợ vua cafe cho rằng, có bốn cơ sở pháp lý cho thấy nội dung đơn khởi kiện của Trung Nguyên IC không có cơ sở pháp lý, chứng cứ và vi phạm Bộ luật Tố tụng Dân sự. Vấn đề quan trọng là ông Đặng Lê Nguyên Vũ không phải là người đại diện hợp pháp tại Trung Nguyên IC để kiện bà.
Đấu giá tài sản nữ đại gia Phú Yên
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam vừa thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Công ty cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 cá nhân liên quan. Tổng dư nợ gốc và lãi vay đến cuối năm ngoái là 2.278 tỷ đồng.
Thuận Thảo Nam Sài Gòn là doanh nghiệp do bà Võ Thị Thanh - Chủ tịch HĐQT Thuận Thảo, thành lập từ năm 2004 với mục tiêu lấn sân bất động sản sau thành công vang dội trong lĩnh vực vận tải hành khách.
Bà Võ Thị Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thuận Thảo, là một trong những nữ doanh nhân nổi tiếng. Bà từng được tôn vinh vì nỗ lực vượt qua phận nghèo, xây dựng Thuận Thảo thành công ty nghìn tỷ. Với những thành tích đạt được, bà Thanh được vinh danh là “Bông hồng vàng”.
Ông chủ Six Senses Ninh Vân Bay kinh doanh 'bết bát'
Nắm trong tay các dự án nghỉ dưỡng cao cấp với kết quả kinh doanh cao, nhưng bản thân Ninh Vân Bay lại kinh doanh ngày càng bết bát. Doanh thu của công ty gần như không tăng trưởng, chỉ trong khoảng 200 tỷ đồng mỗi năm và lợi nhuận thất thường, khi lãi khi lỗ. Đáng chú ý, năm 2017 vừa qua Ninh Vân Bay báo lỗ tới 440 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2017, lỗ lũy kế của Ninh Vân Bay là 690 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ công ty là 905 tỷ đồng. Như vậy, lỗ lũy kế đã ăn mòn 3/4 vốn của công ty. Giá trị tài sản của công ty chỉ còn 535 tỷ đồng so với mức hơn 1.300 tỷ đồng hồi đầu năm.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của Ninh Vân Bay thuộc nhóm "trà đá", với mức giá chỉ khoảng 4.500 đồng/cổ phiếu. Năm 2018, Ninh Vân Bay dự kiến đạt doanh thu 245 tỷ đồng và có lãi trở lại khoảng 35 tỷ đồng.
Công ty do ông Lê Xuân Nghĩa làm chủ tịch sắp lên sàn
Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Trường Giang có vốn điều lệ 260 tỷ đồng, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa nắm giữ 10% vốn. Ông Nghĩa là tiến sỹ kinh tế và được giới thiệu là có gần 30 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ và ngân hàng trong đó nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực kinh tế nhà nước.
|
Ông cũng từng là Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả - Ban Vật giá Chính phủ, Vụ trưởng Vụ chiến lược phát triển ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia , Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia,...
Ông Nghĩa cũng từng nổi danh khi nhận án phạt của UBCKNN khi bán chui quyền mua cổ phiếu NHP.
Sếp FPT Retail kể "khổ" làm đại lý của Apple
Ông Ngô Quốc Bảo - Giám đốc Phát triển Kinh doanh kiêm Thương mại Điện tử của FPT Retail: "Anh em làm việc nói hẳn ra là họ 'chảnh'. Apple có mức độ yêu cầu khó khăn cao hơn hết tất cả các đối tác khác. Ngày xưa khi nộp hồ sơ đi đi lại lại để trở thành APR (Apple Premium Reseller), anh em nói đùa với nhau là còn khó hơn đi xin việc.
Lúc đó, Apple không nói chuyện hỗ trợ kinh phí, mình phải đi submit (đệ trình). Họ thấy OK thì mới hợp tác với mình. Ở thời điểm 2012, FPT Retail là công ty đầu tiên lấy được license Apple Premium Reseller ở Việt Nam với thời gian kỷ lục chỉ sau 3 tháng đàm phán".
Sếp điện lực lên chức làm Thứ trưởng
Thủ tướng Chính phủ ký quyết định bổ nhiệm có thời hạn ông Đặng Hoàng An, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giữ chức Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Tháng 6/2015 ông Đặng Hoàng An khi ấy là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam được giữ chức vụ Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ông Đặng Hoàng An là người kế nhiệm ông Phạm Lê Thanh - Thành viên HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghỉ chế độ.
|
Bác thông tin bộ trưởng sở hữu biệt thự siêu đẹp ở Vườn Đào
Bộ Công Thương vừa gửi công văn hỏa tốc tới Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định thông tin Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sở hữu một biệt thự ở Vườn Đào, Hồ Tây, Hà Nội là bịa đặt.
Trong công văn hỏa tốc do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng ký sáng 18/5, Bộ Công Thương khẳng định thông tin trên "là hoàn toàn bịa đặt, sai sự thật, nhằm bôi nhọ uy tín, danh sự của cá nhân bộ trưởng".
Khu biệt thự Vườn Đào nằm tại quận Tây Hồ (Hà Nội) nằm gần các trục đường lớn là Võ Chí Công và Lạc Long Quân. Đây được coi là một trong những khu đô thị quý tộc.
Tác giả: Bảo Anh (Tổng hợp)
Nguồn tin: Báo VietNamNet