Kinh tế

Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường

Nông nghiệp đang bị dồn tới chân tường và nếu không thay đổi thì không thể nào thoát ra được. Nông nghiệp mà bế tắc sẽ dẫn đến cả nền kinh tế chết theo.

Đó là lời cảnh tỉnh của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong cuộc trò truyện cùng bà với chủ đề: “Từ báo cáo Việt Nam 2035: Nghĩ về con đường chuyển đổi Nông nghiệp Việt Nam”.

Cuộc trò truyện thu hút được rất nhiều sự quan tâm.

Đã đến lúc phải chọn một con đường khác để đi

Nông nghiệp Việt Nam hiện nay, theo Báo cáo Việt Nam 2035, đang đứng trước ngã 3 đường. Điều đó có nghĩa là đã đến lúc chúng ta phải chọn một con đường khác để đi, không thể cứ “nhùng nhằng” đứng ở giữa được nữa.

Nguyên nhân là bị cạnh tranh về nguồn nhân lực, về đất, về nước do quá trình đô thị hóa và phát triển công nghiệp, dịch vụ cũng như hạ tầng ở Việt Nam đã lấy đi rất nhiều đất và nguồn nước của nông nghiệp.

Thứ hai là chi phí tăng lên, giá đầu vào cũng tăng liên tục khiến cho năng lực cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam bị giảm sút đi qua việc sử dụng quá mức vật tư và tài nguyên.

Thứ ba là cơ hội và thách thức rất lớn trên thị trường quốc tế hiện nay, nó đòi hỏi chúng ta phải tạo ra những sản phẩm được tin cậy, có chất lượng, an toàn cho người sử dụng và bền vững.



Đó là những yếu tố quyết định về khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trong tương lai. Việt Nam không thể đứng vững trong top 5 nước xuất khẩu nông phẩm nếu nông phẩm của chúng ta không đáng tin cậy, chất lượng không đạt chuẩn, không an toàn cho người tiêu dùng hoặc nó không mang tính chất bền vững.

Có rất nhiều nước đã lấy tiêu chí bền vững vào yêu cầu nhập khẩu và người tiêu dùng ở các nước tiên tiến có quyền từ chối sản phẩm từ những nơi được cho là làm bẩn hoặc là làm theo kiểu bóc lột người lao động. Tất cả các tiêu chí như công bằng, bao dung hay sạch đều được đã đưa vào các cam kết về hội nhập, bà Lan cho biết thêm.

Ý nghĩa xuyên suốt của Báo cáo Việt Nam 2035 là phải tăng giá trị và giảm đầu vào. Giảm bớt đi các yếu tố thừa thãi gây ô nhiễm, gây vấn nạn cho xã hội để tăng giá trị, tăng chất lượng làm cho mọi thứ tốt đẹp hơn và mọi người được hưởng lợi nhiều hơn. Thông điệp của “tăng giá trị, giảm đầu vào” là phải thay đổi chính sách ở cấp ngành Nông nghiệp và cả ở cấp quốc gia.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, hướng tới tương lai của năm 2030, nông nghiệp Việt Nam phải phát triển thành một hệ thống kinh doanh nông nghiệp hiện đại. Đây là một cách tiếp cận mới, xưa nay chúng ta chỉ nói tới việc sản xuất nông nghiệp chứ chưa đề cập tới kinh doanh nông nghiệp. Tỉ trọng của nông nghiệp ở khâu sản xuất giảm xuống chỉ còn đóng góp từ 8-9% của tổng GDP, nhưng kinh doanh nông nghiệp không giảm xuống mà còn đóng góp tới 15% của GDP.

Như vậy, 1/4 GDP của Việt Nam vẫn được tạo ra từ nông nghiệp, gồm cả hai khâu là sản xuất nông sản và kinh doanh nông nghiệp. Hiện nay, theo thống kê chính thức, nông nghiệp đã đóng góp khoảng 22% của GDP cho nên trong thời điểm cuối năm sắp tới đây sẽ có sự tăng trưởng, bà Lan cho biết.

Bà Lan cũng cho rằng, không chỉ phát triển kinh doanh nông nghiệp mà cần phải thay đổi cả cách sử dụng đất, cần tổ chức lại sản xuất và chuỗi giá trị cho nông nghiệp thay đổi. Nên chuyển đổi 1/3 đất trồng lúa hiện nay (khoảng 3,8 triệu ha đây là con số cứng mà Nhà nước đã giữ gần 10 năm qua) sang cho canh tác các ngành nông nghiệp khác, hoặc các dịch vụ sinh thái nông nghiệp.

Bà Chi Lan cho rằng, nông nghiệp Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc trong một phần tư thế kỉ vừa qua, để đưa Việt Nam là một trong năm nước xuất khẩu nông phẩm hàng đầu trên thế giới. Đây là một điều đáng tự hào khi các sản phẩm của chúng ta như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản,...trở thành những mặt hàng lớn.

Thế nhưng, hiệu quả, chất lượng, năng suất và phúc lợi cho nông dân lại thấp. Số lượng tăng nhanh nhưng hiệu quả của nông nghiệp lại thấp, chúng ta chủ yếu là xuất khẩu thô và không làm được gì hơn. Hiện nay, việc xuất khẩu thô lại cũng đang gặp khó khăn do không đạt được những tiêu chuẩn về chất lượng.

Giải pháp

Những vướng mắc lớn nhất hiện nay của nền nông nghiệp Việt Nam được bà Lan nêu ra là đất và nước. Trong các nước ở khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam là nước mà có diện tích đất trên đầu người nông dân thấp nhất trong khu vực, trong đó vùng đồng bằng Bắc Bộ là nơi thấp nhất. Khan hiếm nước cũng đang dần thể hiện rõ ở trên toàn thế giới, khoảng 15 năm nữa lượng nước cung cấp sẽ chỉ còn 65% hiện nay.

Các thách thức đối với nền nông nghiệp nước nhà có thể sẽ nổi lên như dân số làm nông nghiệp già hóa, khó giữ các tài năng trẻ yêu thích nông nghiệp, tác động từ phát triển công nghệ, nhiều thảm họa môi trường, tranh chấp tài nguyên nước và biển trong khu vực.

Các giải pháp trong Báo cáo Việt Nam 2035, để đổi mới nông nghiệp là thực hiện phương châm “nhiều hơn từ ít hơn”, phải đạt được những lợi ích kinh tế rộng lớn hơn trong khi sử dụng ít hơn các đầu vào, chuyển đổi sang thực hành sản xuất nông nghiệp dựa vào tri thức và cần “tăng kiến tạo, giảm chỉ đạo” của Nhà nước.

Cũng trong báo cáo này, để tạo môi trường phát triển nông nghiệp theo định hướng thị trường cần phải bảo hộ được quyền tài sản cho người nông dân như quyền sử dụng đất, nước và sở hữu trí tuệ của những người làm ra các phát kiến về nông nghiệp.

Phải sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước vì các doanh nghiệp này đang sử dụng quá nhiều đất nông nghiệp. Nên để các khu vực tư nhân tiến hành phát triển thị trường dịch vụ nông nghiệp và các dịch vụ như hậu cần, viễn thông, tài chính,...

Các chính sách thương mại và hoạt động đối ngoại cần Nhà nước phải làm để tìm thị trường như việc kí kết nhiều hơn các hiệp định thương mại tự do FTA để mở cửa cho nông sản và giải quyết được các vấn đề xuyên biên giới như nguồn nước của sông Mekong.

Đổi mới thể chế về đất nông nghiệp chính là điều quan trọng nhất trong Báo cáo, đây là nút cơ bản cho phát triển nông nghiệp trong thời gian tới. Đổi mới ở đây là phải tích tụ được đất, nếu đất phân tán manh mún thì không có cách gì phát triển.

Bà Chi Lan cho rằng, cần có 1 thị trường giao dịch đất nông nghiệp với quy mô lớn thì mới có thể tăng khả năng tích tụ đất và thông qua thị trường đó người nông dân cũng có thể giữ được đất đai của mình. Nếu không có thông điệp từ thị trường, người nông dân cứ luôn đứng trước tình thế bị Nhà nước thu hồi đất mà không có quyền đàm phán thì rất khó.

Thị trường sẽ là kênh cho nông dân có quyền đàm phán, có tiếng nói của mình nhằm bảo vệ quyền của mình về đất đai đảm bảo thời hạn thuê đất và giao đất đủ dài để người nông dân làm và linh hoạt chuyển từ đất lúa sang đất khác. Việc cần làm trong tương lai là trao quyền sử dụng đất cho nông dân và các doanh nghiệp làm nông nghiệp.

Chuyên gia Phạm Chi Lan đã nhấn mạnh, thúc đẩy được nông nghiệp phát triển sẽ tạo động lực cho tăng trưởng hoặc là một mô hình mới, cách đi mới cho sự hồi phục và phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.

Tác giả bài viết: Thế Hưng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP