Giáo dục

Niềm tin lớn vào đổi mới giáo dục

Theo dõi Hội nghị tổng kết năm học 2015 - 2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016 - 2017, các thầy cô giáo, cán bộ quản lý thể hiện niềm tin mạnh mẽ vào những thành công trong đổi mới giáo dục thời gian tới.

Chất lượng giáo dục đã chuyển biến theo hướng toàn diện
image002 bsjx
Cô Nguyễn Thị Kim Hương bên học sinh đạt giải thưởng của mình

Cô Nguyễn Thị Kim Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lạc Long Quân (quận 11, TPHCM) nhìn nhận như vậy khi đánh giá về những chuyển biến trong đổi mới của Ngành trong năm học 2015-2016.

Theo cô, năm học vừa qua tinh thần đổi mới đã mang lại nhiều tín hiệu vui. Việc nâng cao chất lượng giáo dục luôn gắn với đổi mới quản lý, phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh. Do đó, việc tự kiểm tra, tự đánh giá được các đơn vị thực hiện nghiêm, mang lại hiệu quả thiết thực.

Các chương trình, đề án về đổi mới giáo dục được thực hiện hiệu quả và nhân rộng trên cả nước. Chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh ngày càng được nâng cao.

Thông qua báo cáo tổng kết năm học được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng trình bày tại Hội nghị, điều khiến cô ấn tượng nhất chính là công tác kiểm tra, đổi mới, đánh giá học sinh theo hướng phát triển năng lực đang ngày càng đậm nét. Các trường học tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng đã và đang thực hiện rất tốt hướng đi này.

“Việc đổi mới mô hình dạy học theo hướng mở, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học đang là điểm nổi bật, rõ nét nhất trong tiến trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục của ngành.

Ngoài việc tập trung đẩy mạnh và nâng chuẩn đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, năm học vừa qua tại TPHCM nói riêng các tỉnh thành địa phương nói chung (các trường học) đã tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học theo định hướng phát triển, khơi mở năng lực học sinh một cách mạnh mẽ. Chính điều đó góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục bậc Tiểu học, THCS và THPT” - Cô Hương đánh giá.

Với những đổi mới mạnh mẽ trong nhà trường ở mọi bậc học, việc xem đội ngũ GV, cán bộ quản lý là điểm mấu chốt để đổi mới giáo dục mà Bộ GD&ĐT đã và đang theo đuổi, định hướng cho các kế hoạch, chiến lược đổi mới trong giai đoạn tới, cô Hương tin tưởng vào sự thắng lợi của Ngành trong tiến trình đổi mới và hội nhập.

“Với những bước đi mạnh mẽ, lộ trình đổi mới cụ thể, sự quyết liệt với một niềm tin mạnh mẽ từ lãnh đạo Bộ GD&ĐT, tôi có niềm tin rất lớn vào con đường mang tên đổi mới”- Cô Hương chia sẻ. (Anh Tú)

Nắm chắc tinh thần đổi mới

image003 xisr
Học sinh tại trường TH Lục Dạ 2 (Con Cuông, Nghệ An) - trường được thụ hưởng chường trình SEQAP

Theo dõi Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2015 - 2016, bà Võ Thị Tuyết Chinh - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương - chia sẻ: Tôi và các cán bộ giáo viên khác đã tiếp thu nhanh và nắm rõ tinh thần của Bộ và ngành về nhiệm vụ năm học mới.

Huyện Tương Dương là huyện miền núi rộng nhất tỉnh Nghệ An, với nhiều xã đặc thù như: vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, các xã biên giới...

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất khi bước vào năm học mới là công tác tuyên truyền, động viên các em học sinh tới lớp đúng thời gian, độ tuổi, đặc biệt là các em vào lớp 1.

Thời gian qua, ngay trong dịp hè, Phòng GD&ĐT cũng đã tổ chức các đợt tập huấn cho cán bộ giáo viên trong đó có bổ trợ, nâng cao năng lực giáo viên yếu, bồi dưỡng giáo viên giỏi để làm các hạt nhân chuyên môn của mỗi trường.

Bởi mặc dù hầu hết các giáo viên đã đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn, nhưng khi về công tác ở các vùng đặc thù, với đối tượng học sinh đặc thù, thì cần có phương pháp giảng dạy phù hợp, kết hợp với quan tâm, chia sẻ, gần gũi với học sinh.

Còn ông Hồ Anh Tài - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Con Cuông - chia sẻ: Tôi nhất trí cao với báo cáo tổng kết năm học cũ, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học mới của Bộ. Về phía tỉnh Nghệ An, tôi cũng đồng tình với ý kiến tham luận của Phó chủ tịch UBND tỉnh - đồng chí Lê Minh Thông.

Vấn đề tổ chức bán trú là đặc biệt quan trọng, có tác dụng tích cực, nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là đối với các huyện miền núi.

Những năm qua, công tác tổ chức bán trú cho học sinh trên địa bàn, chú trọng tổ chức bán trú đối với cấp THCS. Bởi đến cấp học này, các em bắt đầu đi học xa nhà hơn. Vì thế, nếu không tổ chức bán trú, dễ dẫn đến tình trạng các em ngại đi học xa vất vả, và nghỉ học ở nhà.

Hiện nay, Con Cuông đã có nhiều trường THCS tổ chức bán trú tốt như: THCS Thạch Ngàn, THCS Mậu Đức...

Đối với bậc tiểu học, ngoài các trường được chương trình SEQAP hỗ trợ, chúng tôi cũng đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày trên toàn huyện, và vận động xã hội hóa để tổ chức bán trú ăn trưa cho học sinh. (Hồ Lài)

Sức bật đổi mới thực sự rõ nét

image006 lxvs
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Liêu

Đó là nhìn nhận của Thạc sĩ Nguyễn Hồng Liêu - Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý TPHCM - về công tác đổi mới phát triển của ngành giáo dục trong năm học vừa qua.

Theo Thạc sĩ Liêu, Hội nghị Tổng kết năm học năm nay đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ cả hệ thống chính trị thông qua hình thức trực tuyến. Cụ thể, các đồng chí Chủ tịch, Phó chủ tịch các tỉnh thành, TP đều tham dự. Đây là điều hết sức vui mừng.

Với những thành công đạt được, những gì đã thể hiện trong quản lý và điều hành của Bộ GD&ĐT trong thời gian qua, Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM tin tưởng ngành Giáo dục sẽ có những bước đột phá mạnh mẽ khi vị tư lệnh Ngành là người tâm huyết và quyết liệt.

Trong đó, điều đặc biệt khiến thạc sĩ Nguyễn Hồng Liêu kỳ vọng và đặt trọn niềm tin chính là việc Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã quan tâm rất nhiều đến đội ngũ cán bộ quản lý, khi Bộ trưởng xem đây là một trọng hai nhiệm vụ trọng tâm, là “chìa khóa” để hướng đến sự đổi mới cho toàn ngành.

“Đột phá chỉ có thể đến khi người đứng đầu dám dấn thân và quyết liệt” - Thạc sĩ Liêu nói.

Gửi gắm kỳ vọng, niềm tin đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Thạc sĩ Nguyễn Hồng Liêu mong muốn với những định hướng đúng đắn, chính sách đổi mới mà Bộ GD&ĐT đang hướng đến, vị Phó hiệu trưởng kỳ vọng ngành Giáo dục sẽ sớm xây dựng được một đội ngũ cán bộ quản lý chuẩn, từng bước vươn lên tầm quốc tế.

Và để làm được điều đó, theo cô không cách gì khác đội ngũ cán bộ quản lý cần tiếp tục được đầu tư, đào tạo một cách bài bản song song với việc phát triển, nâng chuẩn đội ngũ giáo viên trong toàn ngành.

“Chỉ có nâng cao công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý một cách thường xuyên. Tập trung đào tạo vào những kỹ năng quản lý cụ thể-chứ không phải yêu cầu về mặt lý thuyết hàn lâm thì việc đổi mới giáo dục mới mạnh mẽ và hiệu quả”- Thạc sĩ Liêu nói. (Anh Tú)

Phấn khởi trước sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo với ngành Giáo dục

Thầy Đỗ Minh Lợi - Giáo viên Trường THPT Hồng Hà (TPHCM) - chia sẻ: Theo dõi Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học, thấy có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng tôi rất phấn khởi. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với ngành Giáo dục nước nhà.

Là giáo viên THPT, tôi cũng đồng tình với báo cáo mà Bộ GD&ĐT đã nêu về những mặt đạt được, những hạn chế cũng như giải pháp mà Bộ đưa ra liên quan đến bậc học phổ thông.

Riêng tôi đánh giá cao về kỳ thi THPT quốc gia vừa qua đã tạo thuận lợi cho thí sinh về mọi mặt. Còn về đề thi phân hóa rất cao, từ đó đáp ứng yêu cầu về việc xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ. Hiện các em vừa xem điểm thi xong và bước vào xét tuyển đợt 1 cũng rất là thuận lợi, không gặp những hạn chế như năm ngoái.

Tôi cũng rất hi vọng, năm học tới kỳ thi của chúng ta sẽ tiếp tục thành công hơn nữa và cũng mong lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh thành, các ban ngành tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến thu nhập của giáo viên. (Phan Nga)


Tác giả bài viết: Nhóm PV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP