Chiều 6/6, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án tham ô tài sản xảy ra tại công ty CP bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) chấm dứt phần tranh luận. Trước khi Tòa nghỉ nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng.
Trong lời nói sau cùng, bị cáo Nguyễn Thị Kim Thoa (nguyên kế toán trưởng công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5 và công ty cổ phần Minh Ngân) giữ nguyên quan điểm cho rằng mình không phạm tội Tham ô tài sản, có chăng bị cáo chỉ phạm tội Không tố giác tội phạm.
Bị cáo Thái Kiều Hương (nguyên Phó TGĐ công ty cổ phần đầu tư Vietsan) và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (kinh doanh tự do) mong được HĐXX cấp phúc thẩm xem xét các tình tiết để cho họ có được sự công bằng. Các bị cáo này cũng xin được giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình.
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. |
Bị cáo Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà), em trai ông Đinh La Thăng cảm ơn HĐXX, VKS đã cho bị cáo cơ hội được trình bày thêm những tình tiết bảo vệ mình.
Bị cáo mong HĐXX xem xét lại hành vi của bị cáo để định tội cho phù hợp, mong HĐXX công tâm, khoan hồng giảm nhẹ cho bị cáo sớm được trở về với xã hội, với gia đình.
Bị cáo Thắng trình bày: Bị cáo rất ân hận, ăn năn vì khi cha bị cáo mất, bị cáo chưa được về thắp cho cha một nén hương. Bị cáo chỉ mong được một lần về chịu tang, thắp hương cho cha. Bị cáo được cha rất thương yêu mà không được chịu tang cha, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ tội.
Trước đó, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm vụ làm mất 800 tỷ tiền vốn của PVN tại Oceanbank hồi tháng 3, được nói lời sau cùng, ông Thăng cũng bày tỏ nỗi đau giống em trai.
Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa sơ thẩm. |
Ông Đinh La Thăng trình bày trong lời nói sau cùng: Bị cáo cảm ơn các cấp lãnh đạo, ban ngành, bạn bè, người thân, người dân đã chia buồn về sự ra đi của bố bị cáo. Ông đã mất trong tam trạng đau buồn u uất. Nếu không có những vụ án như thế này, bố bị cáo đã không ra đi sớm và đột ngột như thế.
Gia đình bị cáo rơi vào tột cùng đau thương, mất mát. Bị cáo trở thành người con bất hiếu vì khi bố mình mất đã không được ở nhà để lo tang lễ và đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Điều này thật sự là nỗi ám ảnh, day dứt suốt cuộc đời còn lại của bị cáo trong tù.
Trước ngày lễ viếng bố bị cáo, bị cáo luôn ám ảnh và thấy hình ảnh ông cụ hiện về. Bị cáo đã xin phép để được về nhìn mặt bố lần cuối nhưng không được phép. Đây là nỗi ám ảnh, day dứt... Bị cáo không được thắp nén hương trước vong linh của ông. Trước mức án quá nặng nề, bị cáo không còn cơ hội nào nữa.
Sáng mai, HĐXX sẽ tuyên án.
Tác giả: T.Nhung
Nguồn tin: Báo VietNamNet