1. Tích tụ giấy lộn
|
Dù là tạp chí, báo, bài tham luận,... miễn là chúng đã cũ hoặc không còn giá trị sử dụng, đừng để chúng có xu hướng chất đống thành từng chồng bởi vì điều này gây nên sự lộn xộn và bừa bộn cho không gian của căn nhà. Để giảm thiểu điều này, bạn nên vệ sinh và dọn dẹp, sắp xếp chúng theo định kỳ, hoặc có máy hủy tài liệu, thùng rác tái chế để giấy tờ không bị ùn ứ quá nhiều. Ngoài ra, thói quen đọc sách, báo trực tuyến cũng là cách giảm thiểu tích trữ giấy trong nhà.
2. Để khăn ướt hoặc rèm phòng tắm quấn lại
|
Đừng để rèm phòng tắm ướt bó lại hoặc khăn ẩm chất thành đống trên sàn nếu bạn không muốn biến nơi đây tràn ngập mùi hôi và mùi ẩm mốc. Đây có thể là một thói quen xấu cần được sửa đổi để giữ không gian của phòng tắm luôn được khô thoáng. Sẽ không mất thời gian để đóng rèm phòng tắm sau mỗi lần sử dụng, rèm sẽ nhanh khô hơn và ngăn nấm mốc, vi khuẩn xấu phát triển. Bằng cách treo khăn ướt ở nơi thoáng cho khô, bạn sẽ luôn cảm thấy chúng thơm tho, sạch sẽ.
3. Sử dụng quá nhiều chất tẩy rửa
|
Nhiều người có thói quen sử dụng nhiều chất tẩy rửa cùng một lúc với suy nghĩ điều đó sẽ đem lại hiệu quả nhanh hơn mong muốn đồ vật được sạch nhanh nhất có thể. Trên thực tế, các nhà khoa học khuyến cáo không nên sử dụng một lượng chất tẩy rửa quá nhiều tại một thời điểm. Thay vào đó, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và luôn dùng đúng lượng được khuyên dùng để đảm bảo an toàn sức khỏe.
4. Không vệ sinh dụng cụ lọc cặn, bẩn
|
Đã bao giờ bạn tự hỏi, liệu túi lọc trong máy giặt, bộ lọc chân không, túi hút bụi,... chứa đầy bụi, nó sẽ còn hoạt động tốt trong việc làm sạch hay không? Thực tế, không phải ai cũng có thói quen làm sạch những món đồ ấy thường xuyên. Nếu không dọn dẹp định kỳ và bạn vẫn tiếp tục sử dụng những món đồ ấy thì căn nhà của bạn sẽ chỉ thêm bám bụi, đầy vi khuẩn.
5. Ngâm bát đĩa bẩn vào bồn rửa quá lâu
|
Nhiều người có thói quen ngâm bát, đũa bẩn trong cùng một chậu nước vài tiếng hoặc thậm chí cả một ngày dài. Để bát đĩa bẩn trong bồn rửa là nơi sản sinh hoàn hảo của vi khuẩn có hại. Vì thế, hãy từ bỏ thói quen ấy và tập cho bản thân, gia đình luôn rửa bát ngay sau khi ăn để tránh tích tụ nấm mốc, vi khuẩn cho không gian nhà bếp.
6. Tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh không đúng cách
|
Thông thường, nhiều gia đình không có thói quen bảo quản riêng và phân chia rõ ràng thức ăn chín - sống, rau - củ - quả,... Tuy nhiên, chính thói quen xấu này lại tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn vì chúng chủ yếu sinh ra ở môi trường ẩm ướt do sự lây nhiễm chéo giữa các thực phẩm. Để bảo đảm cho sức khỏe và tránh tình trạng nhiễm khuẩn chéo, ngoài việc thường xuyên lau dọn tủ thường xuyên, bạn cũng nên sắp xếp những ngăn riêng biệt để phân biệt thịt và thực phẩm tươi sống, rau sạch, hoa quả, đồ ăn đã chế biến. Ngoài ra, đừng quên vứt những món đồ không sử dụng và dọn dẹp không gian tủ mỗi ngày.
7. Sắp xếp các sản phẩm tẩy rửa không đúng cách
|
Sở thích và thói quen mua những món đồ tẩy rửa với nhiều công dụng không phải là xấu, nhưng nếu bạn không biết sắp xếp gọn gàng thì điều này có thể khiến căn nhà của bạn ngập tràn trong mớ hỗn độn. Hãy tập hợp các vật dụng làm sạch cho từng khu vực trong nhà và cất chúng ở gần khu vực đó để tiện cho việc sử dụng. Và tất nhiên, đừng quên những món đồ này nên được cất giữ ở khoảng cách an toàn và tránh xa vòng tay của trẻ em.
8. Chờ đợi cho đến khi nhà quá bẩn mới dọn dẹp
|
Dọn dẹp và chờ đợi cho đến khi công việc trở nên quá tải là một trong những thói quen xấu khó bỏ nhất. Hầu hết chúng ta có tâm lý là tránh phải dọn dẹp càng lâu càng tốt. Nhưng nếu bạn bạn có thói quen dọn dẹp từng chút mỗi ngày, thì việc dọn dẹp toàn bộ ngôi nhà sẽ trở nên nhẹ nhàng và không quá mất nhiều sức./.
Tác giả: CTV Bảo Linh
Nguồn tin: Báo VOV