Tìm hiểu các thông tin tuyển sinh 2019 |
Về nội dung thi, theo quy chế vừa sửa đổi, nội dung thi nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Trước đó, quy chế quy định: năm 2017, nội dung thi nằm trong chương trình lớp 12 THPT; năm 2018, nội dung thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT; từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong chương trình cấp THPT.
Thí sinh tự do được xếp chung phòng thi với các thí sinh khác: Trước đây, thí sinh tự do được xếp phòng thi riêng ở một hoặc một số điểm thi, thí sinh GDTX được bố trí phòng thi riêng khi dự thi bài thi Khoa học xã hội. Theo quy chế được sửa đổi, bổ sung, thí sinh tự do, thí sinh học chung chương trình GDTX được bố trí dự thi chung với thí sinh học chương trình giáo dục THPT là học sinh lớp 12 trong năm tổ chức thi tại một số Điểm thi do Giám đốc sở GD-ĐT quyết định.
Quy trình ra đề thi với các khâu: soạn thảo đề thi, thẩm định, tinh chỉnh; phản biện đề được sửa đổi, bổ sung theo hướng chặt chẽ hơn. Các đề thi được tổ chức phản biện độc lập.
Giám sát chặt chẽ khâu bảo quản, sử dụng đề thi và bảo quản bài thi tại điểm thi, khu vực chấm thi: Theo quy định mới, đề thi và bài thi phải được bảo quản trong các tủ riêng biệt. Tủ đựng đề thi, tủ đựng bài thi phải bảo đảm chắc chắn, phải được khoá và niêm phong (nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của trưởng điểm và phó trưởng điểm là người của trường đại học, cao đẳng phối hợp), chìa khóa do trưởng điểm thi giữ. Khi mở niêm phong phải có sự chứng kiến của công an và những người ký nhãn niêm phong, đồng thời lập biên bản, ghi rõ thời gian mở, lý do mở, tình trạng niêm phong. Biên bản phải đủ họ, tên, chữ ký của trưởng điểm thi và những người chứng kiến.
Khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có lực lượng công an trực và bảo vệ 24 giờ/ngày; bảo đảm an toàn phòng chống cháy, nổ. Phòng bảo quản đề thi, bài thi phải bảo đảm an toàn, chắc chắn; có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày; có công an trực, bảo vệ 24 giờ/ngày và một cán bộ làm nhiệm vụ tại điểm thi của trường đại học, cao đẳng (phó trưởng điểm thi hoặc thư ký) thường trực đêm tại phòng trong thời gian đề thi, bài thi được lưu tại điểm thi.
Phòng chứa bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, tự luận phải có camera an ninh giám sát, ghi hình các hoạt động tại phòng 24giờ/ngày, có công an bảo vệ, giám sát 24 giờ/ngày.
Trường ĐH, CĐ chủ trì tổ chức chấm trắc bài thi trắc nghiệm: Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm tại các hội đồng thi. Bộ GD-ĐT thực hiện thanh tra trực tiếp tất cả các nhiệm vụ của ban chấm thi trắc nghiệm.
Mã hoá bài thi trắc nghiệm: Phiếu trả lời trắc nghiệm (bài làm của thí sinh) đều phải được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ GD-ĐT cung cấp, kể từ khi quét ảnh đến khi có kết quả là điểm bài thi của từng thí sinh. Ngay khi quét xong, tất cả phiếu trả lời trắc nghiệm của hội đồng thi, toàn bộ dữ liệu ảnh quét đã được phần mềm chấm thi tự động mã hóa phải được sao lưu ra ba bộ đĩa CD hoặc DVD giống nhau...Ở các khâu nhận dạng ảnh quét, sửa lỗi kỹ thuật cũng được sao lưu.
Ngay sau khi hoàn thành việc chấm toàn bộ bài thi trắc nghiệm của hội đồng thi, phải lưu các tập dữ liệu xử lý và kết quả chấm thi trắc nghiệm chính thức (được xuất ra từ phần mềm, bảo đảm cấu trúc và yêu cầu theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT) vào ba bộ đĩa CD hoặc DVD giống nhau, được niêm phong dưới sự giám sát của tổ giám sát, công an và lập biên bản. Một đĩa gửi về Bộ GD-ĐT; một đĩa bàn giao cho chủ tịch hội đồng thi để gộp chung (qua phần mềm chuyên dụng) vào cơ sở dữ liệu kết quả thi cùng với kết quả chấm thi các bài thi tự luận và lưu giữ; một đĩa trưởng ban chấm thi trắc nghiệm lưu trữ, đồng thời dùng để chuyển các tệp dữ liệu xử lý và kết quả chấm thi trắc nghiệm chính thức qua hệ thống quản lý thi THPT quốc gia về Bộ GD-ĐT.
Ảnh: Thủy Nguyên
Tác giả: Thanh Xuân
Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại