Nếu như quan niệm trước đây coi lập nghiệp là việc của đàn ông còn phụ nữ chỉ là người đứng sau, là hậu phương, chăm lo tổ ấm thì hiện tại không ít gia đình giàu có lại hướng con gái vào công việc kinh doanh, đặt con gái vào vị trí nối nghiệp gia đình, kế thừa gia sản.
"Đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản và con gái Lê Thị Hoàng Yến
Trong 3 người con của ông Lê Thanh Thản, con gái đầu Lê Thị Hoàng Yến (SN 1987) được biết đến như một cộng sự, cánh tay phải đắc lực của cha trong công việc. Cô cũng là người duy nhất trong 3 chị em thường xuyên xuất hiện trước truyền thông, sát cánh bên cha mình trong những thời điểm Mường Thanh trải qua biến cố.
Sau khi du học 7 năm chuyên ngành tài chính ở Anh về, Lê Thị Hoàng Yến lập tức bắt tay vào công việc trợ giúp gia đình, nối nghiệp kinh doanh.
Tổng giám đốc Tập đoàn Mường Thanh - Lê Thị Hoàng Yến - trong sự kiện vận hành khách sạn mới tại Lào (Ảnh: MT). |
Công việc đầu tiên của bà chủ Mường Thanh thời điểm mới về nước là thực tập quản lý tại Khách sạn Mường Thanh Hà Nội. Đến năm 2013, mới chỉ 26 tuổi, Lê Thị Hoàng Yến đã là Tổng giám đốc Tập đoàn Mường Thanh, quản lý hệ thống khách sạn Mường Thanh. Chỉ sau 3 năm đảm nhận chức vụ, thương hiệu Mường Thanh đã được mở rộng với quy mô 38 đơn vị trong năm 2015 so với con số 13 khách sạn năm 2012.
Không những thế, bà chủ Mường Thanh còn tiến sang thị trường Lào với Mường Thanh Luxury Vientiane vào tham vọng mở sang các thị trường khác như Campuchia, Myanmar, Australia hay Mỹ.
Đến nay, sau gần 10 năm điều hành, Lê Thị Hoàng Yến đã phát triển chuỗi khách sạn mang thương hiệu Mường Thanh lên con số gần 60 khách sạn thành viên, phủ sóng khắp các địa phương tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á, với sức chứa hơn 10.000 phòng, tạo việc làm và môi trường phát triển cho hơn 10.000 lao động.
Tập đoàn này cho biết, chuỗi khách sạn của Mường Thanh hiện đóng góp vào ngân sách quốc gia hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Những người thừa kế ở Tân Hiệp Phát
"Gia đình Dr Thanh rất may mắn khi những cô con gái dành toàn bộ thời gian, công sức để giải quyết công việc kinh doanh. Họ có đam mê, hiểu biết và trí tuệ để thực hiện mong muốn của người cha" - đây là nhận xét của bà Trần Thị Thu Hằng, một lãnh đạo cấp cao ở Tân Hiệp Phát khi nhận xét về thế hệ lãnh đạo thứ 2 của tập đoàn này: Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích.
Theo nhân viên ở Tân Hiệp Phát, trong khi Trần Ngọc Bích am hiểu rất sâu về quản trị điều hành phụ trách xây dựng hệ thống kiểm soát, bộ khung hành chính cho doanh nghiệp thì Trần Uyên Phương lại thiên về mảng đối ngoại, quản trị rủi ro về truyền thông cho doanh nghiệp.
Gia đình Dr. Thanh với 2 ái nữ tài giỏi (Ảnh: FBNV). |
Sinh năm 1981, sau khi tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh tại Singapore, Trần Uyên Phương trở về làm việc cho công ty của gia đình với những công việc đầu tiên là thư ký Giám đốc Marketing, nhân viên phiên dịch cho giám đốc dự án. Hiện tại, Trần Uyên Phương đã là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát.
Tại Tân Hiệp Phát, Trần Uyên Phương chịu trách nhiệm về mảng tiếp thị sản phẩm, đối ngoại, quan hệ công chúng và các chương trình CHR trên toàn quốc. Đồng thời, cô cũng quản lý các chương trình tiếp thị sản phẩm trên 16 quốc gia.
Trần Ngọc Bích tốt nghiệp ngành quản trị Tài chính - đại học Manchester tại Vương quốc Anh và đang đảm nhiệm vị trí Giám đốc Công ty Number One Hà Nam, cùng với đó là vị trí Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát.
Ở Tân Hiệp Phát, hoạt động của Trần Ngọc Bích chủ yếu tại mảng quản trị nhân sự, xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Cô được đánh giá là người am hiểu sâu về quản trị điều hành, phụ trách xây dựng hệ thống kiểm soát, bộ khung hành chính cho doanh nghiệp.
Tân Hiệp Phát là tập đoàn hoạt động theo mô hình công ty gia đình điển hình, với sở hữu 100% là các thành viên trong gia đình, không huy động cổ phần bên ngoài và cũng không niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Vợ chồng doanh nhân Đặng Văn Thành và con gái Đặng Huỳnh Ức My
Vợ chồng ông Đặng Văn Thành - bà Huỳnh Bích Ngọc là những doanh nhân lão làng trên thương trường Việt. Từ một cơ sở sản xuất cồn với vốn điều lệ 100 triệu đồng và 20 cán bộ nhân viên, TTC Group, doanh nghiệp do gia đình ông Thành sáng lập, hiện đã một tập đoàn đa ngành có vốn điều lệ 18.200 tỷ đồng, lĩnh vực đầu tư trải dài từ năng lượng, bất động sản, nông nghiệp đến du lịch với 4 tổng công ty, một ủy ban ngành và hơn 120 đơn vị trực thuộc. Doanh thu thuần năm 2021 đạt 24.400 tỷ đồng, lãi trước thuế 1.700 tỷ đồng.
Ông Thành và bà Ngọc có 2 người con theo nghiệp kinh doanh của gia đình là doanh nhân Đặng Hồng Anh và doanh nhân Đặng Huỳnh Ức My.
Doanh nhân Đặng Huỳnh Ức My (Ảnh: TTC). |
Đặng Huỳnh Ức My sinh năm 1981, được gọi là "công chúa mía đường". Từ khi mới 25 tuổi, vị tiểu thư họ Đặng đã nắm giữ chức vụ Phó Giám đốc điều hành, Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty Cổ phần Thành Thành Công; năm 28 tuổi trở thành nữ Tổng giám đốc trẻ tuổi nhất trong tập đoàn.
Hiện Đặng Huỳnh Ức My đang là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị (HĐQT) của Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) và Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Thành Công.
Ái nữ nhà đại gia Đặng Văn Thành hiện nắm giữ 15,11% cổ phần SBT và đại diện cho Công ty Cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa nắm hơn 1% cổ phần tại Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa.
Bà Huỳnh Bích Ngọc từng chia sẻ: "Việc Ức My tham gia vào điều hành không phải vì đam mê những hào nhoáng của nghề doanh nhân mà khởi nguồn từ thương mẹ. Kinh doanh, mà đặc biệt là làm sản xuất, thì vất vả vô chừng. Từ chỗ muốn đỡ đần mẹ, con gái tôi thành nghề. Từ nghề thành nghiệp".
Ngoài những "nữ tướng" thế hệ F2 nói trên, giới doanh nhân Việt cũng đang chứng kiến rất nhiều trường hợp chuyển giao quyền lực khác. Chẳng hạn như ái nữ đại gia Nguyễn Tuấn Hải (Alphanam) là Nguyễn Ngọc Mỹ, ái nữ nhà Nam Cường là Trần Thị Quỳnh Ngọc, con gái của ông chủ Biti's Vưu Lệ Thành là Vưu Lệ Quyên…
Tác giả: Mai Chi
Nguồn tin: Báo Dân trí