Pháp luật

Những đại án được xét xử năm 2020

Trong năm 2020, nhiều vụ đại án tham nhũng, kinh tế đã được đưa ra xét xử, nhiều cán bộ chủ chốt, nguyên là lãnh đạo cấp cao vi phạm bị xử lý hình sự.

Y án nguyên Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son

Ngày 27-4-2020, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên y án chung thân đối với bị cáo Nguyễn Bắc Son, nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG.

Ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn trong phiên tòa vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG - Ảnh: TTXVN

Theo HĐXX cấp phúc thẩm, vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo gây thiệt hại thuộc sở hữu nhà nước hơn 6.000 tỉ đồng, làm chậm tiến độ cổ phần hóa MobiFone, ảnh hưởng niềm tin của nhân dân. Một số bị cáo nhận số tiền hối lộ rất lớn "xưa nay chưa từng có" nên cần có hình phạt nghiêm khắc để đảm bảo tính răn đe.

Bị cáo Nguyễn Bắc Son với tư cách bộ trưởng là người trực tiếp thành lập, đánh giá dự án, định hướng cho MobiFone mua cổ phần AVG, đồng ý bản ghi nhớ, ký quyết định thành lập tổ thẩm định, thống nhất giá mua 95% cổ phần là hơn 8.900 tỉ đồng, thương vụ phải được triển khai ngay trong năm 2015.

Nhiều lãnh đạo BIDV lãnh án

Sau gần 1 tuần xét xử, đầu tháng 11, TAND TP Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm bị cáo Trần Lục Lang (nguyên phó tổng giám đốc BIDV) 8 năm tù; Đoàn Ánh Sáng (nguyên phó tổng giám đốc BIDV) 6 năm 6 tháng tù cùng 10 bị cáo khác từ 36 tháng tù cho hưởng án treo đến 7 năm tù vì liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Phiên tòa liên quan đến vụ án xảy ra ở BIDV

Bản án sơ thẩm xác định từ năm 2011-2016, lợi dụng chức trách được giao, ông Trần Bắc Hà (nguyên chủ tịch HĐQT BIDV, đã chết) đã chỉ đạo cấp dưới tại BIDV và BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh, Chi nhánh Hà Thành cho Công ty Bình Hà (công ty "sân sau" của ông Hà) và Công ty Trung Dũng (công ty có quan hệ cá nhân với ông Hà) vay trái quy định, gây thất thoát số tiền đặc biệt lớn (hơn 1.664 tỉ đồng).

Nguyên chủ tịch Hà Nội lãnh án 5 năm tù

Sau nửa ngày xét xử kín, trưa ngày 11-12, TAND TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm Nguyễn Đức Chung (nguyên chủ tịch UBND TP Hà Nội) 5 năm tù; Phạm Quang Dũng (nguyên cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, C03 Bộ Công an) 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Hoàng Trung (lái xe của ông Chung) 24 tháng tù và Nguyễn Anh Ngọc (nguyên phó trưởng phòng Thư ký biên tập - Thành viên tổ thư ký ông Chung) 18 tháng tù cùng về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.

Ông Nguyễn Đức Chung cùng các đồng phạm tại phiên tòa - Ảnh: TTX

Theo cáo buộc, ông Nguyễn Đức Chung và vợ là bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa là những người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường. Để nắm thông tin, tài liệu về quá trình điều tra vụ án, ông Chung nhờ Phạm Quang Dũng, người được trưng dụng tham gia hỗ trợ điều tra, lấy thông tin, tài liệu vụ án.

Từ tháng 7-2019 và 6-2020, ông Dũng đã nhiều lần thu thập, chiếm đoạt được tài liệu có liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường. Sau đó, 2 lần ông Dũng chuyển 12 tài liệu của vụ án Công ty Nhật Cường cho ông Nguyễn Đức Chung, 6 tài liệu trong số đó thuộc danh mục bí mật Nhà nước.

Nguyên Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến được giảm 6 tháng tù

Sau 2 ngày xét xử, tối 11-12, Tòa án Quân sự Trung ương đã tuyên án phúc thẩm ông Nguyễn Văn Hiến, nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân, 3 năm 6 tháng tù (án sơ thẩm 4 năm tù); Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc", nguyên phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn) 20 năm tù (tổng hợp hình phạt chung với bản án trước đó, bị cáo phải chấp hành bản án 30 năm tù) trong vụ án mất quyền quản lý, sử dụng trong 49 năm đối với 3 lô đất nằm trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước 939 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Văn Hiến hầu tòa vì gây thất thoát 939 tỉ đồng

Theo bản án phúc thẩm, tại phiên tòa mặc dù bị cáo Đinh Ngọc Hệ không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng HĐXX cho rằng qua lời khai của bị cáo khác các chứng cứ tài liệu khác và chính lời khai nhận của bị cáo có đủ cơ sở kết luận hành vi phạm tội của Hệ. Do đó, HĐXX quyết định không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đinh Ngọc Hệ.

Đối với kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn Hiến, HĐXX xét thấy, hành vi của bị cáo bị các cơ quan tiến hành tố tụng truy tố, xét xử về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, áp dụng hình phạt tù là hoàn toàn có căn cứ. Do đó, kháng cáo của bị cáo Hiến cho được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ không được chấp nhận.

Nguyên giám đốc CDC Hà Nội lĩnh án vì nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19

Ngày 12-12, sau 3 ngày xét xử và nghị án, TAND TP Hà Nội đã tuyên án bị cáo Nguyễn Nhật Cảm (nguyên giám đốc CDC Hà Nội) 10 năm tù cùng 9 bị cáo khác từ 36 tháng tù treo đến 6 năm tù vì liên quan đến vụ án nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19.

Bản án sơ thẩm xác định, từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng chống dịch Covid-19. Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu.

Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm trong vụ án gây bất bình trong dư luận

Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng hơn 2 tỉ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua với giá hơn 7 tỉ đồng, gấp 3 lần giá nhập. Sai phạm xảy ra khi CDC Hà Nội mua sắm trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19 tại gói thầu số 15 với số tiền là 9,54 tỉ đồng.

HĐXX nhận định, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng uy tín của Đảng, Nhà nước, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp, cả xã hội đang căng mình phòng chống dịch. Do đó HĐXX cho rằng, cần xử phạt nghiêm để đảm báo tính răn đe.

Ông Đinh La Thăng lãnh thêm 10 năm án tù

Ngày 22-12, TAND TP HCM đã tuyên án ông Đinh La Thăng (nguyên bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải) 10 năm tù và Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc" trong vụ sai phạm tại cao tốc TP HCM - Trung Lương. Như vậy, tổng hợp hình phạt với các bản án trước đó, ông Thăng phải chấp hành 30 năm tù.

Bản án sơ thẩm đánh giá, bị cáo Đinh La Thăng thừa nhận hành vi nhưng xác định không phạm tội danh như cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, từ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đối chiếu lời khai của các bị cáo tại tòa và tại cơ quan điều tra, HĐXX cho rằng có cơ sở khẳng định ông Thăng và các cán bộ ở Bộ Giao thông Vận tải đã vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát lãng phí.

Đối với bị cáo Đinh Ngọc Hệ, HĐXX nhận định bị cáo đã lợi dụng mối quan hệ với bị cáo Đinh La Thăng để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước ngay từ đầu. Bị cáo Hệ được xác định là chủ mưu, cầm đầu chỉ đạo làm giả hồ sơ để được tham gia đấu giá.

Tác giả: Nguyễn Hưởng

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP