Kinh tế

Đại án BIDV: 219 tỷ đồng gốc và lãi không thể thu hồi, Vietinbank sai phạm gì?

Trong quá trình điều tra vụ án sai phạm tại BIDV liên quan đến cựu chủ tịch Trần Bắc Hà, cơ quan điều tra đã phát hiện thêm sai phạm của VietinBank trong quá trình cho vay Công ty Trung Dũng.

Vietinbank "có mặt" trong kết luận điều tra đại án BIDV

Kết luận điều tra vụ án hình sự "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), CTCP Chăn nuôi Bình Hà và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng" cho thấy, đến thời điểm 31/12/2019 Công ty Trung Dũng đang có khoản vay với tổng dư nợ tạm tính là 219,8 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) không có khả năng thu hồi.

VietinBank có 219 tỷ đồng gốc và lãi không thể thu hồi với Công ty Trung Dũng

Theo đó, do có nhu cầu vay vốn để kinh doanh mặt hàng thép thành phẩm, ngày 4/1/2010, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng (Công ty Trung Dũng) đề nghị VietinBank - Chi nhánh Hà Nội cấp giới hạn tín dụng ngắn hạn 190 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động phục vụ kinh doanh sắt thép.

Ngày 29/1/2010, VietinBank có văn bản số 447/CV-NHCT5 về việc duyệt giới hạn tín dụng đối với Công ty Trung Dũng, nâng giới hạn tín dụng 190 tỷ đồng, nâng hạn mức phán quyết cho VietinBank - Chi nhánh Hà Nội là 150 tỷ đồng/món; Biện pháp bảo đảm tiền vay: Cho vay không có tài sản đảm bảo, áp dụng biện pháp đảm bảo bổ sung là thế chấp quyền sử dụng 19.000m2 đất Hà Nam cấp cho Công ty Hà Nam và cầm cố lô thép.

Trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 9/2011, Công ty Trung Dũng tiếp tục đề nghị VietinBank nâng giới hạn tín dụng để phục vụ nhập khẩu mặt hàng than mỡ, bổ sung vốn lưu động kinh doanh.

Cụ thể, ngày 9/4/2011, VietinBank có Công văn số 2261/CV-NHCT5, về việc duyệt giới hạn tín dụng ngắn hạn cho Công ty Trung Dũng là 650 tỷ đồng, trong đó: Từ ngày 9/4/2011 đến ngày 20/7/2011: 650 tỷ đồng (giới hạn cho vay ngắn hạn tối đa là 500 tỷ đồng); Sau từ ngày 20/7/2011 đến ngày 20/9/2011: 610 tỷ đồng (giới hạn cho vay ngắn hạn tối đa 610 tỷ đồng); Sau ngày 20/9/2011 đến ngày 15/4/2012: 500 tỷ đồng (giới hạn cho vay tối đa 500 tỷ đồng); Mục đích cấp giới hạn bổ sung: nhập khẩu lô than mỡ; Biện pháp bảo đảm: Lô than mỡ hình thành từ vốn vay.

Ngày 30/9/2011, VietinBank có văn bản số 7333/CV-NHCT5 về việc kéo dài thời hạn duy trì giới hạn tín dụng 610 tỷ đồng năm 2011 của Công ty Trung Dũng đến ngày 30/10/2011; từ ngày 31/10/2011 đến ngày 15/4/2012, giới hạn tín dụng sẽ giảm còn 500 tỷ đồng.

Trên cơ sở giới hạn tín dụng được cấp, VietinBank chi nhánh Hà Nội giải ngân cho vay bằng các khoản vay từng lần. Trong thời gian từ năm 2010 đến 2012 đã thực hiện cho vay từng lần, bảo lãnh thanh toán để công ty mua thép thành phẩm của Công ty TISCO, mở L/C mua than mỡ.

Tính đến 31/12/2019, Trung Dũng còn 3 khoản vay tổng dư nợ gốc là 114,4 tỷ đồng, nợ lãi trong hạn là 105,3 tỷ đồng. Tổng cộng là 219,8 tỷ đồng đến nay không có khả năng thanh toán.

Liệu Vietinbank có bị khởi tố hình sự?

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, đối với hai khoản vay ngắn hạn (hiện dư nợ gốc là 48,85 tỷ đồng), việc đề xuất cấp giới hạn tín dụng không có tài sản bảo đảm là chưa đúng quy định do thiếu chỉ tiêu tài chính.

Trong quá trình quản lý sau vay, các cán bộ của VietinBank - Chi nhánh Hà Nội không quản lý được dòng tiền thu về dẫn đến không đủ thu nợ.

Đối với hai khoản L/C (dư nợ hiện tại là 65,59 tỷ đồng) sai phạm được xác định ở cả cán bộ ngân hàng tại chi nhánh và Hội sở chính.

Cụ thể, tại thời điểm đề xuất cấp giới hạn tín dụng không có bảo đảm, BCTC của công ty Trung dũng có một số chỉ tiêu tài chính không đủ theo qui định (hệ số tài trợ <20%; hệ số ngắn hạn <1; hệ số ROE<5%; BCTC chưa có kiểm toán).

Thẩm quyền phê duyệt ở trường hợp này vượt thẩm quyền của chi nhánh. Trong trường hợp này, chi nhánh có quyền từ chối về việc đề xuất cấp tín dụng nhưng chi nhánh đã trình Hội sở chính và được phê duyệt cấp giới hạn theo thẩm quyền.

Là người được giao thẩm quyền quyết định cấp tín dụng, HĐTD Hội sở đã đồng ý cấp tín dụng khi khách hàng không đủ các điều kiện về khả năng tài chính của VietinBank, dẫn đến hiện nay VietinBank không thu được nợ của khách hàng.

Trong việc quản lí dòng tiền, khi phát hành L/C Hội sở chính đã yêu cầu chi nhánh "Đề nghị Công ty Trung Dũng thoả thuận với TISCO về điều khoản thanh toán trong hợp đồng mua bán than mỡ các nội dung như: thanh toán ngay sau mỗi đợt giao hàng, không áp dụng thanh toán bù trừ; trường hợp thanh toán trả chậm yêu cầu phải có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng đối với phần trả chậm".

Chi nhánh đã không thực hiện được nội dung này, TISCO đã thực hiện bù trừ công nợ thay vì việc trả tiền hàng dẫn đến Trung Dũng không đủ tiền trả cho đối tác nước ngoài, VietinBank phải giải ngân bắt buộc thanh toán L/C.

Như vậy, nguyên nhân chính của việc VietinBank phải giải ngân bắt buộc là do chi nhánh không thực hiện điều kiện về quản lí dòng tiền để TISCO bù trừ tiền nợ. Nếu tách riêng khoản phát hành bảo lãnh L/C cho công ty nước ngoài thì chi nhánh đã không thực hiện đầy đủ điều kiện tín dụng mà Hội sở chính đã phê duyệt.

Theo cơ quan điều tra, vì đây là nội dung điều tra mở rộng không nằm trong vụ án xảy ra tại BIDV và Công ty Trung Dũng; Do thời gian điều tra đã hết, hiện nay chưa thu thập đủ tài liệu chứng cứ để đánh giá và kết luận, nên tiếp tục điều tra làm rõ kết luận và xử lý sau.

Về kết quả kinh doanh, theo BCTC hợp nhất quý II/2020, VietinBank báo lãi thuần 7.798 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 12% lên 1.102 tỷ đồng.

Chi phí dự phòng rủi ro giảm 47% so với cùng kỳ, giúp lợi nhuận trước thuế tăng 105% lên 4.485 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi thuần 16.216 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước.

Chi phí hoạt động giảm 4% và chi phí dự phòng thấp hơn 10%, giúp lãi trước thuế tăng 40%, lên 7.460 tỷ đồng. Lãi sau thuế tăng tương đương, đạt 6.015 tỷ đồng.

Tổng tài sản đến cuối tháng 6 ở mức 1,24 triệu tỷ đồng, giảm so với đầu năm. Cho vay khách hàng trước dự phòng 941.487 tỷ đồng, tăng 0,7%.

Nợ xấu của Vietinbank lên đến 15.967 tỷ đồng, tăng 48% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 2,5 lần lên 7.155 tỷ đồng, chỉ xếp sau nợ nhóm 1. Tỷ lệ nợ xấu nâng từ 1,16% lên gần 1,7%.

Tác giả: Hoàng Nhi

Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP