Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. (Ảnh: EPA)
Theo New York Times, đáng chú ý trong số các cuộc gọi này là 3 cuộc điện đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif và nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.
Truyền thông Mỹ cho biết, ngày 2/12, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Văn Anh. Trong cuộc điện đàm bất ngờ kéo dài 10 phút vào hôm 2/12, Tổng thống đắc cử Trump và lãnh đạo Đài Loan đã khẳng định “mối quan hệ an ninh, chính trị và kinh tế giữa Mỹ và Đài Loan”. Đây là liên lạc đầu tiên giữa một tổng thống hoặc một tổng đắc cử Mỹ với lãnh đạo Đài Loan kể từ năm 1979.
Tuy nhiên cuộc điện đàm đã kéo theo phản ứng gay gắt từ Bắc Kinh. Trung Quốc cuối tuần qua trao công hàm phản đối cuộc điện đàm này và kêu gọi xử lý một cách thận trọng vấn đề Đài Loan để tránh những rắc rối không cần thiết trong các mối quan hệ.
Tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc ngày 4/12 bình luận, cuộc điện đàm với lãnh đạo Đài Loan cho thấy “sự thiếu kinh nghiệm” của Tổng thống đắc cử Trump. Trong khi đó, bà Kellyanne Conway, người phát ngôn của Tổng thống đắc cử Trump, khẳng định: "Tổng thống đắc cử Trump hoàn toàn nắm được và hiểu rõ các vấn đề trên thực tế, bất kể đầu dây phía bên kia là ai".
Cũng trong ngày 2/12, Tổng thống đắc cử Trump đã điện đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte - người chỉ trích gay gắt chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama và từng tuyên bố sẽ rút khỏi liên minh quân sự với Washington, yêu cầu Mỹ rút quân khỏi miền nam nước này. Trong cuộc điện đàm, ông Trump đã mời ông Duterte thăm Nhà Trắng vào năm sau. New York Times bình luận, lời mời này cho thấy có thể chính quyền sắp tới của ông Trump sẽ thay đổi cách tiếp cận với chính quyền Philippines.
Trước đó, hôm 30/11, ông Trump cũng có cuộc điện đàm với Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif - cuộc điện đàm theo đánh giá của New York Times có thể "phá vỡ thế cân bằng mong manh trong mối quan hệ Ấn Độ - Pakistan" mà Mỹ lâu nay cố gắng duy trì.
Theo CNN, ba cuộc gọi bất ngờ này có thể là dấu hiệu cho thấy những thay đổi về chủ trương đường lối đối ngoại của chính quyền Mỹ thời gian tới khi ông Trump nhậm chức. Chris Coons, thành viên Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, nói: “Chúng ta sẽ chờ xem liệu đây có phải là mở đầu cho một chương mới trong chính sách đối ngoại mà Tổng thống đắc cử Donald Trump sau khi nhậm chức sẽ áp dụng hay không”.
Tác giả bài viết: Minh Phương
Nguồn tin: