Liên tiếp những vụ tài xế ô tô say rượu gây chết người vô tội mới đây ở Việt Nam đã đẩy cảm xúc của cộng đồng lên cao trào bức xúc, mà đoàn người đưa tiễn hai nạn nhân vụ xe Mercedes đâm tử nạn ở hầm chui Kim Liên (Hà Nội) kèm những logo “uống rượu bia không lái xe” trên ngực là ví dụ.
Say rượu lái xe là một trong những tội nặng nhất trong hệ thống luật giao thông ở các nước trên thế giới. Nhiều quốc gia đã mạnh tay trừng trị những người vi phạm, và đã có nơi chọn các giải pháp công nghệ nhằm đẩy lùi vấn nạn này.
Công nghệ chống lái xe say rượu
Say rượu là tình trạng khiến con người rơi vào trạng thái vô thức khó có thể tỉnh táo cầm lái, thậm chí nó còn nguy hiểm hơn cả buồn ngủ.
Mỹ là quốc gia sở hữu nhiều phát kiến và biện pháp mang tính công nghệ nhất để đẩy lùi tình trạng say rượu lái xe gây tai nạn. Thống kê từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch, tai nạn Mỹ, mỗi ngày có khoảng 30 người tại Mỹ tử vong vì TNGT liên quan tới hành vi điều khiển phương tiện cơ giới sau khi sử dụng rượu bia.
Xe tự lái áp dụng trí tuệ nhân tạo xử lý dữ liệu môi trường xung quanh để điều khiển xe |
Một trong những dự án công nghệ giao thông được quan tâm nhiều nhất ở Mỹ, đó chính là phát triển xe tự lái. Những ông lớn như Tesla, Google, Apple và cả những thương hiệu ô tô tên tuổi đều “tranh nhau” quảng bá công nghệ xe tự lái. Tầm nhìn khả quan để triển khai xe tự lái sẽ bắt đầu sau năm 2020 đến 2050 là hoàn thiện gần như tối ưu.
Xe tự lái được kỳ vọng không chỉ đem tới một hệ thống giao thông văn minh, trật tự mà còn giúp giảm thiểu tai nạn giao thông. Các phương tiện tự hành trên đường giao tiếp với nhau thông qua mạng internet, định vị và các công nghệ kết nối thông minh. Điều này có nghĩa con người sẽ dần bị gạt bỏ khỏi vị trí cầm vô-lăng, và như vậy vấn nạn say rượu lái xe cũng được giải quyết.
Trước khi bước vào kỷ nguyên xe tự lái như phim viễn tưởng sẽ còn nhiều khó khăn, nhiều thử nghiệm phải tiến hành. Vì vậy, đã có nhiều hãng xe, hãng công nghệ đưa ra những giải pháp “chữa cháy” tạm thời để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Nhẫn chống buồn ngủ, rung và gây tiếng động cảnh báo tài xế |
Để chống mất tập trung khi lái xe (ngủ gật, say rượu), trên thị trường dần xuất hiện những sản phẩm như mắt kính chống buồn ngủ, camera cảnh báo tài xế, nhẫn báo thức...v.v, giá tiền chỉ từ vài trăm USD cho tới hơn ngàn USD.
Hay cao cấp hơn, nhiều hãng xe như Mercedes-Benz, Volvo, Hyundai, Ford...đưa vào dòng xe mới công nghệ chống buồn ngủ, hỗ trợ đánh lái tự động và phanh khẩn cấp. Các thiết bị này sử dụng các cảm biến đo nhịp tim, camera phân tích vị trí và chuyển động của đầu và mắt để tạo ra dữ liệu cho robot AI phân tích..., giúp can thiệp sớm vào hệ thống phanh, ga, thậm chí cả tự động đánh lái hay tạo ra các nhắc nhở dành cho người lái khi nhận thấy sự thiếu tập trung.
Người vi phạm uống rượu bia lái xe ở Mỹ phải gắn thiết bị thổi độ cồn trên ô tô theo thời gian nhất định |
Tại Mỹ, một biện pháp công nghệ đang được áp dụng ở một số bang nhằm tạo ra áp chế quản lý người vi phạm uống rượu lái xe.
Người vi phạm bắt buộc phải lắp đặt một thiết bị kiểm soát nồng độ cồn tích hợp vào bảng điều khiển của xe (Ignition Interlock Device – IID) với chi phí khoảng 730-2.800 USD. Thiết bị bắt buộc người điều khiển mô tô và ô tô phải thổi hơi để phân tích, nếu dưới mức nồng độ cồn cho phép thì mới có thể khởi động xe. Chưa kể, người vi phạm phải mang thiết bị tới cơ quan cảnh sát để kiểm tra định kỳ hàng tháng và đều mất phí. Hình thức này áp dụng từ 5 tháng tới 48 tháng tùy vào mức độ vi phạm.
Công nghệ tính vẫn không bằng người tính
Một trong những hãng xe được biết đến sớm nhất về công nghệ xe tự lái là Tesla, với tính năng AutoPilot. Trong năm 2016, liên tiếp hai vụ tai nạn chết người ở Trung Quốc và Mỹ liên quan đến tính năng tự lái này. Mặc dù Tesla chưa bao giờ thừa nhận AutoPilot là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn và một mực khẳng định sẽ tiếp tục nâng cấp, nhưng nhiều năm sau đó đã có rất nhiều vụ tai nạn (có cả video) cho thấy hệ thống tự lái này có vấn đề, không hoàn toàn làm chủ được sự an toàn cho người ngồi bên trong.
Tương tự Tesla, nhiều hãng xe như Volvo, Land Rover, Lexus, BMW, Mercedes-Benz...đều phát triển hệ thống tự lái tự động và bán tự động. Tất cả đều có chung một công thức là dựa trên các dữ liệu môi trường xung quanh thu thập được để trí tuệ nhân tạo (AI) đưa ra chỉ thị thay thế con người. Thế nhưng, giao thông hỗn hợp luôn tiềm ẩn những rủi ro bất ngờ, trong đó cách thức hoạt động xen lẫn giữa xe “thông minh” và xe bình thường vẫn là thách thức lớn nhất mà công nghệ AI vẫn còn giới hạn.
Các công nghệ chống xao nhãng lái xe hiện nay vẫn “miễn nhiễm” với tài xế say rượu, mất kiểm soát thần kinh |
Đối với các thiết bị hỗ trợ con người tỉnh táo khi lái xe gần như vẫn dừng lại ở mức độ tác động...nhẹ nhàng!. Nhẫn cảnh báo hay mắt thần “soi” trạng thái tài xế chỉ có thể “đánh thức” tài xế có ý thức, chủ động lường trước nguy hiểm mà mình có thể gặp phải. Còn đối với trạng thái bệnh lý (tim mạch, thần kinh) hay say rượu mất kiểm soát thì gần như vô tác dụng.
Có lẽ, biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để đối phó với vấn nạn say rượu lái xe gây tai nạn chết người vẫn là tác động trước bằng tâm lý tới tài xế thông qua các chế tài xử phạt nặng, khiến họ “sợ” mà nghĩ trước khi quyết định uống rượu, bia.
Tác giả: Đình Quý
Nguồn tin: Báo VietNamNet