Thế giới

Nhóm ám sát Tổng thống Haiti gồm 28 người, kẻ chủ mưu vẫn đang lẩn trốn

Cơ quan an ninh Haiti ngày 8/7 cho biết nhóm tay súng ám sát Tổng thống Jovenel Moise gồm 28 người, bao gồm 26 người Colombia và hai người Mỹ gốc Haiti.

Cảnh sát đưa các nghi phạm ra trình diện trước báo giới. Ảnh: AP

Tổng thống Moise (53 tuổi) bị bắn tử vong sáng sớm thứ Tư, 7/7, tại nhà riêng ở thủ đô Port-au-Prince. Đệ nhất phu nhân Moise bị thương nặng, và đang được chữa trị ở Miami (bang Florida, Mỹ).

Cơ quan chức năng Haiti cho biết nhóm ám sát ông Moise là lính đánh thuê nước ngoài, được đào tạo bài bản. Nhóm này được trang bị vũ khí hiện đại, sử dụng ít nhất sáu chiếc xe với rất nhiều thiết bị.

Cảnh sát Haiti đã theo chân những kẻ tình nghi đến một ngôi nhà gần hiện trường vụ án ở Petionville. Một cuộc đấu súng dữ dội đã nổ ra, kéo dài từ tối thứ Tư đến nửa đêm. Sáng thứ Năm, một số nghi phạm bị bắt giữ.

17 nghi phạm gồm 15 người Colombia và hai người Mỹ gốc Haiti đã trình diện trước báo giới trong cuộc họp báo ngày 8/7. Cảnh sát trưởng Charles Leon đã cho các phóng viên xem một số cuốn hộ chiếu Colombia cùng một số tang vật gồm súng trường, dao rựa, bộ đàm, máy cắt bu lông, búa…

“Người nước ngoài đến đất nước chúng tôi để ám sát tổng thống. Có 26 người Colombia, được xác định dựa trên hộ chiếu. Và hai người Mỹ gốc Haiti”, ông Charles nói. Ba nghi phạm đã bị bắn hạ, và tám người vẫn đang bỏ trốn. Cảnh sát hiện vẫn chưa bắt được kẻ chủ mưu.

Danh tính hai nghi phạm người Mỹ được xác định là James Solages, 35 tuổi và Joseph Vincent, 55 tuổi.

Các nghi phạm bị cảnh sát giải đi sau cuộc đột kích. Ảnh: AP

Các nghi phạm bị khống chế. Ảnh: AP

Thi thể các nghi phạm bị cảnh sát bắn hạ. Ảnh: AP

Ảnh: AP

Hai nghi phạm người Mỹ (ngoài cùng bên trái). Ảnh: AP

Cảnh sát trưởng Charles cho biết người dân đã giúp cảnh sát truy tìm những kẻ tình nghi. Nhưng ông kêu gọi người dân để cơ quan an ninh làm công việc của mình.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Colombia - Diego Molano, thông tin sơ bộ cho thấy những người Colombia tham gia vụ tấn công là quân nhân đã nghỉ hưu. Ông cho biết Bogota sẽ hợp tác với giới chức Haiti trong cuộc điều tra.

Động cơ của vụ tấn công hiện chưa được xác định. Tuy nhiên, trước khi bị ám sát, Tổng thống Moise đã phải đối mặt với làn sóng kêu gọi từ chức vì bị phe đối lập cho là “tham quyền cố vị”.

Người dân Haiti biểu tình lên án vụ ám sát ông Moise. Ảnh: AP

Ảnh: AP

Người dân yêu cầu cảnh sát giao các nghi phạm còn sống và cả các thi thể để "thiêu sống, trả thù vụ ám sát ông Moise". Ảnh: AP

Hồi tháng Hai, ông Moise từng thông báo về việc bắt giữ 23 người, trong đó gồm một cựu ứng viên tổng thống, một thanh tra cảnh sát cấp cao và một thẩm phán Tòa tối cao. Ông Moise cáo buộc những người này có âm mưu đảo chính và ám sát tổng thống.

Vụ ám sát bị nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ và Anh, lên án. Nước láng giềng của Haiti, Cộng hòa Dominica, được cho là đã ra lệnh đóng cửa biên giới và tăng cường giám sát.

Quyền Thủ tướng Haiti Claude Joseph - người tự nhận sẽ đứng ra điều hành đất nước sau khi ông Moise bị ám sát - đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 15 ngày.

“Chúng tôi không muốn đất nước chìm trong hỗn loạn”, ông Claude Joseph nói sau cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bộ trưởng Haiti.

Trong bài phát biểu của mình, ông Joseph yêu cầu người dân “giữ bình tĩnh” và hỗ trợ chính phủ vượt qua “thời kỳ khó khăn này”. Ông cũng nhiều lần tuyên bố rằng tình hình "trong tầm kiểm soát”.

Tác giả: Minh Hạnh

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP