Một cuộc khảo sát của Bộ Giáo dục Nhật Bản được tiến hành vào đầu tháng 8 năm nay tại 81 trường, cơ sở đào tạo y tế, cho thấy 30 trường đại học có sự chênh lệch đáng kể về tỷ lệ trúng tuyển giữa nam và nữ trong 6 năm qua.
Tại cuộc họp báo diễn ra ngày 12/10, Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản Masahiko Shibayama nói rằng có nhiều bằng chứng cho thấy các trường đã thao túng điểm đầu vào theo hướng bất lợi cho ứng viên nữ và thí sinh từng thi trượt.
Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản Masahiko Shibayama cho biết nhiều trường y có dấu hiệu thao túng điểm thi để đánh rớt ứng viên nữ và thí sinh từng thi trượt nhiều lần. Ảnh: ANN News. |
"Các trường này có thể đã áp dụng các tiêu chuẩn khác nhau cho nam giới, phụ nữ và ứng viên từng thi trượt trong quá khứ hoặc có sự ưu tiên đặc biệt cho các ứng viên cụ thể trong quá trình tuyển chọn", ông Shibayama nói.
Bộ trưởng không cung cấp tên của các trường đại học bị nghi ngờ nhưng ông nói thêm những trường này nên "tự giác" nếu có sai phạm.
Thời gian tới, Bộ Giáo dục Nhật Bản thu thập thêm bằng chứng và mở rộng cuộc điều tra tại tất cả trường đại học, sở y tế trên toàn quốc. Kết quả được dự kiến công bố vào cuối năm nay.
Hiện tại, ngoại trừ ĐH Y Tokyo, các trường khác đều phủ nhận việc can thiệp điểm thi, phân biệt đối xử với các thí sinh theo giới tính hoặc tuổi tác.
Hồi tháng 8 vừa qua, ĐH Y Tokyo thừa nhận đã thao túng điểm tuyển sinh vào trường trong hơn 10 năm nhằm hạn chế số lượng nữ sinh trúng tuyển.
Việc phân biệt đối xử này bắt nguồn từ quan điểm nữ sinh thường không trở thành bác sĩ sau khi tốt nghiệp hoặc sẽ từ bỏ công việc này, khi họ kết hôn và sinh con.
Theo truyền thông nước này, các trường y cũng không muốn nhận ứng viên nam từng thi trượt nhiều lần vì lo ngại nhóm này sẽ thất bại trong kỳ thi y khoa nếu muốn học cao hơn. Điều này làm giảm tỷ lệ ứng viên thành công và gây tổn hại danh tiếng của trường.
Tác giả: Huệ Lâm
Nguồn tin: zing.vn