Giáo dục

Nhiều trường đại học bỏ xét tuyển bằng học bạ, thí sinh có lo mất đi cơ hội?

Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, việc tuyển sinh đầu vào do các trường lựa chọn, đối sánh phân tích dữ liệu từ nhiều năm, đây có thể là lý do các trường có thể điều chỉnh. Xét tuyển hay đánh giá thí sinh bằng phương thức nào đi nữa cũng dựa vào kiến thức nền tảng, cốt lõi của thí sinh.

Theo phương án tuyển sinh mà nhiều trường đại học đã công bố, năm 2024, một số trường đã bỏ phương thức xét tuyển hệ đại học chính quy bằng kết quả học tập THPT. Cụ thể, năm 2024, Trường ĐH Y Hà Nội thông báo không xét tuyển bằng điểm học bạ. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân không còn xét tuyển bằng học bạ, dành một nửa chỉ tiêu để xét tuyển theo điểm chứng chỉ và các kỳ thi riêng.

Theo đó, năm 2024 trường tuyển 6.200 sinh viên, bằng năm 2023. Trường xét tuyển thẳng 2% tổng chỉ tiêu, 18% dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2024. Còn lại 80%, trường Đại học Kinh tế quốc dân xét tuyển kết hợp theo đề án riêng. So với năm 2023, chỉ tiêu dành cho kỳ thi tốt nghiệp giảm 7%, số này được chuyển sang xét tuyển kết hợp. Chỉ trong bốn năm, trường Đại học Kinh tế quốc dân giảm chỉ tiêu thi tốt nghiệp từ 70% xuống 18%.

Nhiều trường đại học không xét tuyển bằng học bạ, tăng chỉ tiêu cho các kỳ thi riêng (Ảnh minh họa)

Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh cũng chỉ tuyển sinh theo 2 phương thức gồm xét tuyển sớm theo đề án tuyển sinh của trường chiếm 45% tổng chỉ tiêu, trong đó bao gồm cả xét tuyển thẳng, xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT với 55% tổng chỉ tiêu, không còn phương thức xét tuyển học bạ đơn thuần.

Bên cạnh việc giảm, hoặc bỏ chỉ tiêu xét tuyển theo học bạ, nhiều trường đại học cũng dần chuyển sang xét tuyển bằng các kỳ thi riêng.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, tính đến mùa tuyển sinh 2023, đã có gần 40 cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả bài thi đánh giá tư duy để xét tuyển đại học. Nhà trường dự báo, với Chương trình giáo dục THPT mới và quy định về thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, sẽ có thêm nhiều trường đại học xét tuyển theo điểm thi này.

Tại Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí cũng cho biết, năm 2023 có gần 70 cơ sở đào tạo sử dụng kết quả thi HSA của Đại học Quốc gia Hà Nội trong phương thức xét tuyển. Năm 2024 dự kiến có 75.999 lượt thí sinh dự thi. Việc tăng chỉ tiêu và số lượng trường đại học sử dụng kết quả các kỳ thi riêng tăng cho thấy tầm ảnh hưởng của các kỳ thi này.

Lý giải về việc bỏ chỉ tiêu xét tuyển dựa vào học bạ, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp, do vậy độ phân hóa của đề thi không cao như trước. Vì vậy, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân về cơ bản vẫn xét theo tổ hợp nhưng mở rộng xét tuyển kết hợp, mục tiêu lớn nhất là chọn được những học sinh có chất lượng cao.

“Trường mở rộng rất nhiều đối tượng trong đó có xét học bạ của học sinh trường chuyên, trường trọng điểm quốc gia có học lực rất tốt. Sau này khi kỳ thi tốt nghiệp tương đối ổn định, các kỳ thi đánh giá năng lực của các trường ĐH Quốc gia, thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội được tổ chức, chúng tôi đã nghiên cứu, dõi kỳ thi qua nhiều năm và quyết định sử dụng kết quả của các kỳ thi này làm cơ sở tuyển sinh.

Đây là kỳ thi chuẩn hóa theo các chuẩn quốc tế, độ phân hóa tốt hơn xét bằng học bạ hay xét tổ hợp truyền thống, tính ổn định cao và đặc biệt uy tín của kỳ thi rất lớn, là cơ sở để các trường đại học sử dụng”, PGS.TS Bùi Đức Triệu cho biết.

Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, phương thức xét học bạ mọi năm về bản chất vẫn là kết hợp, qua theo dõi hàng năm, thí sinh đủ điều kiện xét tuyển học bạ của Trường ĐH Kinh tế quốc dân đều rất xuất sắc, đến từ các trường chuyên, có đầy đủ điều kiện tham gia vào các phương thức khác. Do đó tỷ lệ trùng lặp khi xét tuyển rất cao. Bởi vậy, Trường quyết định bỏ xét tuyển theo học bạ, điều này cũng sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, năm 2024 các phương thức xét tuyển vẫn cơ bản giữ ổn định. Song với từng trường đại học, đặc thù đào tạo, thông qua đối sánh kết quả tuyển sinh đầu vào, đầu ra, các trường có thể điều chỉnh phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, hiện nay vẫn có khoảng 40 trường đã công bố vẫn sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ. Bà Thủy nhận định, đây là kết quả đánh giá quá trình học tập, không chỉ căn cứ vào 1 hay 2 cuộc thi, bởi vậy học bạ vẫn là kênh thông tin quan trọng đánh giá khả năng học tập, tiếp thu kiến thức của học sinh ở các bậc học cao hơn. Chắc chắn vẫn có nhiều trường đại học sử dụng phương thức này.

Nói về tính công bằng của việc xét tuyển bằng học bạ gây tranh cãi lâu nay, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng, không nên khẳng định ở đâu đó có tình trạng làm đẹp học bạ hay không, việc này cần dữ liệu chắc chắn: “Theo cá nhân tôi việc làm đẹp học bạ là khó, các em học trong 3 năm với rất nhiều môn, qua nhiều kỳ thi hàng tháng, hàng quý, kết thúc học kỳ… do đó không nên khẳng định khi chưa có dữ liệu chắc chắn”.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng nhấn mạnh, việc tuyển sinh đại học thuộc quyền tự chủ đại học, trong quy chế tuyển sinh cũng làm rõ trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, phải làm rõ được căn cứ khoa học, căn cứ thực tiễn của việc sử dụng phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và các chỉ tiêu phân bổ.

Bộ GD- ĐT cũng yêu cầu các trường đánh giá, đối sánh kết quả học tập của sinh viên qua từng năm với các phương thức xét tuyển đầu vào thế nào để thấy được sự tương quan, từ đó có cơ sở điều chỉnh phương thức xét tuyển. Rõ ràng các trường luôn quan tâm chất lượng đầu vào vì ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cả quá trình đào tạo cũng như chất lượng đầu ra, thương hiệu, uy tín của các trường với các bên liên quan, do đó các trường sẽ lựa chọn phương thức nào tốt nhất đối với họ.

“Việc tuyển sinh đầu vào do các trường lựa chọn, đối sánh phân tích dữ liệu từ nhiều năm, đây có thể là lý do các trường có thể điều chỉnh. Xét tuyển hay đánh giá thí sinh bằng phương thức nào đi nữa cũng dựa vào kiến thức nền tảng, cốt lõi của thí sinh. Thí sinh cũng không cần quá lo lắng, nếu các em học tốt, bằng bất kỳ phương thức nào các em cũng có thể làm tốt, không lo mất đi cơ hội vào các trường tốt. Các trường top đầu có nhiều sự cạnh tranh khác nhau cũng có nhiều phương thức tuyển sinh để các em có thể lựa chọn”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.

Tác giả: Nguyễn Trang

Nguồn tin: vov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP