Mới đây, vụ nam sinh lớp 8 ở Yên Bái treo cổ tự tử sau khi bị đánh, làm nhục trước mặt bạn bè trở thành tâm điểm chú ý trong cộng đồng mạng. Sự việc khiến nhiều người không khỏi lo ngại về tình trạng một bộ phận giới trẻ ngày nay coi rẻ mạng sống của bản thân.
Thậm chí, chỉ vì bị người yêu bỏ, nhiều người cũng sẵn sàng cắt tay tự tử hay nhảy cầu để giải thoát khỏi sự bế tắc. Đó là hành động thiếu suy nghĩ, ích kỷ, không màng tới nỗi đau của những người ở lại.
Tự tử vì bị trêu chọc, bêu xấu trên mạng
Trưa 25/9, Quang Huy (sinh năm 2001) - học sinh lớp 8A, Trường THCS Âu Lâu, TP Yên Bái - treo cổ tự tử. Người thân cho hay Huy hành động dại dột có thể vì hoảng sợ và xấu hổ khi clip mình bị nhóm thanh niên bắt quỳ gối, hành hung bằng tuýp sắt lan truyền trên mạng xã hội.
Cha mẹ nam sinh thất thần, gạt nước mắt lo hậu sự cho con trai. Trước khi hành động tiêu cực, Quang Huy bảo với cha mẹ là mình xấu hổ vì clip bị đánh đăng lên mạng. Thầy cô và bạn bè cùng trường bất ngờ và thương xót trước sự ra đi của cậu học trò hiền lành, ít nói.
Nam sinh Yên Bái bị nhóm bạn đánh và bắt quỳ gối trước sự chứng kiến của nhiều bạn bè đã hành động tiêu cực. Ảnh: Tây Bắc 24h.
Trước đó, nhiều trường hợp hành động dại dột do bị tổn hại về mặt tinh thần như Huy.
Năm 2013, N.T.C.L (sinh năm 1995, vừa học xong lớp 12 trường THPT Hai Bà Trưng, Thạch Thất, Hà Nội) tự mua thuốc diệt cỏ về uống do bị bạn học tung ảnh chân dung ghép với ảnh một cô gái xinh đẹp mặc áo cổ rộng rồi đưa lên mạng xã hội.
Khi phát hiện, người thân đã nhanh chóng đưa nạn nhân đi cấp cứu song nữ sinh không thể qua khỏi.
Sau đó 2 tuần, nữ sinh P.U.N. (học sinh lớp 12 trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng) uống thuốc an thần tự tử sau khi bị một diễn đàn mạng đăng bài xuyên tạc, xúc phạm danh dự. Mẹ của N. may mắn phát hiện và đưa con gái đi cấp cứu kịp thời.
Đầu tháng 9/2016, một học sinh lớp 8 của trường THCS Trần Quốc Toản, Nha Trang đòi tự tử vì nhiều lần bị cô giáo đánh trước lớp và liên tục gọi lên trả bài về nhà rồi cho điểm 1. Mẹ nữ sinh này đã làm đơn tố cáo hành vi của cô giáo tới các cơ quan chức năng và cho con chuyển trường để ổn định tâm lý.
V.T.Q.N. (trú tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) – nạn nhân bị lột đồ, đánh hội đồng, đập liên tiếp bằng mũ bảo hiểm trong clip dài 3 phút được chia sẻ trên mạng xã hội ngày 2/10 vừa qua – chia sẻ cô không muốn sống nữa vì sợ mọi người coi thường, khinh rẻ.
"Họ đã đánh tôi còn đăng clip tràn lan lên mạng, cùng là con người sao nỡ làm như vậy? Giờ tôi không muốn sống nữa, ai cũng khinh thường, chế giễu tôi", Q.N. viết trên trang cá nhân.
Trước những suy nghĩ và hành động dại dột vì bị bêu xấu trên mạng xã hội, nhiều dân mạng bày tỏ sự thương cảm, song không đồng tình với những cách giải quyết tiêu cực đó.
Cô gái Phú Yên bị đánh hội đồng, lột áo giữa núi Nhạn không muốn sống tiếp vì sợ bị khinh thường. Ảnh cắt từ clip.
Nhảy sông vì thất tình
Trong tình yêu, nhiều bạn trẻ sẵn sàng quỳ gối cầu xin tha thứ, thậm chí cắt tay khi bị người yêu bỏ. Điều này khiến nhiều người băn khoăn tự hỏi: “Giới trẻ ngày nay liệu có quá yếu đuối?”.
“Không ít bạn lụy tình đến nỗi có thể tìm đến cái chết sau khi chia tay người yêu. Họ đáng thương, cũng đáng trách bởi suy nghĩ lệch lạc này”, thành viên Hà Nguyễn chia sẻ.
Tự tử vì tình yêu không có kết quả, hành hạ bản thân vì bị phản bội… là những hành động thiếu suy nghĩ trong phút chốc nhưng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Đáng nói, những sự việc trên xảy ra cả với nữ giới và phái mạnh.
Đầu tháng 9 vừa qua, một diễn đàn dành cho giới trẻ đăng tải loạt ảnh nam thanh niên cắt tay đòi bạn gái quay lại. Đa số dân mạng tỏ ra kinh hãi, phẫn nộ trước hành động của chủ nhân bức ảnh.
Hồi tháng 4/2016, nữ sinh tên M.T. tại Ninh Bình đã nhảy xuống sông trước sự bàng hoàng, đau xót của người thân, bạn bè vì lý do gặp phải chuyện buồn trong tình cảm.
Dòng trạng thái cuối cùng M.T. dành cho người bạn trai tên T. với nội dung: “Anh T. thân mến, hết rồi đấy, chuyện gì quên được hãy mau quên đi. Em đi đây...”.
Sống chậm lại, yêu thương để vượt khó khăn
Những sự việc nêu trên cho thấy thực trạng một bộ phận giới trẻ hiện nay dễ dàng buông xuôi, tự hủy hoại bản thân vì những chuyện không đáng.
Với trường hợp nghĩ quẩn như nam sinh Yên Bái, thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An cho biết khi một học sinh bị đám đông trêu ghẹo thời gian dài, họ trở thành nạn nhân của bạo lực tinh thần.
Dạng bạo lực này không thể hiện cụ thể như bạo lực thể xác mà âm ỉ bên trong, ngày một lớn dần và vô cùng nguy hiểm. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của nạn nhân và tiềm ẩn nhiều hậu quả như ý muốn tự tử.
Chính vì lẽ đó, hơn ai hết, thầy cô, nhà trường và cha mẹ cần chú ý thái độ, hành vi và trạng thái tâm lý bất thường của con em mình để tìm hiểu nguyên nhân và tìm ra giải pháp.
"Những buổi nói chuyện dưới cờ, thầy cô cần lấy câu chuyện về học sinh tự tử để khuyến cáo học sinh, không vì đùa vui ác ý mà đẩy bạn mình vào ngõ cụt. Phía cha mẹ cũng cần theo dõi kỹ diễn biến tâm lý của con. Phụ huynh phải là chỗ dựa khi con bị bạo lực tinh thần ở trường và phối hợp nhà trường cùng giải quyết", thạc sĩ An cho hay.
Lê Huyền - sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) - chia sẻ quan điểm với các bạn học sinh rằng giải quyết vấn đề khó khăn, cú sốc, tổn thương tinh thần bằng cách tự tử không phải giải pháp hay.
Cô khuyên mọi người nên đối diện với hiện thực cuộc sống, đối diện những khó khăn, nỗi đau của mình để tìm ra cách giải quyết triệt để chứ không nên dùng cái chết để trốn chạy.
"Cũng là người trẻ, mình nghĩ các bạn trẻ nên sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn cũng như có trách nhiệm với chính mình và gia đình. Khi bản thân còn nhiều điều chưa tốt, bạn còn nhiều thời gian để sửa chữa, tự hoàn thiện", Huyền nói.
Thành viên Hoàng Hà nhắn nhủ: “Xin hãy giữ gìn mạng sống. Còn bao nhiêu người đang từng giây từng phút cố gắng giành giật để được sống. Hãy bình tĩnh rồi mọi chuyện sẽ qua”. |
Tác giả bài viết: Thu Thảo
Nguồn tin: