Thế giới

Nhiều người Mỹ gốc Việt bức xúc vì tên riêng bị kỳ thị, chế nhạo

Sau vụ việc một giáo sư Mỹ yêu cầu một sinh viên Việt đổi tên do tên cô nghe như “tiếng chửi bậy”, cộng đồng người Mỹ gốc Việt cũng chia sẻ những trải nghiệm tương tự.

Sinh viên Phuc Bui Diem Nguyen (Ảnh: SCMP)

Cộng đồng mạng trong những ngày qua xôn xao về vụ việc giáo sư đại học Matthew Hubbard yêu cầu nữ sinh viên Việt Phuc Bui Diem Nguyen phải “Anh hóa” tên tiếng việt của cô vì “Phuc Bui” trong tiếng Anh nghe như “lời xúc phạm”.

Hình chụp các đoạn thư điện thử giữa ông Hubbard và Phuc Bui nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, làm dấy lên nghi vấn về một hình thức phân biệt chủng tộc khác trong bối cảnh biểu tình đòi công bằng sắc tộc đang lan rộng khắp nước Mỹ.

Đoạn thư điện tử cho thấy vị giáo sư Đại học Laney, Oakland, California Hubbard yêu cầu cô sinh viên có tên mang ý nghĩa là “niềm hạnh phúc” phải đổi tên. Khi Phuc Bui trả lời thư điện tử, nói rằng cô “cảm thấy bị phân biệt chủng tộc”, ông Hubbard đã phản ứng lại: “Tôi hiểu bạn cảm thấy bị xúc phạm, nhưng bạn cần hiểu tên bạn nghe như lời chửi bậy trong ngôn ngữ của tôi. Tôi nhắc lại yêu cầu của mình một lần nữa”.

Ông Hubbard sau đó đã bị trường Laney đình chỉ. Đại diện trường tuyên bố mở cuộc điều tra, cam kết sẽ “không dung thứ cho hành vi phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử hay đàn áp dưới mọi hình thức”.

Giáo sư Mỹ sau đó đã lên Twitter gửi lời xin lỗi vì sự “thiếu nhạy cảm” vốn gây “tức giận cho một số người”.

“Thư điện tử đầu tiên là một sai lầm. Có một sự khác biệt rất lớn giữa việc ai đó tình nguyện đổi tên với việc yêu cầu người khác đổi tên. Bức thư điện tử thứ 2 rất xúc phạm và nếu tôi chờ đợi tôi có thể viết một điều gì đó khác”, ông Hubbard nói với New York Times.

Cộng đồng người Việt lên tiếng

Đoạn trao đổi giữa Phuc Bui và giáo sư Hubbard (Ảnh: SCMP)

Sự việc của Phuc Bui đã khiến nhiều người Mỹ gốc Á, và đặc biệt người Mỹ gốc Việt, hay người Việt sống tại Mỹ gợi nhớ lại những ký ức khiến họ bất bình khi bị đối xử tương tự như vậy trong quá khứ.

Thuc Dang, một người Việt đã học ở Mỹ 6 năm, cho rằng hành động của ông Hubbard là vô lý, phân biệt chủng tộc và thiếu tôn trọng.

Dang cho biết khi anh học ở Đại học San Jose, California, anh đã dùng tên tiếng Anh để cố gắng hòa nhập và bây giờ anh cảm thấy tiếc nuối vì đã làm như vậy.

“Tôi chọn cái tên Ted vì tôi không muốn mọi người thấy bất tiện khi phát âm tên tôi là Thuc. Một vài người bạn đã hỏi tên thật của tôi, nhưng sau khi nghe họ phát âm là ‘thug’ (du côn), tôi đã từ bỏ ý định. Một trong những điều tôi nuối tiếc nhất là tôi không đủ yêu quý tên tiếng Việt của mình để có thể sử dụng nó một cách tự hào”, Dang nói.

Viet Thanh Nguyen, nhà văn Mỹ gốc Việt từng đoạt giải thưởng Pulitzer, gọi ông Hubbard là “kẻ ngốc”, nhấn mạnh rằng “nhiều người Việt Nam hiểu được nỗi đau của việc bị chế nhạo vì tên riêng”.

“Nếu những cái tên như Trump, Schwarzenegger, Obama, Kissinger đã trở thành tên Mỹ thì toàn bộ những cái tên Việt Nam - bao gồm Phuc Bui - đều có thể trở thành tên Mỹ”, ông Nguyen viết trên Facebook.

Leyna Nguyen, một nhà báo từng giành Emmy, cho biết cô bị một số người chỉ trích vì cô lên tiếng phản đối giáo sư Hubbard.

Nhà báo Nguyen nói rằng cô cảm thấy “đau lòng và xấu hổ” khi một số người Mỹ gốc Việt không cảm thấy có vấn đề gì với lời đề nghị của ông Hubbard tới Phuc Bui. Nữ nhà báo cho rằng đâu đó vẫn còn tồn tại một nhận thức ở Mỹ rằng người da trắng thượng đẳng hơn và mọi thứ khác, bao gồm cả những cái tên châu Á, đều bị coi là thấp kém hơn.

“Mọi người đều có quyền đổi tên và thậm chí Anh hóa cách phát âm, nhưng không ai, đặc biệt vào năm 2020, có quyền yêu cầu người khác đổi tên”, nhà báo Nguyen nói.

Nhà sử học Ellen Wu cho rằng bình luận của ông Hubbard là “rất xúc phạm”.

Chuong Hoang Chung, một giáo sư danh dự tại đại học San Francisco, California, bị “choáng” trước cách hành xử của ông Hubbard.

“Giữa cộng đồng người Mỹ gốc Á, có những người chịu đựng sự thống trị của người da trắng. Quan điểm của họ là chúng ta là thiểu số. Nhưng họ không hiểu rằng là thiểu số không có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận phân biệt chủng tộc”, ông Chung nói.

Tuy nhiên, những chỉ trích nhằm vào ông Hubbard cũng vấp phải những phản hồi trái chiều. Một số ý kiến cho rằng giáo sư này đã sai nhưng hành vi của ông có thể không phải là phân biệt chủng tộc.

Ngoc Phung, một người Việt sống ở Mỹ 9 năm, cho biết cô từng có những trải nghiệm tương tự. Phung đã quyết định dùng tên Victoria sau khi cô nhiều lần bị chế giễu vì tên riêng.

“Chủ nhà của tôi gọi tôi là “knocker”, từ lóng chỉ ngực. Các bạn bè ở trường trung học cũng gọi tôi bằng biệt danh”, Phung nói.

Phung, người đang sống ở Alameda, Califoronia, cho biết những sự chế nhạo tên riêng là sự pha lẫn giữa mỉa mai, không thấu hiểu và thiếu hiểu biết văn hóa. Tuy nhiên, Phung cho rằng hành vi của ông Hubbard có thể không phải là phân biệt chủng tộc.

“Tôi nghĩ đó là sự khác biệt về văn hóa giữa 2 bên. Giáo sư thì quá thẳng thắn và lên tiếng yêu cầu sinh viên đổi tên bằng quyền lực. Nữ sinh viên thì có thể quá nhạy cảm nên đã gọi nó là phân biệt chủng tộc”, Phung nói.

Tác giả: Đức Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP