Xây chợ để... bỏ hoang
Chợ Tân Long, do UBND xã Tân Long, huyện Tân Kỳ làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Nghệ An cho phép lập dự án theo Công văn số 2644/UBND-TM ngày 9/5/2007; UBND huyện Tân Kỳ phê duyệt báo cáo kinh tế kĩ thuật tại Quyết định số 2430 ngày 7/8/2009, với tổng mức đầu tư 1.120.946.000 đồng. Công trình triển khai thi công xây dựng tháng 11/2009, nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng tháng 2/2010. Tuy nhiên, đến nay số lượng tiểu thương tham gia họp chợ rất ít. Nhiều dãy ki-ốt phía trước chợ cửa đã bị bung cửa do mối mọt. Phía bên trong chợ đã trở thành nơi chơi thể thao của người dân
Tương tự, chợ Tân Đồng được khởi công xây dựng vào năm 2012, với mục tiêu đón đầu dự án khu công nghiệp 600ha ở xã Tân Phú. Chợ gồm các hạng mục: Khu ki-ốt nhiều gian cho thuê ở mặt tiền, đình chợ, nhà của Ban Quản lí chợ. Tổng số vốn đầu tư chợ Tân Đồng hơn 1 tỉ đồng do UBND xã Tân Phú làm chủ đầu tư. Nguồn vốn huy động từ Chương trình xây dựng nông thôn mới và đóng góp của Nhân dân. Năm 2013, chợ đi vào hoạt động, nhưng chỉ “lèo tèo” vài người bán, mua, lâu dần chợ vắng bóng người, cỏ mọc ùm tùm cả lối đi và khuôn viên chợ. Một số hạng mục đã xuống cấp. Dãy ki-ốt mặt tiền lúc đầu có một số hộ thuê buôn bán, sau vắng bóng khách nên họ bỏ, khiến chợ lại rơi vào cảnh “vắng như chùa bà Đanh”.
Ông Nguyễn Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết: Năm 2009 - 2010, xã Tân Long là địa điểm được lựa chọn quy hoạch xây dựng Nhà máy Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ nên việc xây dựng chợ Tân Long là để đón đầu dự án. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khác nhau nên dự án nhà máy xi măng này dừng lại. Ông Hoa thừa nhận: Việc sử dụng chợ Tân Long chưa hiệu quả, gây lãng phí tiền của Nhà nước và Nhân dân.
Chợ nông thôn xã Tân Long luôn đìu hiu vắng vẻ |
Trên địa bàn huyện Tân Kỳ hiện có 24 chợ trong đó có 3 chợ hoạt động không hiệu quả, gồm chợ Tân Long, Tân Phú 2, chợ Kỳ Tân.
Ông Vy Văn Quang, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tân Kỳ cho hay: Bất cập ở các chợ trên địa bàn toàn huyện là kéo tiểu thương về các chợ đang ít, cơ sở vật chất kĩ thuật đang ở mức trung bình, chưa thể đáp ứng được nhu cầu của tiểu thương. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh môi trường ở các chợ còn nhiều bất cập.
Tại huyện Đô Lương, chợ Giang Sơn Tây lại rơi vào hoàn cảnh thê thảm hơn. Chợ được khởi công xây dựng từ năm 2014, rồi để dở dang cho tới nay. Dự án này mới xây dựng được 10 ki - ốt phía mặt tiền của chợ. Thế nhưng, những ki-ốt này đã xuống cấp, hư hỏng nặng. Phía trong chợ trở thành sân bóng đá. Ông Đặng Xuân Quảng, Chủ tịch UBND xã Giang Sơn Tây cho biết: Chợ Giang Sơn Tây không thu hút Nhân dân trong xã vì lí do thói quen mua bán của dân, nên việc vận động tiểu thương đến bán hàng tại 10 ki-ốt này là rất khó. Xã cũng đã có những chính sách thu hút như miễn thuế đến 3 năm, nhưng vẫn không thu hút được các tiểu thương. Việc tiếp tục xây dựng những phần còn lại của chợ chưa thể thực hiện được, vì thiếu vốn.
Những ki ốt của chợ của chợ Giang Sơn Tây vẫn đóng cửa im lìm từ khi xây dựng xong cho tới nay |
Hướng đi nào cho chợ nông thôn?
Trước thực tế của các chợ trên, ông Vy Văn Quang cho biết: Huyện Tân Kỳ thấy rõ sự bất cập từ hoạt động của chợ nông thôn trên địa bàn, việc để chính quyền quản lí dẫn tới công tác thu chi không rõ ràng. Hiện huyện đang làm kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lí chợ sang cho doanh nghiệp, Hợp tác xã quản lí theo Quyết định số 72 của UBND tỉnh Nghệ An.
Ông Nguyễn Văn Hoa chia sẻ: Huyện rất quan tâm đến vấn đề chuyển đổi mô hình quản lí các chợ. Riêng chợ Tân Long, huyện muốn gắn chợ nông thôn này với chợ trâu bò Kỳ Tân để thu hút tiểu thương và người tiêu dùng đến chợ. Đối với các chợ hoạt động không hiểu quả, huyện sẽ đề nghị UBND tỉnh chuyển mục đích sử dụng sao cho phù hợp.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, nếu như Nhà nước đầu tư, địa phương quản lí sẽ hạn chế việc phát triển của các chợ. Chuyển đổi phương thức quản lí thì doanh nghiệp thuê đất sẽ phải có trách nhiệm xây dựng, cải tạo chợ và thu hút tiểu thương đến chợ kinh doanh một cách hiệu quả hơn.
Tác giả: Phạm Thắng
Nguồn tin: ngaymoionline.vn