Xã hội

Nhân viên bar 'vui không thể tả' khi âm tính nCoV lần một

Phạm Thị Huyền Trang, 17 tuổi, vui khi nghe bác sĩ báo kết quả xét nghiệm lại lần một âm tính nCoV, sau một tuần điều trị.

Trang là con thứ hai trong gia đình có sáu anh chị em ở thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà. Hơn một năm trước, cô sang Thái Lan làm việc tại một quán bar ở Bangkok. Nơi đây hàng ngày đón nhiều khách nước ngoài, chủ yếu đến từ Trung Quốc.

Đầu tháng 3, khi Covid-19 bùng phát ở xứ Chùa Vàng, Trang cùng nhiều nhân viên khác có ý định xin nghỉ về quê và được ông chủ đồng ý. Cùng lúc này, Chính phủ Thái Lan cũng yêu cầu các nhà hàng, quán bar đóng cửa, thực hiện cách ly xã hội để chống dịch.

11h ngày 21/3, ôtô quân sự chở Trang về đến khu cách ly ở trường Mầm non xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, sau hành trình kéo dài suốt 4 ngày từ Bangkok đi qua cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình), nghỉ ngơi tại khu cách ly huyện Hương Khê...

Huyền Trang đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực cửa khẩu Cầu Treo. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trang kể, ngày thứ ba khi đang thực hiện cách ly y tế, cô bất ngờ ho vài tiếng, nhiều bạn cùng phòng bỗng liếc nhìn, tỏ vẻ e ngại. Trang bình tĩnh báo với đội ngũ y tế và được đưa cách ly riêng chỗ khác, lấy mẫu xét nghiệm nCoV. "Lúc đó chưa có kết quả, nhưng em đã chuẩn bị tinh thần đã lây nhiễm, vì cơ thể đề kháng tốt, vốn rất ít khi ho", Trang nói.

Ngày 2/4, một số người đeo kính chống giọt bắn, mặc đồ bảo hộ y tế kín mít từ đầu xuống chân, đến thông báo kết quả xét nghiệm cho thấy Trang dương tính với nCoV, đã gửi ra Bộ Y tế chờ thẩm định. 58 người tiếp xúc gần với cô trên các chuyên xe và tại khu cách ly được lấy mẫu, yêu cầu tự cách ly.

Dù chuẩn bị sẵn tâm lý song Trang vẫn "hơi sốc" khi nhận tin nhiễm bệnh, cầu mong điều tồi tệ không xảy ra với những ai vô tình tiếp xúc gần với mình. Cô lập tức được đưa lên xe y tế, vượt gần 80 km từ huyện Thạch Hà lên Bệnh viện Đa khoa khu vực cửa khẩu Cầu Treo - nơi hai đồng nghiệp cùng làm chung quán bar ở Bangkok, là bệnh nhân 146 và 210 đang điều trị.

Sáng 4/4, Bộ Y tế công bố hai ca nhiễm nCoV mới trong ngày, trong đó có Trang, là "bệnh nhân 238". Bố mẹ, anh chị đã biết chuyện từ đêm hôm trước. Dù buồn, họ động viên, khuyên Trang bình tĩnh chiến thắng bệnh tật. Bạn bè biết tin muộn hơn, nhắn tin qua mạng xã hội và gọi điện thoại liên tục, cô chỉ vội đáp: "Cảm ơn nhiều, mình đang ổn".

Trang được bố trí điều trị tại một phòng riêng. Ngày đầu tiên, cô cảm thấy thời gian trôi chậm hơn so với bình thường. Buổi sáng, chưa kịp ăn uống gì đã có cảm giác buồn nôn, tiếp đó là bị tiêu chảy, liên tục đi lại xung quanh phòng vệ sinh. Cả ngày cô mệt, thỉnh thoảng ngủ chập chờn vài chục phút rồi lại tỉnh.

"Em cảm thấy bụng khó chịu, như có vật gì đó đang mắc ở cổ, khi ăn cơm hơi vướng và khó nuốt", Trang kể. Bác sĩ xác định bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa, lên phác đồ điều trị song song hai chứng bệnh. Hàng ngày Trang phải uống một lần 4 viên thuốc điều trị nCoV, 2 viên chữa đau bụng kèm theo một gói men, sau bữa sáng và tối.

Bệnh viện Đa khoa Khu vực cửa khẩu Cầu Treo, nơi Trang đang điều trị. Ảnh: Hùng Lê

"Sang ngày thứ hai, cảm giác buồn nôn giảm, ăn được nhiều cơm hơn, không còn đi ngoài nhiều như trước. Hiện nhịp sinh học của cơ thể đã trở lại bình thường, song em vẫn phải uống thuốc đau bụng đều đặn để chữa dứt điểm tiêu chảy", Trang nói.

Hàng ngày Trang thức dậy lúc 7h, ăn sáng rồi đi lại trong phòng, tập các động tác thể dục cơ bản. Cô được bác sĩ động viên rằng bệnh đang ở giai đoạn đầu, chưa trở nặng, chỉ cần ăn uống đầy đủ, tinh thần lạc quan thì sẽ sớm đẩy được virus ra khỏi cơ thể.

Vào đầu giờ sáng, trưa và tối, điều dưỡng đưa cơm tới đặt ở bàn. Sau khi ra khỏi phòng cách ly, họ gọi điện cho cô, nhắc nhở nên ăn sớm và uống thuốc điều độ. Thực đơn luôn thay đổi theo ngày, buổi sáng là các món ăn nhẹ như xôi, bánh; trưa và tối có cơm kèm thêm các món ăn mặn như thịt, cá, rau; bên cạnh đó còn có hoa quả tráng miệng.

"Thỉnh thoảng em lên mạng xem phim, trò chuyện với bạn bè. Trước đó hơi buồn và chạnh lòng khi đọc trên mạng xã hội những lời bình luận không hay về các bệnh nhân nhiễm nCoV", Trang nói. Nhưng cô tự nhủ là người trong cuộc nên dẹp bỏ những lời gièm pha sang một bên, quan trọng nhất là phải tập trung tinh thần chiến thắng bệnh tật để giảm bớt áp lực cho bác sĩ và xã hội.

Tối 10/4, khi nghe bác sĩ thông báo kết quả xét nghiệm lại âm tính nCoV lần một, Trang nói: "Em vui không thể tả được". Cô gái 17 tuổi chia sẻ, trong đời đây là lần nằm viện điều trị dài ngày nhất, cảm thấy triệu chứng của nCoV chỉ nặng hơn những bệnh cảm cúm thông thường khác một chút, không phức tạp và khó hồi phục như nhiều căn bệnh khác. Hiện Trang không còn tức ngực, khó thở.

Cô gái trẻ dự định sau khi khỏi bệnh sẽ về quê nghỉ ngơi một thời gian. Khi thế giới công bố hết dịch, cô sẽ quay lại Thái Lan, tìm một công việc thích hợp để kiếm tiền.

Tác giả: Hùng Lê

Nguồn tin: Ngoisao.net

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP