Giáo dục

Nhân đọc đề thi Văn THPT 2017: Tôi không “thấu cảm”!

Mấy hôm nay đọc đề thi vào THPT 2017 thấy có hai chữ “Thấu cảm”, tôi ngỡ ngàng quá. Sao lại dùng từ lạ, ít người biết để làm đề thi như vậy?

Tôi còn nhớ năm 1962, nhà thơ Chế Lan Viên đến Viện Văn học hội thảo về văn chương. Trong giờ giải lao, nhà thơ có đi dạo một vòng qua các phòng ban của Viện. Khi đến trước cửa phòng Cổ Cận Dâ, nhà thơ có hỏi tôi:

- Cổ Cận Dân là gì?

(Hồi ấy tôi là cán bộ Viện Văn học, ở phòng Cổ Cận Dân cùng với các cụ lão thành về văn chương như cụ Vũ Ngọc Phan, Hoàng Ngọc Phách, Trần Thanh Mại).

Tôi chưa kịp trả lời thì nhà văn, nhà phê bình, nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan:

-Thưa anh, Cổ là Cổ đại, Cận là Cận đại và Dân là Dân gian. Ba tổ nghiên cứu đó sát nhập lại thành Cổ Cận Dân.

Nhà thơ Chế Lan Viên gật đầu mỉm cười:

-Thế à! Thế mà tôi không nghĩ ra.

Một tuần sau, trên báo Văn nghệ có bài thơ vui của Chế Lan Viên:

“…Anh ở Cổ Cận Dân

Em ở Cao Là Xá

Biết nhau từ mùa xuân

Yêu nhau từ mùa hạ…”

Đó là một bài thơ vui có tính chất trào phùng. Tôi hiều nhà thơ Chế Lan Viên đã phê bình một cách dí dỏm cách đặt tên của một phòng nghiên cứu Văn học có uy tín nhất thời bấy giờ.

de ngu van 2017 crdj tisg
Đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn có sử dụng từ "thấu cảm" gây tranh cãi.

Cũng xin nói thêm, bấy giờ Viện Văn học mới thành lập, số cán bộ công nhân viên mới có ít người phải sát nhập các tổ nghiên cứu lại với nhau. Cũng như các nhà máy công nghiệp nhẹ của ta còn non trẻ nên mới có Khu Cao Xà Lá (cao su, xà phòng và thuốc lá). Cách đặt tên như thế theo thiển ý của tôi: nhà thơ Chế Lan Viên không đồng tình với cách làm đó nhưng vì tế nhị, nhà thơ chỉ mỉm cười, tỏ ý phê bình một cách nhẹ nhàng bằng… thơ.
Chuyện đó rồi cũng quên đi. Nhưng gần đây thấy xuất hiện vài nơi lặp lại. Xin đơn cử: Tắc Cụ Tỷ (Tắc là nguyên tắc, Cụ là cụ thể, Tỷ là tỷ mỉ ám chỉ một lời nói, một cách nghĩ không thông suốt.

Xét về mặt ngôn ngữ tiếng Việt, điều đó làm mất sự trong sáng của tiếng ta.

Lại nhớ có một lần, cũng thi tốt nghiệp phổ thông trung học, ra đề Văn bình luận bài thơ của Hồ Chủ tịch khi Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hóa gửi tặng Bác một gói cam. Bác viết:

“Cảm ơn người tặng gói cam

Nhận thì chẳng tiện, từ làm sao đây

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai”

Tôi không nói bài thơ viết sai mà nhân đây nhắc nhở đến việc ra đề. Nhiều (nếu không nói là hầu hết các em học sinh) không biết nghĩa hai chữ Cam lai. Vì thế có em khi phân tích bài thơ đã hiểu: Cam lai là một loại cam mới được cải tạo giống nên có vị ngọt và mát.

Phải nói dài dòng thế là để nói rằng khi ra đề thi phải cân nhắc kĩ càng, dẫu có thể là để phân hóa trình độ học sinh, nhất quyết không là để đánh đố thì phải cân nhắc từng câu, từng chữ và cũng để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Cũng nhân đây xin được nói lại một bài viết nhỏ của người viết bài nay đăng trên tạp chí Ngôn ngữ và đời sống của Viện Văn học năm 1982, bài “Muối không mặn” khi vạch ra hàng chục lỗi chính tả, từ ngữ của Tạp chí ấy. Tôi có hơi đao to búa lớn khi trích dẫn một câu nói của chúa Giêsu khi nói với các thánh tông đồ của mình rằng: “Bay là muối mà bay không mặn hỏi còn lấy chi muối bay nữa”. Một tạp chí duy nhất về ngôn ngữ mà còn viết sai như thế hỏi còn ai tin tưởng, hy vọng gì được nữa. Sau đó Tạo chí có viết bài xin lỗi độc giả đồng thời là thanh minh cho sai sót của mình.

Mấy hôm nay đọc đề thi vào THPT 2017 thấy có hai chữ “Thấu cảm”, tôi ngỡ ngàng quá.

Chẳng biết Bộ GD&ĐT định làm khó cho các em hay để phân hóa tình độ học sinh. Thiếu gì cách phân hóa cũng thiếu gì cách đánh đố mà dùng từ lạ, ít người dùng dễ làm hỏng sự trong sáng của tiếng Việt.

Tôi mạn phép đề nghị người chấm bài thi Văn năm nay không nên cho điểm câu hỏi này để khỏi oan uổng cho các em. Đương nhiên những em nào suy đoán, định nghĩa được từ “Thấu cảm” mà làm bài này hay thì nên đánh giá thế nào thì tùy Bộ.

Tác giả bài viết: Đào Cảnh

Nguồn tin:

  Từ khóa: hôm nay ,ngỡ ngàng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP