Gần đây cộng đồng mạng chia sẻ đoạn video về một tiết học giáo dục giới tính do cô giáo Khánh Ly ở Hải Phòng dạy. Khi được đăng tải đã gây nên nhiều tranh cãi.
Một số người cho rằng nên dạy học sinh các biện pháp tình dục an toàn càng sớm càng tốt. Một số thì ủng hộ việc “lờ đi” và giữ nguyên quan điểm truyền thống rằng phải kết hôn mới được quan hệ tình dục.
Một độc giả đưa ý kiến rằng anh cảm thấy “bất an” khi xem video hướng dẫn sử dụng bao cao su này. Anh cho biết anh nghi ngờ việc những học sinh sẽ thực hành như bài học của cô giáo khi quan hệ tình dục vì sự chủ quan của lứa tuổi học trò cộng với những lo lắng, sợ sệt khi làm chuyện ấy. Dù sao thì ở tuổi đó việc này vẫn chưa hợp pháp. Theo anh thì “quan hệ tình dục” chỉ dành cho những người đã lập gia đình, cho nên cần phải chọn đúng thời điểm để truyền đạt điều này với các cháu. Ở lứa tuổi 11, 12, tốt nhất là nên “răn đe” chứ không nên truyền đạt các kiến thức về tình dục, bởi trẻ sẽ hiểu rằng, khi được hướng dẫn nghĩa là chúng sẽ được thực hiện. Điều này chẳng khác gì con dao hai lưỡi.
Tham khảo một số nước trên thế giới cho thấy, Hà Lan giáo dục giới tính cho trẻ từ 4 tuổi, thảo luận về khuynh hướng tình dục và biện pháp tránh thai từ 11 tuổi. Tỷ lệ mang thai tuổi vị thành niên của quốc gia này thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Ở Anh, trẻ em bắt đầu được giáo dục giới tính khi còn mầm non. Pháp luật Anh quy định rất rõ rằng trẻ khi đủ 5 tuổi sẽ bắt đầu học về giới tính một cách bắt buộc. Chương trình với tên gọi “Khóa học Nhà nước yêu cầu” được áp dụng cho tất cả học sinh tại các trường công lập hay tư thục cho đến khi tốt nghiệp trung học cơ sở. Tại Nhật Bản, giáo dục giới tính là bắt buộc từ 10 hay 11 tuổi, chủ yếu đề cập tới các chủ đề sinh học như kinh nguyệt và xuất tinh. Các quốc gia Châu Á thường giáo dục giới tính cho trẻ từ 9 tuổi.
Một phụ huynh cho ý kiến: “Cách đây hơn chục năm, internet chưa phổ biến, học sinh không có cơ hội tiếp xúc với những thông tin trên mạng cho nên nguồn thông tin chính mà trẻ có được chính là từ nhà trường và cha mẹ. Ngày nay khác, đôi khi trẻ “tin” internet, tin google hơn cả cha mẹ. Vì vậy, việc cấm trẻ có những cảm xúc về giới tính là một việc làm bất khả thi. Ngày xưa, khi cha mẹ nói: “làm chuyện ấy là xấu, là phạm pháp, là hậu quả này kia”, thì trẻ sẽ tin ngay, nhưng bây giờ, chúng nhìn thấy những đoạn quảng cáo trên mạng, rồi vô tình vào những trang phim đen... Vì thế, tại sao chúng ta không giáo dục giới tính cho trẻ từ khi còn nhỏ tuổi và giáo dục công khai, để trẻ nhận thức được rằng, quan hệ tình dục không xấu, nhưng khi nào là phù hợp, phải bảo vệ sức khỏe sinh sản và các phòng tránh các bệnh qua đường tình dục như thế nào. ”
Vẽ đường cho hươu chạy đúng hay sai?
Một phụ huynh kể lại rằng, vợ chồng hàng xóm nhà anh mặc dù đã có 3 mặt con nhưng vẫn phải nạo phá thai tới 3 lần trong 2 năm qua. Nguyên nhân là do anh chồng nhất định không chịu dùng bao cao su vì cảm thấy “vướng víu”. Phụ huynh này cũng cho biết, anh sử dụng bao cao su nhiều năm nay nhưng chỉ sử dụng theo cảm tính, giờ xem video mới biết mình thao tác hoàn toàn sai. Sau khi làm theo video hướng dẫn thì cảm thấy thoải mái hơn nhiều. Qua việc này, anh muốn chia sẻ rằng, kể cả người lớn, nếu không học thì cũng mù tịt về cách tránh thai, chứ chưa nói gì đến trẻ. Dạy học sinh cách dùng bao cao su đúng là vẽ đường cho hươu chạy, nhưng vẽ đường chạy đúng chứ không vẽ đường chạy sai, còn hơn để cho hươu chạy quẩn. Ở Việt Nam, rào cản văn hóa là vấn đề tương đối khó giải quyết. Cũng giống như việc hôn nhau thì có thể lén lút, nhưng lại có thể đi vệ sinh ngay trên hè phố.
Hiện nay trong chương trình giáo dục giới tính phổ thông ở nước ta thì mới được đưa vào môn khoa học ở sách giáo khoa lớp 5. Tuy nhiên đa số các tiết học, thầy cô giáo ngại đề cập sâu đến vấn đề này và thường cho học sinh về “tự nghiên cứu”. Chính vì vậy, cho đến nay, kiến thức về giới tính của các học sinh phổ thông ở Việt Nam vẫn đang ở con số 0. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nạo hút thai ở Việt Nam cao nhất Châu Á và đứng thứ 5 trên thế giới.
Theo tiến sỹ Vũ Thu Hương (Giảng viên trường ĐHSP Hà Nội) thì lớp 5 mới được học giáo dục giới tính là quá muộn. Giáo dục giới tính không thể nói vài lần là hết mà phải có sự đồng hành của cả xã hội từ lúc trẻ bắt đầu đến trường cho đến khi có đủ kiến thức để tự bảo vệ hoặc chịu trách nhiệm về việc mình làm.
Tác giả bài viết: Diệp Anh/Gia đình Việt Nam