Tại hội thảo Kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường diễn ra ngày 6/12, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết gần đây, hoạt động quản lý, khai thác đất đai đang có một số tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, gây lãng phí, thất thoát nguồn lực và gây bức xúc cho xã hội.
Lỗ hổng để trục lợi
Trong hoạt động quản lý đất đai, Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ ra còn nhiều hạn chế như công tác quy hoạch đất còn thiếu tính toán về hiệu quả; việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí; tham nhũng, tiêu cực thất thu NSNN trong lĩnh vực quản lý đất đai còn lớn… Trong đó, có nhiều sai phạm nổi cộm liên tiếp diễn ra, các vụ án tham nhũng trong vi phạm đất đai chiếm tỷ lệ cao thời gian gần đây cũng do chấp hành pháp Luật Đất đai không nghiêm.
Ông Phớc cho rằng nguyên nhân của tình trạng này chính là việc có tới 5 phương pháp xác định giá đất nhưng lại không bắt buộc áp dụng phương pháp nào. Điều này dẫn tới việc tùy tiện áp dụng các phương pháp khác nhau làm giá trị đất chênh nhau hàng chục lần.
"Đây là cái sai lớn nhất, cũng là lỗ hổng dễ bị lợi dụng để trục lợi, thất thoát ngân sách Nhà nước", ông Phớc nói.
Ông lấy ví dụ về việc chuyển đổi đất trong quá trình cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam nhưng giá đất lại được xác định bằng 0. Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, khoảng trống và thiếu rõ ràng trong quy định phương pháp xác định giá đất đã biến đất của Nhà nước thành "những mảnh đất màu mỡ phát sinh tham nhũng.
"Không ít nhà đầu tư khi bỏ tiền mua cổ phần doanh nghiệp Nhà nước, không nhìn vào sức khỏe của doanh nghiệp đó mà chỉ nhắm tới những mảnh đất vàng sẽ sở hữu sau chuyển đổi. Vụ việc tại Hãng phim truyện Việt Nam, hay Vinaconex gần đây là ví dụ điển hình", ông Phớc nêu.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc. Ảnh: KTNN. |
Ông Phớc cũng cho rằng những sơ hở, hạn chế của phương pháp xác định giá đất còn tồn tại ngay trong từng phương pháp nên việc tính toán đưa ra giá đất sát với giá thị trường rất khó khả thi. Điều này khiến nhiều trường hợp đất của doanh nghiệp bị định giá không đúng giá trị.
Còn theo TS Vũ Đình Ánh tại nhiều địa phương tình trạng giao đất trái thẩm quyền diễn ra khá phổ biến. Hoạt động này cũng không diễn ra đơn lẻ mà thường có tổ chức, theo nhóm, có sự dung túng, bao che của nhiều cán bộ và tổ chức có liên quan.
“Giai đoạn 2014-2018 cho thấy sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai vẫn diễn ra phổ biến, phức tạp với các mức độ từ ít nghiêm trọng đến nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng, gây hậu quả lớn về kinh tế và xã hội, điển hình như vụ việc Vũ nhôm, Út trọc, Thủ Thiêm,… và tới đây chắc chắn sẽ còn nhiều vụ án nữa liên quan tới đất đai”, ông Ánh chia sẻ.
Vị chuyên gia nêu một số vi phạm điển hình trong việc quản lý và sử dụng đất đai hiện nay như đất đai được sử dụng và giao không đúng mục đích và không qua đấu giá. Từ đó khiến nhiều mảnh đất được trao cho nhà đầu tư nhưng để không, gây lãng phí. Một số trường hợp biến đất nông nghiệp, đất rừng thành đất ở.
Tình trạng này, theo ông Ánh, diễn ra ngay tại Hà Nội trong vụ biến đất rừng Sóc Sơn thành đất ở.
Sai phạm nghiêm trọng khác là các nhà đầu tư không thực hiện hoặc làm không đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Hay như trong các dự án đổi đất lấy hạ tầng như hình thức BT, khi dự án được xây dựng khống lên, giá trị đất đối ứng thì bị dìm xuống gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước.
"Những phi vụ sai phạm liên quan đến đất đai không dưới vài nghìn tỷ đồng, thậm chí lên tới vài trăm nghìn tỷ nếu xét trên quy mô cả nước", vị tiến sĩ nêu quan điểm.
Xác định giá đất bằng phương pháp cụ thể
Khu đất vàng 4 mặt tiền đường Lê Thánh Tôn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi - Nguyễn Trung Trực tại TP.HCM. Ảnh: Lê Quân. |
Nhiều đại biểu cho rằng muốn quản lý tốt và tránh sai phạm trong hoạt động đất đai cần thay đổi phương pháp tính giá đất theo hướng thống nhất cách tính với từng trường hợp cụ thể. Cùng với đó, công tác quy hoạch cần được minh bạch và tăng cường vai trò giám sát của các tổ chức.
Ngoài ra, cần hoàn thiện pháp luật về đất đai, bao gồm phương pháp xây dựng giá đất phù hợp với giá thị trường để tránh tình trạng các bên lợi dụng gây thất thoát, tham nhũng.
TS Vũ Đình Ánh cho rằng những quy định pháp luật cần tập trung sửa đổi hoàn thiện liên quan đến giá trị quyền sử dụng đất, phân phối lợi ích khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quyền qui hoạch và thay đổi qui hoạch sử dụng đất, dự án BT, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có gắn với quyền sử dụng đất, cho thuê đất…
Bên cạnh đó, hệ thống thông tin về đất đai cần được xây dựng thống nhất, đầy đủ, và phải có tính cập nhật để minh bạch hoạt động quản lý đất đai.
“Thông tin và công khai minh bạch thông tin về đất đai đóng vai trò then chốt trong việc ngặn chặn hàng loạt sai phạm về đất đai hiện tại cũng như trong tương lai”, chuyên gia cho hay.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc thì đề xuất không nên dùng phương pháp giả định mà nên dùng phương pháp xác định cụ thể với từng trường hợp, dự án.
Đơn cử, sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp và hệ số (giá đất UBND tỉnh ban hành x hệ số K hàng năm), sẽ phản ánh đúng theo giá thị trường. Phương án nào cho kết quả cao hơn thì lấy mốc đó là giá khởi điểm để đấu giá, tính thuế đất...
Tác giả: Quang Thắng
Nguồn tin: zing.vn