Kinh tế

Người nuôi lợn đang lỗ hơn 1 triệu đồng/con

Do giá bán xuống thấp và lượng tiêu thụ giảm mạnh, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ quyết định giữ đàn lợn quá lứa ở trong chuồng. Điều này càng khiến cho cán cân lệch về bên cung.

Chuồng có gần 20 con lợn đến lứa, nhưng nếu bán, bà Bản (huyện Thường Tín, Hà Nội) sẽ lỗ khoảng 1 triệu đồng/con, chưa kể công chăm sóc và tận dụng cám của nhà. Bà Bản đứng trước nguy cơ không có tiền đầu tư vào đàn lợn giống mới, và cũng nghi ngờ việc giá lợn trước Tết sẽ tăng.

"Thương lái chỉ trả khoảng 45.000 đồng/kg lợn hơi, trong khi tiền lợn giống đã là 2,5 triệu đồng/con, tiền thức ăn hết hơn 3 triệu đồng. Con lợn 1 tạ thì bán được có 4,5 triệu đồng, lỗ mất 1 triệu nên tôi quyết định giữ thêm", bà Bản nói.

Giá nguyên liệu đầu vào (chủ yếu là thức ăn chăn nuôi) tăng cao và cung vượt cầu là nguyên nhân chủ yếu khiến giá lợn hơi giảm mạnh tại các thị trường kể từ đầu năm. Không chỉ Việt Nam, người chăn nuôi tại các khu vực như EU, Mỹ, Trung Quốc... cũng đang phải đối mặt với khó khăn này.

Cung vượt cầu

Trong nước, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tổng đàn lợn cả nước tính đến đầu tháng 10 là trên 28 triệu con (đứng thứ 6 thế giới). Do giá bán thấp và lượng tiêu thụ giảm, người chăn nuôi phải giữ trong chuồng, đàn lợn quá lứa còn ứ đọng lại khoảng 30% (tương đương 1,5 triệu con).

Về phương diện nhập khẩu, Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết 9 tháng đầu năm, lượng nhập khẩu thịt các loại đạt 214.400 tấn, trong đó thịt lợn là 112.700 tấn, chiếm 3,6% tổng sản lượng thịt lợn trong nước. Bộ NNPTNT khẳng định đây không phải nguyên nhân chính của tình trạng giá lợn hơi xuống thấp.

Trong thời gian qua, dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội, các khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, bếp ăn tập thể ngưng hoạt động. Nhà hàng, quán ăn, khách sạn, chợ đầu mối, chợ dân sinh không hoạt động, dẫn đến nhu cầu sử dụng thực phẩm giảm 30-50%.

Đến nay, các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, nhân công lao động địa phương chưa quay lại thành phố lớn để làm việc, trường học vẫn đóng cửa, quán ăn mở đón khách với số lượng ít. Do đó, mức tiêu dùng thực phẩm vẫn còn hạn chế.

Tác động của khâu trung gian hay việc thương lái ép giá khiến chênh lệch giữa giá lợn người dân bán ra thấp và giá người tiêu dùng mua lại cao. Ảnh: Phương Lâm.

Đồng quan điểm, ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, nói với Zing giá lợn hơi giảm xuống thấp do lượng lợn tồn đọng quá nhiều sau thời gian giãn cách xã hội.

Ngoài việc các bếp ăn tập thể chưa hoạt động, việc các chợ đầu mối ở TP.HCM chưa được hoạt động trở lại hoàn toàn, nhiều chợ truyền thống chưa mở cửa, các hàng ăn phải bán mang về… góp phần khiến lượng lợn được tiêu thụ mỗi ngày còn thấp.

Một trong những giải pháp Bộ NNPTNT đưa ra là phải cân đối được cung cầu thực phẩm ở một số tỉnh/thành phố lớn. Ở khu vực phía Nam, TP.HCM nhu cầu hàng ngày khoảng 1.600 tấn thịt các loại (tự cung ứng được 10%), Cần Thơ cần khoảng 130-135 tấn thịt các loại (tự cung ứng được khoảng 50%).

Trong khi đó, 19 tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long mỗi ngày cung cấp 6.091 tấn thịt hơi (trong đó khoảng 4.000 tấn thịt lợn và 1.694 tấn thịt gà). Tổng cung hoàn toàn đáp ứng tổng cầu.

Tại miền Bắc, về nhu cầu thực phẩm trong 1 tháng của Hà Nội, thịt lợn cần 6.200 tấn (tự cung ứng được 94%), thịt gia cầm cần 6.200 tấn (tự cung ứng đủ nhu cầu), thịt trâu bò cần 5.400 tấn (tự cung ứng được 19%), thực phẩm chế biến cần 5.200 tấn (tự cung ứng được khoảng 19%), trứng gia cầm cần 124 triệu quả (tự cung ứng được 94%).

Hiện nay, 12 tỉnh phía Bắc đều cung cấp đủ cho Hà Nội số thực phẩm còn thiếu hàng tháng (67.000 tấn thịt lợn từ 9 tỉnh, 6.700 tấn thịt trâu bò từ 8 tỉnh, 142 triệu quả trứng từ 7 tỉnh).

Trung Quốc, EU cũng thừa thịt lợn

Về tình hình dư cung tại các cường quốc chăn nuôi trên thế giới, theo Reuter, sản lượng lợn Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm tăng 38% so với cùng kỳ, đạt hơn 39 triệu tấn. Riêng quý III đạt hơn 12 triệu tấn, tăng 43% so với quý III/2020 và là mức cao nhất kể từ quý III/2018.

Việc sản lượng thịt lợn tăng mạnh một phần do các công ty chăn nuôi lớn đẩy mạnh đầu tư hàng tỷ nhân dân tệ để mở rộng quy mô trong năm 2020 với tham vọng gia tăng thị phần sau dịch tả lợn châu Phi.

Giá lợn tại Trung Quốc hiện đã giảm 65% so với cùng kỳ năm ngoái, được xem là nguyên nhân khiến nhiều hộ chăn nuôi bán tháo và nhân cơ hội này loại bỏ những con lợn nái kém năng suất.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá lợn hơi của Thái Lan có xu hướng giảm nhưng mức độ ổn định cao hơn biến động giá trên thị trường Trung Quốc và Việt Nam.

Theo Rabobank, trong quý II, nhiều nhà sản xuất nhỏ vẫn còn hy vọng giá sẽ phục hồi, nhưng đến quý III, khoản lỗ đã kéo dài đủ để họ dừng lại và không còn dòng tiền. Vào tháng 8, một số nhà chăn nuôi đã lỗ khoảng 1.000 nhân dân tệ/con lợn (hơn 3 triệu đồng) khi giá thị trường giảm xuống còn 11 nhân dân tệ/kg lợn.

Cục thống kê của Trung Quốc cho biết số lượng đàn lợn của nước này giảm từ 439,1 triệu con vào cuối tháng 6 xuống 437,6 triệu con vào thời điểm cuối tháng 9. Số lượng lợn được giết mổ trong 9 tháng đầu năm đạt 492 triệu con, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, ngành thịt lợn của EU phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc nên nguồn cung đang dư thừa và giá xuất khẩu giảm mạnh. Dự báo sản lượng thịt lợn của EU năm 2021 tiếp tục tăng, trong khi xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc và Anh đang giảm.

Còn ở Mỹ, báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp nước này cho thấy tính đến ngày 1/9, tổng đàn lợn đạt 75,4 triệu con, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng lợn con giống từ tháng 6 đến tháng 8 đạt 33,9 triệu con, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2020. Số lợn nái sinh sản trong giai đoạn này là 3,05 triệu con, giảm 7%.

Tác giả: Văn Hưng

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP