Người lớn phải nghiêm, con trẻ mới nên!
Dường như chúng ta đã nhận ra một trong những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng bạo lực học đường trong học sinh liên tục bùng phát về cả số lượng và sự nhẫn tâm, vô cảm. Đó chính là sự bao che, bao biện và cả “bệ đỡ” từ chính phụ huynh chẳng khác gì “bắc thang” cho trẻ hư.
Bạo lực giữa học sinh đang diễn biến hết sức phức tạp. Chúng ta từng sững sờ trước một vài vụ đánh hội đồng dẫn đến tổn thương tâm sinh lý buộc gia đình phải xin chuyển trường.
Giờ đây chúng ta càng hãi hùng việc một nam sinh tự vẫn sau khi bị đánh và làm nhục trước cổng trường, cũng như hàng loạt vụ nữ sinh hùa nhau đánh người vì những mâu thuẫn vụn vặt đã thật sự gây hoang mang dư luận.
Một “công thức” quen thuộc ngay sau đó luôn là: “quan điểm của nhà trường là sẽ xử lý nghiêm theo quy định” và “công an vào cuộc xác minh, điều tra, làm rõ”. Nhưng những cách thức xử lý như viết kiểm điểm, xin lỗi giữa hai gia đình, hạ bậc hạnh kiểm hoặc khiển trách trước toàn trường sẽ chẳng đủ “liều” trị dứt căn bệnh bạo lực đâu.
Và nỗi lo “ngựa quen đường cũ” hay những trẻ khác “đi vào vết xe đổ” lại hiện hữu.
Phải thừa nhận rằng sự phối kết hợp của “ba nhà” gia đình - nhà trường - xã hội còn lỏng lẻo. Trong khi đó các biện pháp xử lý thiếu quyết liệt, chưa đủ nghiêm khắc nên trẻ “nhờn”, chưa ý thức được hành vi và hậu quả mình gây ra.
Không phải là tất cả nhưng một bộ phận phụ huynh khẳng định đã đến lúc người lớn phải dứt khoát, quyết liệt để trẻ tự chịu trách nhiệm, tự nhận thức, tự rút ra bài học cho bản thân.
Và không đơn thuần là sự nghiêm khắc trong xử lý bạo lực học đường, đó còn là sự nghiêm khắc trong giáo dục nhân cách, đạo đức học sinh, nghiêm khắc từ trong cách “phòng” căn bệnh nguy hiểm ấy.
Một môi trường học đường thân thiện là điều chúng ta mơ ước. Nhưng môi trường ấy rất cần sự nề nếp, kỷ cương, trật tự. Điều đó được tạo nên từ chính những tấm gương mẫu mực của thầy cô và ý thức chấp hành kỷ luật trong học sinh.
Tuy nhiên, phải chăng có lúc người lớn (ở đây là người thầy) đã chẳng dám nghiêm để trẻ phải sợ? Học trò không học bài, không soạn bài nhiều lần, thường xuyên nói chuyện riêng và thậm chí là vi phạm nội quy đánh nhau, hút thuốc, sử dụng điện thoại di động trong giờ học... chỉ mãi nhắc nhở, cảnh cáo trước lớp.
Còn dùng hình thức khác xử phạt ư? Rất nhiều thầy cô tâm sự rằng họ ngại phụ huynh làm lớn chuyện lên để rồi lùm xùm với báo chí, gánh lấy tai tiếng và thậm chí là bị kỷ luật, mất việc.
Nói như thế để thấy rằng áp lực của nhà trường khá lớn trong công tác dạy dỗ học sinh. Khi học sinh vi phạm, mọi trách nhiệm thường đổ về phía nhà trường. Nhưng nghịch lý là khi nhà trường siết chặt nội quy và nghiêm khắc xử phạt những sai phạm của học sinh thì ngay lập tức phụ huynh lại làm ầm lên, báo chí vào cuộc kéo theo nhiều hệ lụy phiền phức. Để rồi nhà trường bắt đầu dè chừng hơn, giáo viên ngần ngại hơn trong công tác giáo dục học sinh?
Thế đó, không phạt thì học trò hư, mà phạt thì phụ huynh kêu ca, lên án. Điều quan trọng mà nhiều phụ huynh quên mất chính là hình thức xử phạt ấy xuất phát từ tình yêu thương và nhiệt tâm của người thầy muốn uốn nắn học sinh nên người chứ chẳng phải xuất phát từ sự trừng phạt hay ghét bỏ con trẻ.
Chính vì vậy, để trẻ ý thức được hành vi, hậu quả do chính mình gây ra, sự phối kết hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội phải chặt chẽ, biện pháp giáo dục phải nghiêm khắc và có tính răn đe. Quan trọng là sự đồng thuận, nhất trí, chung lòng của phụ huynh trong giáo dục trẻ.
Tác giả bài viết: MAI THI
Nguồn tin: