Xã hội

Người chiến sĩ Nam tiến năm ấy

Ông Nguyễn Văn Sơn không thể nào quên giờ phút thiêng liêng ngày 2/9/1945 ở Quảng trường Ba Đình. Một rừng người, bao gồm những tiểu thương, nông dân, công nhân, trí thức… tay cầm cờ, hoa đứng theo hàng ngũ chỉnh tề.

Thảy đều ngước lên lễ đài Ba Đình. Trước hơn 50 vạn người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập.

Hôm ấy ông Nguyễn Văn Sơn cũng có mặt trong hàng ngũ thanh niên dự buổi mít tinh trọng đại của đất nước. Rồi chỉ vài tháng sau, ngày 25/12/1945 ông đã đăng ký làm thành viên của đoàn quân Nam tiến theo lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ vào các chiến trường Nam Trung bộ và Đông Nam bộ sát cánh cùng các chiến sĩ trên nhiều mặt trận.

Giờ phút xuất quân tại ga Hàng Cỏ, một không khí tràn ngập cờ hoa, băng rôn với những thiếu nữ tóc tết đuôi sam, áo dài cầm bó hoa tươi ra tiễn người yêu lên đường. Trong cuộc chia tay ngắn ngủi ấy, những đôi bạn trẻ trao cho nhau các kỉ vật. Mắt đỏ hoe, các cô gái cầm khăn vẫy chào đoàn quân khi tàu chuyển bánh.

Thanh niên lên tàu hỏa Nam tiến

Ngày đó ông Nguyễn Văn Sơn còn rất trẻ. Mới 15 tuổi, ông đã khai tăng lên một tuổi để được đi bộ đội. Tàu chạy qua các ga Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, mỗi điểm dừng lại bổ sung thêm những tình nguyện viên xung phong lên đường chiến đấu, thanh niên có, trung niên và phụ nữ trẻ cũng có 9 năm kháng chiến gian khổ ở chiến trường miền Nam là cả quãng đời trưởng thành trong quân ngũ. Nhỏ tuổi nhất đơn vị, ông Sơn không phải cầm súng chiến đấu mà chỉ đi theo phục vụ thương bệnh binh. Không gì tả nổi nỗi vất vả trong những năm tháng sống cùng thương bệnh binh từ các mặt trận gửi về chăm sóc, điều trị. Ngoài đi hái rau rừng, đào măng củ, khoai sắn nấu thay cơm, anh em y tá, y sĩ còn phải vật lộn với việc thiếu hụt thuốc men y tế. Cái khó ló cái khôn, họ đành bổ sung thêm các thảo dược hái trong rừng về phơi khô điều trị cho các chiến sĩ mắc bệnh hiểm nghèo, nhất là sốt rét ác tính.

Nhiều năm đi theo các đơn vị y tế chiến trường trên những mặt trận miền Đông Nam Bộ, sống trong các lán trại, ông Nguyễn Văn Sơn đã học được nhiều kinh nghiệm từ các đồng nghiệp trong cách điều trị bệnh sốt rét. Đặc trị sốt rét vẫn là thuốc ký ninh. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, để được cung cấp loại thuốc này là cả vấn đề nan giải. Đã có trường hợp mặt trận phải cử người về những thành thị, thị trấn đang bị địch kiểm soát để tìm mua các loại tân dược mà chủ yếu là ký ninh. Trên đường quay về đơn vị, nhiều chiến sĩ bị giặc bắt hoặc phục kích bắn chết.

Lên đường Nam tiến

Trước tình hình đó, ông Nguyễn Văn Sơn đã tìm ra một số loại cây mọc hoang trong rừng mang về pha chế chưng cất cho các thương binh sốt rét uống thử. Kết quả thực quá sức tưởng tượng. Bệnh tình thuyên giảm, các cơn sốt co giật cũng biến mất. Từ đó ông được các đồng nghiệp khuyến khích nghiên cứu tìm tòi phát triển những loại thuốc dân gian sẵn có nhằm giải quyết một phần khó khăn trong việc điều trị sốt rét kinh niên cho các thương bệnh binh.

Chỉ 15 năm đầu đời được sống cùng cha mẹ ở thủ đô, ông Nguyễn Văn Sơn vẫn hoài niệm những ký ức thời thanh niên sôi nổi. Ngày ấy ông đang học lớp đệ tứ Trường Bưởi Hà Nội. Trong phong trào sôi sục khi rất nhiều học sinh, sinh viên xuống đường biểu tình đòi tự do, độc lập và đòi quyền lợi được học theo chương trình lịch sử Việt Nam. Ông là một trong những học sinh tham gia tích cực các nhóm biểu tình, tuần hành. Trong ngày khởi nghĩa giành chính quyền 19/8/1945 ở Hà Nội, ông đã có mặt trong đoàn quân Cách mạng ấy.

Vài ngày sau, nghe lời kêu gọi của Bác Hồ trên Đài Truyền thanh “Thanh niên, đồng bào xung phong tham gia Nam Tiến đánh đuổi giặc Pháp, giành độc lập đất nước”, ông tìm đến điểm ghi tên tình nguyện và nằm trong danh sách chuyến Nam tiến đầu tiên từ Hà Nội.

9 năm kháng chiến trường kì trên nhiều mặt trận, nhiều địa danh miền Nam với biết bao khó khăn, gian khổ, hầu như toàn sống trong rừng và được đồng bào các dân tộc đùm bọc che chở giúp đỡ, bảo vệ mỗi khi giặc càn quét, ông Nguyễn Văn Sơn từ cậu học sinh trường Bưởi ngày nào đã trưởng thành cán bộ y sĩ chuyên ngành sốt rét.

Những năm xa cách ở chiến trường miền Nam, bố mẹ, anh em trong nhà đều không có tin tức gì của ông, nên hàng năm đến ngày sinh ông, mẹ ông vẫn làm mâm cơm thắp hương vì ai cũng nghĩ rằng ông đã hy sinh.

Hòa bình lập lại năm 1954, ông tập kết ra Bắc trước sự ngỡ ngàng mừng vui của gia đình. Những năm xa cách ở chiến trường miền Nam, bố mẹ, anh em trong nhà đều không có tin tức gì của ông, nên hàng năm đến ngày sinh ông, mẹ ông vẫn làm mâm cơm thắp hương vì ai cũng nghĩ rằng ông đã hy sinh. Sau này ông được đào tạo thành bác sĩ chuyên ngành sốt rét và được điều về công tác tại Viện sốt rét Mễ Trì Hà Nội, thường xuyên đi cùng các đoàn chuyên gia y tế nước ngoài để nghiên cứu, chữa bệnh sốt rét cho đồng bào các dân tộc vùng sâu vùng xa, chủ yếu ở Hà Giang. Khi nghỉ chế độ, ông đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú.

Tác giả: Duy Ngọc

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP