Mía được trồng ở 25 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn nhưng chủ yếu tập trung ở các xã Nghĩa Hưng, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Đức, Nghĩa Lạc, Nghĩa Phú...
Ông Nguyễn Huy Anh - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nghĩa Đàn cho biết: Niên vụ này, các giống mía được sử dụng nhiều là LK 92-11, KK3, và các giống có nguồn gốc Thái Lan. Hiện nay, nông dân đang tập trung thu hoạch, năng suất bình quân từ 60-70 tấn/ha.
Bà con xã Nghĩa Mai thu hoạch mía. Ảnh: Minh Thái |
Hiện tại, mía nguyên liệu được Công ty Mía đường Tat&lyle Nghệ An thu mua với giá từ 880.000 đồng/tấn. Năm nay giá vật tư, phân bón, công thu hoạch và chi phí vận chuyển đều tăng so với mọi năm; ngoài ra hơn 700 ha mía bị rệp xơ bông trắng hại mía, làm ảnh hưởng đến chất lượng chữ đường, nên lợi nhuận của nông dân giảm.
Mô hình mía siêu ngọt của gia đình ... ung – Xóm cát Mộng, Nghĩa Hiếu. Ảnh: Minh Thái |
Vụ ép 2017 - 2018, Nhà máy đường Nghệ An NASU phấn đấu nâng cao năng suất, sản lượng vụ ép khoảng 600 ngàn tấn, với năng suất ước đạt 60 – 70 tấn/ha.
Ông Ngô Văn Tú - Giám đốc Công ty Mía đường Nasu Nghệ An cho biết: Sản lượng trên địa bàn chỉ đáp ứng cho công ty khoảng 60%. Hiện do giá đường thế giới giảm, nên giá thu mua thấp hơn so với mọi năm. Để đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, công ty thực hiện tốt việc ký kết hợp đồng kinh tế giữa công ty với các tổ chức, cá nhân theo đúng qui định, thống nhất giá để đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các hộ trồng mía với công ty một cách ổn định, bền vững.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều hộ dân trồng mía, dù năng suất, sản lượng cao hơn năm ngoái nhưng giá mía thấp, nên người dân mong muốn nhà máy thu mua giá mía ổn định giúp người dân yên tâm sản xuất./.
Tác giả: Minh Thái
Nguồn tin: Báo Nghệ An